Mobile Money: Đòn bẩy để thanh toán số bứt phá
Những tín hiệu tích cực
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán cho biết, sau gần 6 tháng triển khai, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm Mobile Money đã đạt được kết quả khả quan và đảm bảo an toàn, góp phần vào phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.
Thực tế là đến cuối tháng 3/2022, tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money là hơn 1,1 triệu khách hàng, trong đó số lượng khách đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là gần 660.000 khách hàng (chiếm hơn 60% khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ). Điều này phần nào cho thấy việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money đã đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, nhất là nhóm người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ ngân hàng (unbanked/underbanked).
Ảnh minh họa |
Ông Dũng cũng đưa ra một loạt những con số rất tích cực, khi tới tháng 3/2022, hơn 3.000 điểm kinh doanh được thiết lập, trong đó số lượng điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là khoảng gần 900 điểm, chiếm khoảng 30% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập. Tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán là hơn 12.800, trong đó chủ yếu là các đơn vị chấp nhận thanh toán cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục… Đến cuối tháng 3/2022, tổng số lượng giao dịch đã đạt hơn 8,5 triệu giao dịch với tổng giá trị hơn 370 tỷ đồng.
Dưới góc độ nhà mạng triển khai thí điểm dịch vụ này, ông Trương Quang Việt - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel cũng chia sẻ, Viettel đã đưa vào hoạt động trên 100 điểm Chợ 4.0 trên cả nước. Qua đó người dân có thể dễ dàng thanh toán qua chuyển tiền hoặc quét mã QR; đồng thời Viettel phối hợp với hàng loạt trường học, bệnh viện… triển khai các cổng thanh toán hỗ trợ người dân đóng học phí, chi trả viện phí… hoàn toàn trực tuyến, làm giảm áp lực trên các phương thức đóng phí truyền thống, hạn chế tập trung đông người cũng như việc người dân phải xếp hàng chờ đợi… Trong thực tế, tính đến hết quý I/2022, 70% thuê bao kích hoạt tài khoản tiền di động trên Viettel Money đều nằm ở các vùng sâu, vùng xa. Trung bình mỗi thuê bao phát sinh tới 10 giao dịch chuyển tiền, mua bán trực tuyến. “Như vậy có thể thấy Mobile Money đang từng bước góp phần mang tài chính số và thói quen chi tiêu không tiền mặt thâm nhập vào mọi mặt của đời sống người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, trước đây chưa có cơ hội tiếp xúc với tiện ích tài chính, ngân hàng”, ông Việt cho hay.
Kết nối cơ sở dữ liệu công dân
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai, ông Nguyễn Văn Tấn - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT - VinaPhone cho biết, Mobile Money tập trung vào micro payment (thanh toán nhỏ), khi khách hàng ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận đến dịch vụ ngân hàng. Bài toán ở đây là làm sao để người dân sử dụng dịch vụ dễ dàng nhất. Vấn đề lớn đầu tiên cần phải cung cấp dịch vụ đơn giản, dễ sử dụng. “Chúng ta cần tìm ra điểm rơi phù hợp giữa việc quản lý hiệu quả nhưng vẫn giúp cho khách hàng thuận tiện nhất… Qua thực tiễn triển khai, chúng tôi nhận ra vấn đề về xác thực khách hàng. Để khách hàng đăng ký đơn giản, tôi cho rằng cần sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, bởi trên đó có thông tin đầy đủ và chính xác gần như tuyệt đối về họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ… Nếu nhà mạng tiếp cận được nguồn dữ liệu này thì khách hàng không cần nhiều bước phức tạp mà có thể sử dụng Mobile Money ngay, miễn là số điện thoại trùng với thông tin đăng ký”, ông Tấn chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề xác thực, ông Phan Đức Hiệp - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân cho biết, phía Bộ Công an đã nghiên cứu để triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân nói chung và các nhà mạng, tổ chức cung cấp dịch vụ Mobile Money nói riêng. Theo đó, Bộ Công an đang triển khai thí điểm việc xác thực thẻ căn cước công dân thật/giả, xác thực thông tin cơ bản, thông tin sinh trắc với dữ liệu được lưu trữ trong chip của thẻ căn cước nhằm tránh rủi ro, gian lận trong hoạt động tài chính, ngân hàng, viễn thông, công chứng và các giao dịch dân sự, thủ tục khác.
“Các nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money tích hợp giải pháp này là cần thiết nhằm tránh các rủi ro trong hoạt động xác minh tài khoản qua ứng dụng trực tuyến và các quầy giao dịch, điểm tiếp nhận trực tiếp. Hình thức của giải pháp này được thể hiện qua các đầu đọc thẻ căn cước công dân gắp chip, thiết bị xác minh di động tại quầy giao dịch và thư viện tích hợp vào các ứng dụng mobile trên nền tảng di động”, ông Hiệp thông tin.
Để đảm bảo Mobile Money phát triển an toàn và hiệu quả, đem lại những giá trị, tiện ích thiết thực cho người dân, trong thời gian tới, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán chia sẻ, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an theo dõi, bám sát, đánh giá tình hình triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money; đồng thời hướng dẫn, giải đáp vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dịch vụ này của doanh nghiệp thí điểm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cũng cần tiếp tục triển khai hình thức, biện pháp tuyên truyền, thuyết phục các điểm kinh doanh kết hợp với khích lệ về kinh tế giai đoạn đầu triển khai dịch vụ. Chúng ta cũng cần cho họ thấy những lợi ích phi tài chính như tăng lượng khách hàng đến điểm kinh doanh, có thêm nguồn thu từ phí hoa hồng khi có tệp khách hàng quen thuộc. Tuy nhiên các đơn vị phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các nội dung liên quan quy định về mục tiêu, phạm vi thực hiện thí điểm, nội dung thí điểm, tổ chức thực hiện, các hành vi bị cấm theo quy định tại Quyết định 316/QĐ-TTg. Đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai, thúc đẩy thanh toán dịch vụ công, các khoản trợ cấp Chính phủ qua dịch vụ Mobile Money.