MSB nhận giải thưởng quốc tế về quản trị rủi ro
MSB: Mục tiêu là tăng trưởng bền vững Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MSB tăng hơn 86% |
Giải thưởng là sự ghi nhận cho những nỗ lực của MSB trong việc tiên phong áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị rủi ro, chuyển dịch mạnh mẽ cách thức quản trị rủi ro trên hành trình số, đồng thời phát huy thế mạnh về mô hình trong lĩnh vực này, mang đến tác động tích cực tới hiệu quả hoạt động và kinh doanh của ngân hàng.
Tiên phong áp dụng tiêu chuẩn quốc tế
MSB là một trong những ngân hàng tiên phong trên thị trường áp dụng quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, Basel III và Basel IV là minh chứng rõ nét của MSB khi hoàn toàn thực hiện bằng nguồn lực nội bộ mà không dựa trên hỗ trợ từ đối tác thứ 3.
Đến nay, MSB đã ứng dụng các phương pháp phương pháp xếp hạng nội bộ (IRB) - Basel III đối với rủi ro tín dụng, phương pháp tính vốn cho rủi ro hoạt động theo chuẩn mực Basel III/IV, tính vốn cho rủi ro thị trường theo phương pháp SA2022, IMA 2022 (by ES) - Basel III, xác định bộ sổ Ngân hàng và tính vốn yêu cầu dựa trên thay đổi bất lợi về vốn kinh tế do biến động lãi suất Delta EVE, Delta NII - Basel II đối với rủi ro lãi suất sổ ngân hàng… Các chuẩn mực tiến bộ này đã được MSB áp dụng vào đo lường rủi ro và triển khai đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP) qua từng năm, giúp ngân hàng đảm bảo có đủ tài sản để đáp ứng nhu cầu thanh khoản, duy trì cấu trúc vốn bền vững.
Bên cạnh Basel, ngân hàng cũng áp dụng tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) với các hạng mục rủi ro. Dự phòng tổn thất tín dụng dự kiến được tính toán trên rủi ro tổn thất tín dụng có thể xảy ra trong suốt vòng đời của tài sản tài chính. Với mô hình này, MSB đưa các yếu tố đầu vào mang tính chất dự báo về chỉ số kinh tế vĩ mô nhằm gia tăng tính chính xác của kết quả, đồng thời được tư vấn độc lập khẳng định về chất lượng mô hình để phục vụ tính toán vốn và dự phòng.
Tăng cường quản trị rủi ro trên hành trình số
Để quản trị rủi ro hiệu quả trên hành trình số, MSB đánh giá việc ứng dụng thế mạnh về mô hình rủi ro là yếu tố nền tảng. Ngân hàng đã xây dựng và triển khai đồng bộ các mô hình phê duyệt trước, phê duyệt tự động, đoán định thu nhập, mô hình phân tích hành vi và phòng chống gian lận để nhanh chóng ra quyết định phê duyệt khoản vay. Bên cạnh đó, hệ thống cảnh báo sớm cũng dịch chuyển sang mô hình dựa trên dữ liệu, cho phép rủi ro được cảnh báo với tần suất thường xuyên hơn và cùng nhịp độ với giao dịch người dùng. Song song, để giảm thiểu việc cung cấp hồ sơ của khách hàng và tăng tính chính xác cũng như hiệu quả của mô hình, MSB hướng tới sử dụng nguồn dữ liệu thay thế từ dữ liệu hành vi, lịch sử giao dịch của khách hàng,… Các kỹ thuật xây dựng mô hình hiện sử dụng các thuật toán máy học (machine learning) để tăng năng suất và chất lượng.
Về quản lý rủi ro gian lận trên hành trình số, MSB áp dụng mô hình phễu lọc bốn lớp với nền tảng công nghệ hiện đại. Tiêu biểu với hành trình eKYC (định danh điện tử), AI với chức năng véc – tơ hóa khuôn mặt cho phép đối chiếu hình ảnh giấy tờ với hình ảnh nhận diện thực tế, đồng thời cảnh báo lặp dữ liệu nếu có; liveliness giúp kiểm tra thực thể sống, hạn chế gian lận sử dụng ảnh chụp thay thế người thật; hay logical rules giúp so sánh tính logic các thông tin trên hồ sơ định danh. MSB cũng đưa ra cơ chế tự chấm điểm gian lận (Fraud Score), hỗ trợ tối đa việc ra quyết định của ngân hàng khi khách hàng tiếp cận sản phẩm số. Bên cạnh đó, với rủi ro an ninh thông tin, mô hình DevSecOp – “phát triển, bảo mật, vận hành” cho phép MSB phát hiện và khắc phục các lỗ hổng an ninh mạng. Các giao dịch tại ngân hàng cũng được đảm bảo bởi cơ chế xác thực đa nhân tố. Ngoài tên đăng nhập và mật khẩu, hệ thống sẽ tự động kiểm tra, định danh thiết bị đăng nhập trước khi cho phép giao dịch được tiến hành.
Từ nền tảng mô hình và cách thức quản trị, MSB hướng đến cơ chế phê duyệt thẳng Straight Through Process (STP) – luồng cho vay không có sự can thiệp của con người, nhằm thúc đẩy số lượng khách hàng có thể vay vốn lên mức tối đa với thời gian ngắn nhất trong mỗi lượt phê duyệt hoàn toàn tự động. Để triển khai quy trình không điểm chạm này, ngân hàng đang tiếp tục tối ưu hóa hạ tầng để đảm bảo mọi giao dịch của khách hàng đều được tự động cập nhật theo thời gian thực, từ đó đưa ra yếu tố đầu vào chính xác và hiệu quả, tăng mức độ chính xác của quyết định phê duyệt.
Việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị rủi ro và chuyển dịch cách thức quản trị rủi ro trên kênh số đã mang đến cho MSB nhiều lợi ích thiết thực, giúp ngân hàng có những điều chỉnh phù hợp về mặt chiến lược, quản trị kế hoạch vốn phù hợp hơn và nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh một cách toàn diện.