MSB tăng thu mảng kinh doanh ngoại hối
Những dấu ấn “xanh” của MSB MSB tăng vốn điều lệ lên 26.000 tỷ đồng Ưu đãi dành riêng cho khách hàng phát triển nông nghiệp |
Kết thúc 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng riêng lẻ của MSB đạt 12,41%, tiếp tục duy trì đà tăng từ quý trước và thuộc nhóm đầu ngành. Cho vay khách hàng đạt trên 166.000 tỷ đồng. Đây là kết quả từ sự đa dạng và linh hoạt về sản phẩm vay cũng như tính ưu việt của quy trình số hóa được ngân hàng đẩy mạnh nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng.
Tổng tài sản của ngân hàng tại 30/6/2024 đạt hơn 295.500 tỷ đồng, tăng 10,69% so với cuối năm 2023. Ngoài tăng trưởng về cho vay khách hàng, mức tăng của tổng tài sản được hỗ trợ mạnh từ mảng chứng khoản đầu tư với tốc độ tăng trên 40% so với 31/12/2023, ghi nhận trên 53.100 tỷ đồng, trong đó khoảng 66% đến từ đầu tư trái phiếu Chính phủ.
Cùng với tăng trưởng quy mô tín dụng, huy động từ khách hàng và giấy tờ có giá của ngân hàng hợp nhất tăng lần lượt 15% và 64% so với cuối năm 2023, góp phần củng cố hiệu quả bảng cân đối. Bên cạnh đó, số dư tiền gửi không kỳ hạn đạt hơn 40.500 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cuối năm trước và giữ xu hướng đi ngang so với mốc 40.300 tỷ đồng hồi quý 1. Kết thúc 6 tháng, tỉ lệ CASA trong tổng cơ cấu nguồn vốn huy động đạt 26,71%, tuy giảm nhẹ so với quý trước nhưng vẫn thuộc nhóm đầu thị trường, chủ yếu do tiền gửi có kỳ hạn tăng trở lại. “CASA vẫn được MSB chú trọng như một lợi thế của ngân hàng để giảm thiểu chi phí vốn” - đại diện MSB chia sẻ.
Nhờ đa dạng hóa doanh thu, tổng thu thuần (TOI) hợp nhất đạt 7.031 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, thu nhập lãi thuần vẫn là trụ cột chính với mức đóng góp hơn 4.700 tỷ đồng, tăng 8% so với 6 tháng đầu năm 2023. Đáng chú ý, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng trong nửa đầu năm đạt mức tăng trưởng ấn tượng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ 2023, nhờ đó nâng tỷ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động lên trên 33,05%. Tỷ trọng này cải thiện đáng kể so với mức 24,14% hồi cuối quý 1, cho thấy những nỗ lực của ngân hàng trong việc cân bằng hoạt động, hướng tới tăng trưởng bền vững hơn.
Thu nhập tăng khả quan tạo tiền đề để ngân hàng giảm tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) xuống mức 30,9% từ mốc 39,3% hồi cuối năm 2023 và 33,6% hồi quý 1.
Với sự tăng trưởng ổn định của thu nhập lãi thuần cùng tổng tài sản có sinh lãi, song song kết hợp kiểm soát chi phí vốn và chất lượng nợ, biên lãi thuần (NIM) của MSB tại thời điểm kết thúc bán niên đạt 3,7% - giữ mức hiệu quả trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Qua nửa chặng đường năm 2024, MSB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 3.690 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 54% kế hoạch lợi nhuận năm.
Về thanh khoản và vốn, nền tảng vốn được ngân hàng quản trị chặt chẽ. Theo đó, tỷ lệ dư nợ trên huy động (LDR) đạt mức 72,57% (so với giới hạn 85%) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (MTLT) được kiểm soát ở mức 26,1% (so với yêu cầu 37%). Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất đạt 12,13%, đảm bảo tốt yêu cầu từ cơ quan quản lý. Tỉ lệ nợ xấu (NPL) riêng lẻ theo Thông tư 11 được kiểm soát ở mức 2,13%, thể hiện sự nỗ lực của ngân hàng trong việc kiểm soát nợ xấu để củng cố sức mạnh bảng cân đối trước tác động của thị trường.
Bên cạnh đó, trong quý vừa qua, MSB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 30%. Việc tăng vốn điều lệ nhằm tăng cường năng lực tài chính, giúp MSB có cơ hội mở rộng và tận dụng thời cơ kinh doanh mới. Ngày 25/7 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ban hành văn bản cho phép MSB thực hiện việc trả cổ tức bằng cổ phiếu này. Với tỷ lệ trả cổ tức 30%, MSB là một trong những ngân hàng có mức trả cổ tức cao nhất trong năm nay. Dự kiến, ngân hàng sẽ hoàn tất đợt phát hành trong quý 3. Sau khi tăng vốn, tổng số lượng cổ phiếu lưu hành dự kiến sẽ là 2,6 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ mới đạt 26.000 tỷ đồng.