Myanmar, Trung Quốc khôi phục quan hệ
Trước đó, giới chức Trung Quốc đã có một lần đón tiếp bà khi bà tới thăm nước này vào tháng 6/2015 trên cương vị là nhà lãnh đạo phe đối lập Myanmar, trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào tháng 11 năm ngoái.
Về sự kiện trên, mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo "Stratfor" ngày 16/8 có bài viết cho biết khi đảng Liên đoàn quốc gia vì nền Dân chủ lên cầm quyền ở Myanmar, nhiều người đã suy đoán rằng đảng này sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ với phương Tây - khu vực đề cao những ý tưởng dân chủ mà đảng này lâu nay vẫn cổ xúy. Tuy nhiên, chuyến công du Trung Quốc của bà Aung San Suu Kyi phản ánh một chính sách ngoại giao thực dụng hơn đang được chính quyền mới theo đuổi.
Cố vấn quốc gia kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi |
Nỗ lực cân bằng quan hệ
Kể từ khi lên nắm quyền, chính phủ do bà Suu Kyi dẫn đầu cùng Tổng thống Htin Kyaw đã thu hút sự quan tâm của quốc tế một phần là nhờ những kế hoạch ngoại giao kín đặc của họ. Hai nhà lãnh đạo Myanmar đã thay phiên nhau tiến hành các chuyến công du chính thức tới một loạt nước, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ, cũng như một số quốc gia châu Âu, Trung Đông và Đông Nam Á.
Về phần mình, bà đặt ưu tiên cho quan hệ với các nước láng giềng và các tổ chức ở khu vực - đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và ASEAN - cao hơn so với quan hệ với những cường quốc lớn hơn song xa xôi hơn như Mỹ, Nhật Bản, Nga và Liên minh châu Âu.
Ở nhiều phương diện, lịch trình công du nước ngoài của bà được hoạch định cẩn thận để thể hiện những ưu tiên này, duy trì sự cân bằng trong các mối quan hệ đối ngoại của Myanmar trong bối cảnh quốc gia này cố gắng rũ bỏ những vết tích của thời kỳ bị cô lập và tạo chỗ đứng trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, cho tới gần đây Trung Quốc vẫn cảnh giác theo dõi chính phủ mới của Myanmar. Chính quyền quá độ của người tiền nhiệm của bà Suu Kyi, cựu Tổng thống Thein Sein, đã đẩy quan hệ Trung Quốc - Myanmar tụt xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Naypyidaw đã ngừng một số dự án đầu tư lớn của Trung Quốc ở Myanmar, trong đó có đập Myitsone và mỏ đồng Letpadaung.
Do đó, mặc dù Trung Quốc đã lường trước khi Myanmar mở cửa, song họ phát hiện thấy nhiều lợi ích chiến lược của họ ở quốc gia này bị đe dọa dưới thời chính phủ Thein Sein. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo sợ nguy cơ Naypyidaw dùng đòn bẩy là những tài sản năng lượng, an ninh biên giới và các nhà đầu tư của Trung Quốc để ép Bắc Kinh phải tăng đầu tư và viện trợ.
Áp lực bắt đầu gia tăng ở trong nước khi công dân Trung Quốc hối thúc chính phủ có hành động trả đũa Myanmar thông qua vũ khí kinh tế hoặc bằng cách ủng hộ các nhóm sắc tộc có vũ trang tại biên giới Trung Quốc - Myanmar.
Thách thức trong hợp tác
Ở trong nước, hai vấn đề sẽ tiếp tục có ý nghĩa tối quan trọng đối với chính phủ của bà Suu Kyi là đạt được thỏa thuận hòa bình với các lực lượng dân quân tại dọc biên giới phía bắc Myanmar và phát triển nền kinh tế non trẻ. Tuy nhiên, giới tinh hoa chính trị tại Naypyidaw đều nhất trí cho rằng những ưu tiên này sẽ không thể đạt được nếu như trước hết không giành được sự cảm thông của Bắc Kinh.
