Muốn tham gia chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp, doanh nghiệp phải thay đổi
Chế biến sản phẩm gỗ từ nguồn nguyên liệu gỗ có chứng chỉ FSC |
Tuân thủ những quy định về nguồn gốc gỗ
Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa EU và Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/6/2019.
Đây là một hiệp định quan trọng tác động đáng kể đến xuất- nhập khẩu với EU và cũng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ và quyết tâm của Việt Nam trong việc đẩy lùi và ngăn chặn khai thác rừng và thương mại gỗ bất hợp pháp.
Tại phiên họp lần thứ hai Ủy ban thực thi chung (JIC) về Hiệp định VPA/FLEGT vừa qua, ngài Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam đã đánh giá cao sự nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Hiệp định.
Ngài Giorgio Aliberti nhấn mạnh: Trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt năm 2020 là năm đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên, Hiệp định VPA/FLEGT cùng với Hiệp định thương mại song phương EVFTA là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – ông Hà Công Tuấn cho biết: Việt Nam đã tích cực chủ động triển khai Hiệp định, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT tại Quyết định số 1624/QĐ-TTg ngày 14/11/2019.
Đến nay đã có 17 tỉnh và thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định của địa phương. Và dự thảo Nghị định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) đã được trình Chính phủ và dự kiến sẽ được Chính phủ thông qua và có hiệu lực trong những tháng tới.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp đang lo lắng vì chưa hiểu được các khía cạnh pháp lý và những việc doanh nghiệp cần làm để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định.
Theo VPA-FLEGT, các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về gỗ hợp pháp bao gồm: tuân thủ những quy định về nguồn gốc gỗ và lưu thông/vận chuyển gỗ; đáp ứng các yêu cầu về kê khai và báo cáo kiểm soát chuỗi cung ứng, tuân thủ các quy định về hồ sơ chứng từ…
Để thực hiện Hiệp định, Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) và hệ thống phân loại doanh nghiệp (OCS) sẽ được vận hành. Và theo tinh thần dự thảo VNTLAS thì khi Hiệp định VPA/FLEGT thực thi, các doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm gỗ tại thị trường nội địa hoặc xuất khẩu sang thị trường khác vẫn phải tuân thủ các quy định của VNTLAS.
OCS sẽ được áp dụng với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, bao gồm các DN trồng rừng, chế biến, mua, bán, vận chuyển và xuất khẩu gỗ. Đáng lưu ý là OCS áp dụng cho cả doanh nghiệp kinh doanh nội địa hay xuất khẩu gỗ.
Đây cũng là điều mà phần lớn trong số gần 5.000 doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ và cả triệu hộ trồng rừng đang tự hỏi về sự sẵn sàng của chính doanh nghiệp mình.
“Khảo sát đánh giá của Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) cho thấy, các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong việc tuân thủ đầy các yêu cầu đó về gỗ hợp pháp”, TS.Trương Quang Hoàng – Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung cho biết.
Ứng dụng công nghệ để dễ chứng minh tính hợp pháp
Điều rất phải lưu ý là khi hệ thống VNTLAS đi vào vận hành, gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khép kín trong tất cả các khâu của chuỗi cung.
Nhưng hiện rất nhiều doanh nghiệp và hộ trồng rừng chế biến gỗ chưa lưu tâm đến việc tuân thủ thủ về môi trường, về phòng cháy chữa cháy, về hợp đồng lao động… rất nhiều doanh nghiệp không lưu trữ chứng từ như bảng kê lâm sản, bà Tô Kim Liên Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) cho biết.
CED đã đồng hành, phối hợp cùng với Tổng cục Lâm nghiệp trong nhiều năm qua trong việc giới thiệu, tuyên truyền hiệp định tới doanh nghiệp và người dân trên nhiều vùng miền của đất nước nên bám khá sát mức độ nhận thức và hiểu biết của doanh nghiệp, của hộ trồng rừng và mức độ sẵn sàng với việc thực hiện VPA/FLEGT.
Giám đốc CED lưu ý: khi Hiệp định VPA/FLEGT thực thi, các doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm gỗ tại thị trường nội địa hoặc xuất khẩu sang thị trường khác vẫn phải tuân thủ các quy định của VNTLAS.
Với OCS, doanh nghiệp được đánh giá để phân loại dựa trên 4 nhóm tiêu chí chứng minh rằng chỉ có gỗ hợp pháp đi vào chuỗi cung, bảo đảm tuân thủ các quy định về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, nghĩa vụ thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo vệ môi trường…
Hệ thống phân loại doanh nghiệp OCS sẽ phân doanh nghiệp thành Nhóm tuân thủ là các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên và Nhóm không tuân thủ bao gồm các doanh nghiệp không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên hoặc các doanh nghiệp mới thành lập dưới 1 năm.
Giám đốc của CRD cho biết thêm, nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp chưa được trang bị kiến thức về gỗ hợp pháp, chưa có thói quen lưu trữ hồ sơ khi bán gỗ cho doanh nghiệp.
Giúp các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị để đáp ứng được các yêu cầu về gỗ hợp pháp, bà Liên lưu ý bên cạnh các yêu cầu trên, các doanh nghiệp gỗ cần phải lưu ý việc ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin cập nhật các tiêu chí đánh giá phân loại doanh nghiệp, chủ động tự đánh giá và đề nghị xếp loại doanh nghiệp theo các nhóm tiêu chí của OCS trên Hệ thống OCS của cơ quan Kiểm lâm.
Việc ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp để bảo đảm việc đánh giá của cơ quan Kiểm lâm được khách quan, chính xác và kịp thời.
“Muốn tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp, doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành, quản lý, thói quen sản xuất, kinh doanh để đáp ứng được toàn bộ yêu cầu theo quy định của pháp luật để gỗ và sản phẩm gỗ được coi là hợp pháp”, bà Tô Kim Liên lưu ý.