Mở rộng mạng lưới - tăng khả năng tiếp cận vốn
LienVietPostBank mở rộng mạng lưới là để đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ |
Thống kê sơ bộ qua báo cáo hoạt động của hơn 20 ngân hàng, trong năm 2018, LienVietPostBank là ngân hàng tăng số lượng điểm giao dịch nhiều nhất trong hệ thống khi đã tăng thêm 161 điểm giao dịch thông qua việc chuyển đổi các điểm giao dịch bưu điện thành phòng giao dịch ngân hàng, nâng tổng số điểm giao dịch của nhà băng này lên con số 388. LienVietPostBank vẫn còn gần 1.400 phòng giao dịch bưu điện đang hoạt động và tới đây sẽ tiếp tục chuyển đổi.
Lãnh đạo LienVietPostBank không ngần ngại cho biết, tham vọng của ngân hàng này khi mở rộng mạng lưới là để đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ.
Một trong những ngân hàng mở rộng mạng lưới nhiều nhất trong năm 2018 phải kể đến HDBank khi ngân hàng này đã hoàn tất mở mới 45 chi nhánh, phòng giao dịch, nâng tổng số điểm giao dịch lên 285 điểm. Số lượng điểm giao dịch tài chính tiêu dùng cũng tăng thêm 2.323, đạt 13.825 điểm giao dịch. Nhiều ngân hàng khác, mặc dù đã có mạng lưới khá lớn như BIDV, Sacombank… cũng tăng số điểm giao dịch thêm 14-17 điểm trong năm 2018.
Có thể thấy nhu cầu mở rộng mạng lưới của các ngân hàng vẫn còn rất cao. Nghe thì có vẻ mâu thuẫn, trong thời đại ngân hàng số, các ngân hàng vẫn duy trì mở rộng mạng lưới thay vì tập trung đầu tư công nghệ số. Song dù là thời đại ngân hàng số nhưng theo quan điểm của tổng giám đốc một NHTMCP trong TP.Hồ Chí Minh, việc mở rộng mạng lưới của các NHTM vẫn cần phải tiếp tục.
Dẫn chứng từ thực tế, vị này cho hay, ở một số nước kinh tế phát triển như Canada, tuy chỉ có 3-5 ngân hàng hoạt động tầm quốc gia nhưng mạng lưới của ngân hàng rất dày đặc. Cứ 5 - 10 km lại có chi nhánh ngân hàng. Bên cạnh bất kỳ trung tâm thương mại nào tại nước này đều có 1 chi nhánh, mật độ khá dày. Bước vào trong các ngân hàng ở đây, việc khách hàng xếp hàng đợi giao dịch khá phổ biến.
Mặc dù, mức độ tiện dụng ngân hàng số của các ngân hàng Việt Nam còn chạy dài mới theo được các ngân hàng Canada, nhưng với mạng lưới ngân hàng vẫn phủ rộng khắp, cho thấy dù thời đại nào thì vai trò của chi nhánh ngân hàng vẫn quan trọng. Đây là mục tiêu nhiều ngân hàng hướng tới cũng như toàn ngành nhằm gia tăng độ phủ, thu hút nhiều khách hàng hơn nữa.
Trong lần mở rộng mạng lưới lần này của các ngân hàng có sự khác biệt. Thay vì bành trướng tại khu vực thành thị, các ngân hàng lại chuyển hướng về nông thôn. Chẳng hạn như LienVietPostBank, hàng trăm điểm giao dịch tăng thêm trong năm 2018 hầu hết không phải là mở mới mà là dựa trên cơ sở chuyển đổi từ phòng giao dịch bưu điện thành phòng giao dịch ngân hàng. Mà các phòng giao dịch bưu điện tập trung khá nhiều tại khu vực nông thôn – nơi mà tín dụng đen đang hoành hành.
Do vậy, sự nâng cấp các điểm giao dịch ngân hàng của LienVietPostBank nói riêng và toàn hệ thống nói chung tại khu vực trên sẽ góp phần làm giảm sự biến tướng của các hoạt động tín dụng phi chính thức thành tín dụng đen. Xu hướng này cũng nằm trong chủ trương của NHNN là nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ ngân hàng của TCTD và khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân vùng nông thôn.
Mới đây, tại Hội nghị triển khai giải pháp đẩy lùi tín dụng đen, Thống đốc NHNN cho biết, NHNN có chính sách khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, nhất là khu vực nông thôn.
Động thái các ngân hàng tăng mạnh các điểm giao dịch trong thời gian gần đây cùng với chủ trương cơ quan quản lý khuyến khích mở rộng mạng lưới nhận được sự đồng tình cho rằng đây cũng là giải pháp thu hẹp khoảng cách giữa người dân với ngân hàng.
“Trước đây các ngân hàng chỉ tập trung mở chi nhánh ở các thành phố lớn nên tạo khoảng trống lớn ở vùng nông thôn. Hiện tại, dân trí cũng như thu nhập ở vùng nông thôn được cải thiện nhiều. Do vậy, tiềm năng khai thác của các ngân ở khu vực này là rất lớn”, một chuyên gia ngân hàng nhận định.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng khuyến nghị, hướng mở trên phải có chọn lọc để tránh tăng trưởng nóng như thời gian trước đây.
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng NHNN có định hướng khuyến khích như vậy nhưng bao giờ cũng có cơ chế quản lý phù hợp. Theo đó các ngân hàng liệu cơm gắp mắm chứ không phải mở bao nhiêu cũng được. Dù ưu tiên tăng trưởng tín dụng nhiều hơn hay mở rộng mạng lưới, thì các ngân hàng vẫn phải tuân thủ các quy định của NHNN. Không chỉ về phía cơ quan quản lý, mà bản thân ngân hàng khi kinh doanh cũng phải tính toán hiệu quả thì họ mới làm. Đối với kinh doanh ngân hàng không chỉ phải tính đến doanh thu tăng, mà còn phải quản lý chặt chẽ rủi ro để không phải gánh nợ xấu, nợ quá hạn.
“Các ngân hàng cũng đã khổ vì nợ xấu, nợ quá hạn rồi. Làm bao nhiêu trích lập dự phòng rủi ro, không có lãi. Nếu kinh doanh như vậy chắc chắn họ không làm. Ngay cả chủ trương mở rộng mạng lưới nhưng chắc chắn NHNN sẽ quản lý rất chặt chẽ và chính sách mở ở mức độ nhất định chứ không phải là vô giới hạn”, một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ quan điểm.