Ở một số lĩnh vực, Myanmar thậm chí sẽ cần sự giúp đỡ của Trung Quốc. Căn cứ vào vô số những công cụ kinh tế và chính trị mà Bắc Kinh sở hữu, đó là chưa kể đến những mối liên quan giữa Trung Quốc và nhiều nhóm sắc tộc ở Myanmar, Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục là quốc gia có nhiều ảnh hưởng nhất đến tiến trình cải tổ của Myanmar trong những năm tới.
Ghi nhận thực tế này, bà Suu Kyi đã cố gắng chứng tỏ rằng bà sẵn sàng cảm thông và hóa giải những quan ngại của Trung Quốc. Trong nỗ lực trấn an các nhà đầu tư Trung Quốc, Naypyidaw đã có một số bước đi tái mở cửa mỏ đồng gây tranh cãi Letpadaung, bất chấp sự phản đối của dân cư xung quanh đó.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Myanmar xem ra đã phải nhượng bộ trước những mối quan hệ của Trung Quốc với các tổ chức sắc tộc ở khu vực biên giới, chấp nhận (tuy vẫn hoài nghi) rằng những mối liên kết này không nhằm ý đồ xấu mà có thể chỉ mang động cơ lợi ích cá nhân hoặc địa phương.
Bà Suu Kyi cũng tránh gây áp lực lên Bắc Kinh trong vấn đề dân chủ và nhân quyền. Bắc Kinh bày tỏ sự ủng hộ tiến trình hòa bình của Myanmar trong khi nhắc lại chính sách của họ là không can thiệp và cam kết đầu tư vào quốc gia này.
Tất cả những diễn biến trên đã góp phần tạo không khí lạc quan cho chuyến công du của bà Suu Kyi tới Bắc Kinh. Hiện tại, những lợi ích song trùng của Trung Quốc và Myanmar sẽ đem lại cho họ cơ hội để khôi phục mối quan hệ bị rạn nứt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Myanmar tiếp tục can dự với phần còn lại của cộng đồng quốc tế và đa dạng hóa những sự lựa chọn của mình, Bắc Kinh sẽ phải điều chỉnh chính sách đối với Naypyidaw, hợp tác với nhiều thành phần chính trị khác nhau ở Myanmar mà họ cho là cần thiết. Nếu Bắc Kinh không hành xử thận trọng, mối quan hệ có thể sẽ rơi vào trạng thái chưa phục hồi đã căng thẳng trở lại.
Trong khi đó, tờ Đông phương của Hong Kong cho biết dư luận chung cho rằng Bắc Kinh sẽ đưa ra nhiều vấn đề để thử thách bà Aung San Suu kyi. Đặc biệt, bà Aung San Suu kyi sẽ xử lý thế nào đối với dự án nhà máy thủy điện Myitsone và dự án khai thác mỏ đồng Latpadaungtaung mà Chính phủ Myanmar trước đó đã gác lại.
Hai dự án này là dự án đầu tư trọng điểm của Trung Quốc tại Myanmar, bị gác lại do đấu tranh quyền lực trong nội bộ Myanmar khiến phía Trung Quốc bị tổn thất. Vì thế, phía Myanmar sẽ khởi động lại và bồi thường như thế nào cho Trung Quốc sẽ là thách thức lớn đối với bà Aung San Suu kyi, cũng là tiền đề Trung Quốc khôi phục đầu tư quy mô lớn vào Myanmar.
Kinh tế Myanmar muốn cất cánh, cần bắt đầu từ xây dựng cơ sở hạ tầng, còn Trung Quốc có ưu thế về năng lực xây dựng công trình và nguồn vốn dồi dào, có thể bù đắp cho Myanmar. Hơn thế việc Trung Quốc chuyển dời cơ sở sản xuất sẽ đem lại cơ hội chiến lược cho Myanmar, trong khi Myanmar luôn mong muốn Trung Quốc “mở hầu bao” cung cấp những khoản viện trợ lớn hơn.
Tuy nhiên, do "vết thương" trong dự án thủy điện Myitsone và dự án khai thác mỏ đồng Latpadaungtaung vẫn chưa lành nên một khi chưa có được sự đền đáp thỏa đáng, Trung Quốc sẽ rất khó mở rộng cánh cửa với Myanmar.