Mời gọi đầu tư bằng chính sách thông thoáng
Chỉ cách Hà Nội chưa đầy 150 km, tỉnh miền núi phía Đông Bắc này có hệ thống giao thông khá tốt, có khả năng kết nối với các cửa khẩu biên giới tại Hà Giang, Lào Cai; với sân bay quốc tế qua Vĩnh Phúc; hay cảng biển Hải Phòng…
Cam Hàm Yên là nông sản có thế mạnh của Tuyên Quang |
Bên cạnh đó, lợi thế về truyền thống văn hóa, lịch sử và tài nguyên thiên nhiên phong phú; một hệ sinh thái nông - lâm nghiệp là những điều kiện kêu gọi đầu tư khá tốt. Để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động giao thương, tỉnh cũng đang triển khai dự án đường nối Tuyên Quang với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, quy hoạch xây dựng hạ tầng điện, nước, hệ thống xử lý nước thải...
Nhưng trên hết, Tuyên Quang cũng là địa phương đang nỗ lực cải cách hành chính để thay đổi vị trí năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang xếp hạng 48 hiện nay.
Mục tiêu phát triển mà Tuyên Quang đặt ra là khá tham vọng, phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Để thực hiện được mục tiêu đó, Tuyên Quang cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Trong đó, xây dựng hệ thống cơ chế chính sách ổn định, minh bạch, ưu đãi, hỗ trợ theo loại hình, quy mô, tính chất dự án, tập trung hỗ trợ về thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, đào tạo nhân lực.
Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, ông Chẩu Văn Lâm chia sẻ, với chính sách khuyến khích đầu tư thông thoáng và dịch vụ hành chính phục vụ hiện đại, tỉnh sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình đầu tư tại địa phương. Đồng thời, Tuyên Quang cam kết phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, cuộc sống an toàn, lành mạnh cho nhà đầu tư.
Các nỗ lực của Tuyên Quang trong cải thiện môi trường kinh doanh đang khiến địa phương này trở thành nơi “đất lành chim đậu” cho nhiều DN. Cho đến nay, một số nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Geleximco, Vingroup, Mường Thanh, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Dabaco, Woodsland... đã và đang đầu tư các dự án quan trọng tại Tuyên Quang.
Tổng hợp đến nay trên địa bàn tỉnh có 180 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 27.000 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 157 triệu USD. Các dự án trên đã và đang đóng góp lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đại diện DN đã đầu tư vào Tuyên Quang từ năm 1993, ông Nguyễn Ngọc Đình, Tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Thành Hưng nhìn nhận, sự hỗ trợ, tạo thuận lợi trong hoạt động kinh doanh của địa phương là rất lớn. Công ty đã được tỉnh chấp thuận thực hiện nhiều dự án quan trọng về cơ sở hạ tầng; được quan tâm và giúp đỡ để thực hiện các công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng. DN cũng mong muốn thời gian tới sẽ có nhiều các chính sách ưu đãi cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các DN mở rộng đầu tư hơn nữa.
Còn ông Nguyễn Trọng Kích, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam - DN đang đầu tư dự án Tổ hợp sản xuất giống gia súc, gia cầm tại huyện Sơn Dương - cũng bổ sung, trong đầu tư thì cái khó nhất của DN chính là giải phóng mặt bằng.
Nhưng tại huyện Sơn Dương, công ty đã được các cấp chính quyền và nhân dân tạo điều kiện giải phóng mặt bằng nhanh và các thủ tục đều được giải quyết nhanh chóng. Ông Kích nhấn mạnh, việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư là yếu tố quyết định thu hút hơn nữa nhiều nhà đầu tư vào Tuyên Quang thời gian tới...
Tham dự hội nghị quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Tuyên Quang trong việc mời gọi và thu hút đầu tư. Thủ tướng cho biết, đã giải quyết hơn 10 kiến nghị của tỉnh để tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, trong đó quan trọng nhất là việc đồng ý về chủ trương xây dựng đường cao tốc từ Đoan Hùng (Phú Thọ) lên Tuyên Quang dài hơn 40 km theo hình thức hợp tác công tư.
Đồng thời, Thủ tướng hoan nghênh các nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư tên tuổi trong nước và quốc tế có nhiều tiềm năng tài chính, kỹ thuật vì lợi ích quốc gia, lợi ích địa phương Tuyên Quang và vì lợi ích của đơn vị mình đã lên đây, nơi Thủ đô kháng chiến, để tham gia làm ăn, đầu tư.
Chỉ đạo và cũng là góp thêm giải pháp thu hút đầu tư cho tỉnh, Thủ tướng yêu cầu Tuyên Quang cần làm tốt một số nhiệm vụ như xã hội hóa mạnh mẽ, đặc biệt là đầu tư tư nhân, kể cả trong đầu tư hạ tầng. Nên có quy hoạch tốt để phát triển, không để mâu thuẫn trong phát triển lâu dài, tiếp tục cải cách, đổi mới mạnh mẽ, đặc biệt là cải cách hành chính cho môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất, cải thiện thứ hạng PCI trong những năm tới, đào tạo lại người lao động có kỹ năng tại địa phương.
Về phía các DN, Thủ tướng nhắn nhủ cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, có chế độ đối xử đúng mức với người lao động từ chế độ lương thưởng, môi trường lao động…; nói và làm đi liền với nhau, mang lại niềm tin cho địa phương; kinh doanh và vấn đề môi trường cần được chú trọng, đảm bảo.
Tại hội nghị này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Phạm Minh Huấn đã trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho Tập đoàn Vingroup, CTCP Woodsland Tuyên Quang, CTCP Tập đoàn DABACO, Công ty TNHH Đầu tư Quý Hải Phát, CTCP Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang với tổng số vốn cam kết đầu tư 3.691 tỷ đồng. Ký thỏa thuận cam kết đầu tư với DN xây dựng Xuân Trường, CTCP Xây dựng và Thương mại Lam Sơn, CTCP Đầu tư Sông Đà Việt Đức và Công ty TNHH Đầu tư Quý Hải Phát, Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng, Công ty TNHH Hiệp Phú, CTCP Woodsland Tuyên Quang với tổng số vốn cam kết 18.289 tỷ đồng. Cũng tại hội nghị, các ngân hàng thương mại và các nhà tài trợ đã hỗ trợ 18,7 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội của tỉnh. Theo đó, VietinBank tài trợ 4 tỷ đồng, BIDV tài trợ 4 tỷ đồng, Vietcombank tài trợ 4 tỷ đồng, Agribank tài trợ 3 tỷ đồng… cho công tác an sinh xã hội của tỉnh. |