Mở rộng tín dụng vào kinh tế tập thể
Tỷ lệ tiếp cận vốn vay của các hợp tác xã nông nghiệp tăng
Theo thông tin từ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mặc dù so với các mô hình kinh tế khác, nhóm tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp (bao gồm: hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ hợp liên kết chuỗi giá trị nông sản…) là nhóm có tỷ trọng tiếp cận tín dụng thấp nhất từ các quỹ hỗ trợ vốn và từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ tiếp cận vốn vay của các hợp tác xã nông nghiệp đã được cải thiện phần nào nhờ việc cải tổ mô hình hoạt động và đáp ứng được các nhu cầu vay vốn.
Ông Nguyễn Tiến Định, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến cuối tháng 6/2022 cả nước có gần 18.800 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó, khoảng 1.900 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, gần 1.200 hợp tác xã là chủ thể của mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Tính từ tháng 8/2018 - thời điểm Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có hiệu lực đến nay, đã có trên 37% hợp tác xã tham gia các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản và gần 7.000 chuỗi liên kết được hình thành.
Các hợp tác xã tham gia mô hình chuỗi liên kết với doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn vay từ NHTM. |
Ông Định cho biết, do số lượng hợp tác xã nông nghiệp có kết quả hoạt động khá và tốt chiếm 55% nên năng lực tài chính nội bộ và khả năng huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cũng có bước tiến nhất định nên các hợp tác xã nông nghiệp đã và đang tiếp cận được các ưu đãi về tín dụng từ Quỹ Hỗ trợ hợp tác xã và các tổ chức tín dụng khác. Trong đó, các hợp tác xã là chủ thể OCOP hoặc nằm trong các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản của các tập đoàn lớn, có mức độ tiếp cận vốn tốt hơn và thường xuyên hơn.
Quan sát tại khu vực phía Nam cho thấy, việc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ngành nông nghiệp chủ động liên kết với các hợp tác xã và hỗ trợ hình thành các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới đã giúp một lượng lớn tổ chức kinh tế tập thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại.
Đơn cử, Tập đoàn Lộc Trời đã hỗ trợ tỉnh An Giang thành lập trên 50 hợp tác xã nông nghiệp. doanh nghiệp này hiện đang mở rộng mô hình cánh đồng lớn tại các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng đã thu hút hàng trăm hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia vào các chuỗi liên kết. Qua đó, tiếp cận được nguồn vốn tài trợ từ các ngân hàng như: MB, Agribank, BIDV, VPBank và HDBank.
Hay một doanh nghiệp khác là Tập đoàn Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), trong những năm qua đã hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thành lập và liên kết khoảng 450 hợp tác xã nông nghiệp. Từ đó, tổ chức các mô hình liên kết 4 nhà “nhà nông - doanh nghiệp - nhà băng - địa phương” và bảo lãnh để các hợp tác xã vay vốn từ ngân hàng theo mô hình chuỗi giá trị khép kín.
Sớm hình thành cẩm nang vay tín dụng cho hợp tác xã
Mặc dù hoạt động tài trợ vốn tín dụng cho các mô hình kinh tế tập thể trong 1-2 năm trở lại đây đã có cải thiện, tuy nhiên theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), qua khảo sát cho thấy 78,6% các hợp tác xã không có tài sản thế chấp để vay tín dụng thương mại từ các ngân hàng. Khoảng 14% hồ sơ xin vay không được ngân hàng chấp thuận do các hợp tác xã có phương án sản xuất kinh doanh thiếu tính khả thi hoặc sổ sách tài chính kế toán chưa rõ ràng, minh bạch.
Ngoài ra cũng có một số lượng lớn các hợp tác xã hoạt động yếu kém, thiếu thông tin, không nắm rõ được các thủ tục vay vốn, vì thế chưa thể tiếp cận được các khoản tín dụng cho sản xuất kinh doanh.
Ông Toản cho rằng, để nâng cao tỷ lệ hợp tác xã tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng, khâu định giá tài sản thế chấp cần được rà soát, từ đó thống nhất cách làm và đưa ra những cơ chế ưu tiên khuyến khích cho nhóm kinh tế tập thể.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần rà soát kỹ các quy định của Nghị định 116/2018/ NĐ-CP và Nghị định 55/2015/NĐ-CP về tín dụng nông nghiệp nông thôn để tạo điều kiện hỗ trợ cho vay nhiều hơn đối với các khoản vay không có tài sản thế chấp cho các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Ở quy mô cả nước, ông Toản đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên phối hợp với NHNN và các bộ, ngành để xây dựng cẩm nang tiếp cận tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, phổ biến sâu rộng ở các địa phương, lan tỏa vào các chuỗi liên kết và các mô hình hợp tác giữa hợp tác xã - doanh nghiệp nhằm tăng thêm khả năng tiếp cận vốn.
Đồng quan điểm, ông Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II cho rằng hiện nay, tín dụng nội bộ của hợp tác xã cũng khá phát triển. Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần có văn bản hướng dẫn phù hợp, kịp thời để tạo nội lực cho các đơn vị kinh tế tập thể đa dạng huy động vốn.
Bên cạnh đó, nhờ sự phát triển nhanh của các chuỗi liên kết nông nghiệp nên hiện nhiều ngân hàng ở phía Nam đã tham gia tích cực vào hoạt động tài trợ vốn. Trong đó, các ngân hàng như Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã triển khai tập huấn cho cán bộ tín dụng về mô hình hoạt động của hợp tác xã và xây dựng cho hợp tác xã các phương án kinh doanh khả thi. Vì thế, việc kết nối xây dựng cẩm nang vay vốn tín dụng cho hợp tác xã sẽ có thể triển khai được ngay nhằm phổ biến nhanh chóng các quy định, quy trình thủ tục tiếp cận vốn đối với các mô hình kinh tế tập thể.