Muốn trở thành trung tâm chuỗi logistics: Đà Nẵng có chậm chân?
Đang dừng ở quy hoạch
Đà Nẵng hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia cung ứng các hoạt động liên quan đến dịch vụ logistics, trong đó gần 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tích hợp. Lực lượng nhân lực tham gia logistics trên địa bàn chiếm khoảng 2,7% nguồn lao động logistics trên cả nước và khoảng 40% nguồn lao động logistics tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với khoảng 14.000 lao động. Dù có lợi thế lớn song ngành logistics của Đà Nẵng hiện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, cơ sở hạ tầng logistics của Đà Nẵng chưa đồng bộ và xứng tầm với vai trò trung tâm dịch vụ logistics của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ngoài ra, nguồn hàng tại chỗ cũng như thu hút nguồn hàng từ các địa phương khác còn hạn chế.
Theo ông Hải trong bối cảnh các tỉnh miền Trung đang bứt phá và có những quyết tâm rõ nét trong phát triển kinh tế, công nghiệp, thương mại thì Đà Nẵng cần khẳng định vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế khu vực; cần cụ thể hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics bằng những việc làm cụ thể.
Ví dụ, Đà Nẵng cần dành quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng và trung tâm logistics; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm như cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt, nâng cấp quốc lộ 14B, 14G. Đặc biệt, Đà Nẵng cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động, kêu gọi đầu tư các trung tâm logistics công nghệ cao… đóng vai trò kết nối, thúc đẩy hàng hóa trong khu vực.
Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được quy hoạch là một trong năm trung tâm logistics của thành phố Đà Nẵng. |
Đại diện một doanh nghiệp logistics cho biết, mục tiêu, quy hoạch của thành phố đã rõ ràng, song việc thực hiện chuyển biến còn chậm, tạo thách thức lớn trên đường trở thành trung tâm chuỗi logistics khu vực. Bởi lẽ, các địa phương trong vùng đang đầu tư mạnh mẽ, đưa ra nhiều chính sách thiết thực phát triển ngành logistics.
Hoặc tại Quảng Nam, cảng biển Chu Lai đã được quy hoạch thành cảng loại 2 (cảng quốc gia, đầu mối khu vực), đồng thời đang tiến hành đầu tư luồng Cửa Lở cho tàu 5 vạn DWT, mục tiêu là cảng chuyên dụng về container, cửa ngõ ra biển Đông của vùng Tây Nguyên, Nam Lào… Sân bay Chu Lai cũng được Thủ tướng đồng ý cho quy hoạch Trung tâm logistics container.
Với lợi thế các tuyến đường bộ, cao tốc kết nối cùng với vùng hậu cần trung tâm công nghiệp, kinh tế, Quảng Nam đang thúc đẩy mở rộng sân bay, cảng biển ở Chu Lai, hình thành một trung tâm logistics tầm cỡ khu vực chứ không riêng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Những chuyển động từ các địa phương lân cận không chỉ tác động lâu dài mà trước mắt lĩnh vực logistics Đà Nẵng đã ít nhiều bị ảnh hưởng. Đơn cử, về vận tải biển, lượng hàng container qua cảng Đà Nẵng từ đầu năm 2022 đến nay đã giảm hơn 9%. Điều này đòi hỏi Đà Nẵng cần có động thái chuyển động cụ thể, khẩn trương nếu không muốn chậm chân trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm chuỗi dịch vụ logistics của khu vực.
Kiến nghị từ doanh nghiệp
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng đã tổ chức buổi “Tọa đàm về thúc đẩy phát triển logistics tại thành phố Đà Nẵng” để lắng nghe những phản ánh, đề xuất, kiến nghị từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp logistics trên địa bàn.
Tại tọa đàm, ông Lê Nam Hùng - Phó Giám đốc Công ty CP Logistics Portserco cho biết, trong hoạt động logistics, kho bãi giữ vai trò quan trọng trong hiệu quả kinh doanh, tuy nhiên hiện nay tiền thuê đất làm kho bãi đã tăng gấp 5 lần so với trước, gây thêm áp lực về gia tăng chi phí cho doanh nghiệp logistics, bên cạnh áp lực về tăng chi phí nhiên liệu, cầu đường… Do vậy, lãnh đạo thành phố nên xem xét, điều chỉnh giảm tiền thuê đất tại kho bãi, các công trình hạ tầng logistics cho doanh nghiệp.
Theo ông Dương Tiến Long, đại diện Văn phòng Hiệp hội các Doanh nghiệp logistics Việt Nam tại Đà Nẵng, thành phố tiếp tục có các chủ trương, chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, nhất là thu hút các tập đoàn lớn để tạo nguồn hàng xuất nhập khẩu ổn định và bền vững.
Ông Lê Quảng Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng đề xuất, cần có các chính sách ưu đãi đối với hoạt động logistics; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian tàu bè ra, vào các cảng biển; nâng cấp luồng ra, vào cảng biển Tiên Sa từ 1 chiều hiện nay lên thành 2 chiều; bố trí quỹ đất cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kho bãi, các công trình hạ tầng logistics; đẩy mạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối cảng Tiên Sa nhằm tạo thuận lợi, an toàn cho xe vận chuyển hàng hóa ra, vào cảng này…
Rút kinh nghiệm từ cảng Tiên Sa, thành phố không nên cho phát triển các khu dân cư lân cận cảng Liên Chiểu nhằm tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa ra, vào cảng được thuận lợi, an toàn.
Ông Bùi Hồng Trung - Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng cho biết, trên cơ sở những kiến nghị và đề xuất của các doanh nghiệp, sở đề xuất lãnh đạo thành phố xem xét, ban hành các chủ trương, chính sách phát triển hiệu quả lĩnh vực logistics trong thời gian tới. Đặc biệt là bổ sung và hoàn thiện dự thảo “Đề án phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Để đạt mục tiêu trên, Đà Nẵng đang trong tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm để phát triển logistics như khu bến cảng Liên Chiểu, trung tâm logistics tại cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, các trung tâm logistics, cảng cạn trên địa bàn. Đà Nẵng cũng đã quy hoạch phát triển hạ tầng logistics đến năm 2030 với tổng diện tích 229 ha, trong đó có 5 trung tâm logistics chính được bố trí tại các đầu mối giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.