Mục tiêu cao nhất là bảo vệ khách hàng
Giải pháp bảo mật dữ liệu thông tin trong thời đại số Ví điện tử đầu tiên đạt chứng chỉ bảo mật quốc tế phiên bản 4.0 Đầu tư cho bảo mật thông tin để “sống còn” |
Trong vài năm trở lại đây, các chiêu thức lừa đảo mạo danh ngân hàng diễn ra phổ biến với nhiều chiêu trò đa dạng. Có thể “điểm danh” một số chiêu thức lừa đảo phổ biến nhất như gửi đường link lạ, link giả mạo website ngân hàng để lấy thông tin người dùng, giả làm nhân viên ngân hàng đề nghị hỗ trợ vay vốn làm ăn, giả chuyển khoản nhầm...
Ảnh minh họa |
Trước thực trạng trên, các ngân hàng rất nhiều lần khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp mã xác thực OTP/Smart OTP cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng và cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu quét mã QR hoặc truy cập đường link lạ. Người dân cũng được khuyến cáo cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, app vay tiền. Khi có người tự xưng là nhân viên ngân hàng liên lạc và đưa ra các yêu cầu nhất định, chủ tài khoản cần chủ động liên lạc với ngân hàng qua đường dây nóng được công bố chính thức hoặc đến trực tiếp trụ sở của ngân hàng gần nhất để làm rõ thông tin.
Bất chấp liên tục có những cảnh báo từ ngân hàng, cơ quan chức năng và thông tin trên các phương tiện truyền thông đưa tin, vẫn còn nhiều nạn nhân nhẹ dạ cả tin, thiếu tỉnh táo dễ dàng bị chiếm đoạt tài sản. Có người mất hàng trăm triệu sau một cú điện thoại, có người còn trực tiếp làm việc với đối tượng lừa đảo nhiều lần vẫn bị “mắc bẫy” cho thấy thủ đoạn của tội phạm lừa đảo rất tinh vi, khó lường.
Không chỉ đơn thuần là bị mất tiền oan, nhiều chiêu trò còn nhằm mục đích khác như đánh cắp thông tin cá nhân, bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động vi phạm pháp luật khác như đăng ký sim không chính chủ, ví điện tử phục vụ lừa đảo...
Chia sẻ tại Họp báo triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024 được tổ chức mới đây, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN đã chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng lừa đảo trong giao dịch trực tuyến gia tăng do hiện tại còn nhiều tài khoản ví điện tử không chính chủ. Đây là điểm mà nhiều đối tượng lợi dụng cho các hoạt động trái pháp luật. Các NHTM ghi nhận tình trạng xuất hiện các trường hợp mua bán, thuê mượn tài khoản cho các đối tượng lừa đảo. Trong bối cảnh lừa đảo công nghệ cao ngày càng phức tạp, nhiều người dân không ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Gần đây, NHNN đã liên tục có các văn bản chỉ đạo cũng như những thông điệp cảnh báo yêu cầu các TCTD rà soát và kiểm tra các tài khoản hồ sơ không khớp giấy tờ, nghiên cứu tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Mới đây nhất, NHNN đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.
Theo đó, tại quyết định này, NHNN yêu cầu các TCTD triển khai áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học cho một số loại giao dịch trong thanh toán trực tuyến trên Internet. Cụ thể, khi khách hàng cá nhân chuyển tiền cùng ngân hàng, khác chủ tài khoản hoặc chuyển tiền giữa các ví điện tử; nạp, rút tiền từ ví điện tử có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên phải được xác thực bằng sinh trắc học…
Cũng có một số TCTD lo ngại gặp khó khăn trong thực hiện quy định tại quyết định trên. Tuy nhiên, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định, mục tiêu cao nhất của quy định trên của NHNN là bảo vệ an toàn tài sản cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng. Do đó các TCTD phải phát huy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ khách hàng. Trên thực tế, Quyết định 2345 không phải đột ngột, mà ngay từ ngày 24/4/2023, khi NHNN và Bộ Công an ký kết Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06 cũng đã đặt ra vấn đề định hướng NHNN sẽ sử dụng dữ liệu sinh trắc học cho việc xác thực các giao dịch thanh toán.
Hơn nữa, Quyết định 2345 quy định thời hạn áp dụng là từ ngày 1/7/2024 mới đưa vào áp dụng, riêng đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt là từ 01/01/2025 nên các TCTD có đủ thời gian nghiên cứu, trang bị, mua sắm. Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, Luật Các TCTD và các quy định liên quan đều yêu cầu các TCTD khi mở tài khoản và khi khách hàng sử dụng tài khoản phải đảm bảo đúng chính chủ. “Chúng ta phải có trách nhiệm với tiền gửi người dân, không để kẽ hở và sử dụng tài khoản một cách tùy tiện, không đảm bảo chính chủ. Chúng tôi rất mong các TCTD hết sức phát huy trách nhiệm bảo vệ khách hàng. Khi người dân tin tưởng mới mở tài khoản tại ngân hàng, nên các ngân hàng phải làm sao khách hàng hoàn toàn không lo lắng về lừa đảo, gian lận, mất mát”, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.