Mù mờ thông tin, khó hưởng “mật ngọt” từ CPTPP
Chỉ 1/20 doanh nghiệp biết rõ CPTPP
Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 69% doanh nghiệp biết đến CPTPP, nhưng trong 20 doanh nghiệp thì chỉ có 1 biết rõ về cam kết CPTPP; trong 4 doanh nghiệp thì có 3 trường hợp chưa từng cảm nhận lợi ích cụ thể nào của CPTPP đối với mình.
Một thực tế bất ngờ khác nhưng không mấy lạc quan cũng được hé lộ từ đánh giá của doanh nghiệp về tác động chung của Hiệp định CPTPP. Đó là các doanh nghiệp FDI và dân doanh có cảm nhận rõ nét về tác động của CPTPP, với 51-52% doanh nghiệp của nhóm này cho rằng CPTPP có tác động tích cực và lần lượt 6,8% và 2,2% đánh giá CPTPP có tác động tiêu cực; trong khi đó, khối doanh nghiệp Nhà nước phần lớn không cảm nhận được những tác động từ hiệp định này, với 64% doanh nghiệp nhóm này cho rằng CPTPP không tác động gì tới họ!
Với các FTA khác, tình hình cũng như vậy.
Các doanh nghiệp Việt cần chủ động hơn nữa trong quá trình thực thi CPTTP |
Lý do khiến doanh nghiệp không tận dụng được ưu đãi thuế quan từ CPTPP tập trung ở 2 nhóm chính: Một là các lý do tích cực như thuế MFN đã là 0% nên không cần thiết sử dụng ưu đãi thuế quan (43% doanh nghiệp đề cập), hay đã sử dụng ưu đãi thuế theo các FTA khác (37%)...; Hai là nguyên nhân tiêu cực như không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ (40%), gặp vướng mắc về thủ tục hay để lỡ hạn xin cấp chứng nhận xuất xứ (20%), thiếu các giấy tờ vận chuyển cần thiết (15%)...
Đáng chú ý, lý do lớn nhất mà cũng gây tiếc nuối nhiều nhất là việc doanh nghiệp không biết về ưu đãi thuế CPTPP cho lô hàng của mình (45% nêu lý do này). Với các doanh nghiệp dân doanh, lý do phổ biến nhất (53% doanh nghiệp nêu) là không biết về ưu đãi thuế quan CPTPP. Dường như sự chủ động tìm hiểu thông tin đang là vấn đề lớn nhất cản trở họ hưởng lợi từ ưu đãi của hiệp định.
Với 80% doanh nghiệp Nhà nước, lý do khiến họ chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan CPTPP nằm ở việc "nguồn nguyên liệu, công đoạn sản xuất của doanh nghiệp... không đáp ứng được các quy tắc xuất xứ”. Rõ ràng, sự linh hoạt trong chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất kinh doanh có lẽ là bài toán cần lời giải để nhóm này có thể chớp các cơ hội từ CPTPPP nói riêng và các FTA nói chung.
Trong khi đó, việc không hưởng ưu đãi thuế CPTPP của doanh nghiệp FDI lại là sự lựa chọn có chủ ý rõ ràng. Họ từ bỏ ưu đãi thuế CPTPP chủ yếu do thuế MFN hoặc thuế theo các FTA khác tốt hơn ở CPTPP.
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, CPTPP là hiệp định thương mại có mức độ tự do hóa cao nhất, có nhiều cam kết mở cửa nhất nhưng cũng phức tạp nhất và thách thức nhất với Việt Nam. Các cam kết của CPTPP khó tới mức, dù đã có hiệu lực trong 2 năm nhưng đến nay có những đối tác vẫn chưa phê chuẩn hiệp định.
“CPTPP chính là một trong những hiệp định thể hiện sự hội nhập đỉnh cao, nhưng cũng đi liền thách thức đỉnh cao”, ông Lộc đúc kết.
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, không thể phủ nhận Hiệp định CPTPP đã đem tới những kết quả tích cực trong ngành da giày, như tỷ lệ nội địa hóa được nâng lên 55%, xuất khẩu được đẩy mạnh sang các thị trường tiềm năng như Canada, Mexico. Tuy nhiên, nhìn sâu vào con số xuất khẩu của ngành, bà Xuân thấy rằng, doanh nghiệp FDI đang tận dụng hiệu quả CPTPP hơn doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều.
Nguyên nhân là do doanh nghiệp FDI có quy mô lớn, tiềm lực mạnh nên dễ dàng đáp ứng được các tiêu chuẩn mà CPTPP đặt ra. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì vậy, Nhà nước cần phải có thông tin một cách đầy đủ về Hiệp định CPTPP để doanh nghiệp hiểu rõ thì mới tận dụng được cơ hội. Mặt khác, doanh nghiệp yếu ở đâu thì Nhà nước cần hỗ trợ ở đó.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích thêm, tác động của CPTPP thể hiện từ khi Hiệp định này chưa có hiệu lực. Thực tế, nhiều nước không nằm trong khối CPTPP nhưng họ nhìn thấy cơ hội mà Hiệp định đem lại cho Việt Nam. Do đó, trước khi CPTPP có hiệu lực, doanh nghiệp các nước này đã đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế mà Việt Nam có để xuất khẩu. Vì vậy, các ngành sản xuất của Việt Nam cần gia tăng nội lực, tránh để các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển hàng hóa để hưởng lợi thuế từ CPTPP cũng như các FTA khác. Thậm chí, nếu không cẩn thận, chính các ngành sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu hệ lụy khi bị nghi ngờ tiếp tay cho lẩn tránh thuế.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) nhắc lại, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao kỹ năng thích ứng, đổi mới sản phẩm trong quá trình thực hiện CPTPP.
Đồng tình với quan điểm cần hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, mà bắt đầu từ năng lực cạnh tranh của sản phẩm, không chỉ là công việc thường xuyên phải thực hiện mà còn là "chìa khóa" để doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội từ quá trình hội nhập CPTPP.
Cùng với đó, công tác rà soát tính tương thích và chuẩn bị cho việc xây dựng các quy định pháp luật phù hợp với các cam kết, thể chế trong CPTPP cần được thực hiện cẩn trọng hơn với cái nhìn liên ngành; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu thẩm định kỹ càng và tham vấn chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp.
Các bộ, ngành chịu trách nhiệm dự thảo các văn bản, quy định nội luật hóa cam kết CPTPP cần dự trù thời gian cho công việc này, tiến hành triển khai ngay khi có thể chứ không nên đợi tới thời điểm cam kết có hiệu lực mới bắt đầu soạn thảo. Đồng thời, cần có một đầu mối chính thức để thông tin, tư vấn và giải thích về nội dung cam kết cho doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm thực thi, bà Trang nhấn mạnh.