Myanmar và Campuchia khắc chế tình trạng đôla hóa
Ảnh minh họa |
NH Trung ương Myanmar đã thông báo cho các DN hoạt động trong nhiều lĩnh vực (từ nhà hàng, khách sạn đến các sân golf) có thời hạn đến ngày 30/11 để ngừng tính giá sản phẩm/dịch vụ cung cấp bằng đồng USD. Giải thích cho động thái trên, NH Trung ương Myanmar cho rằng việc người dân ưa thích sử dụng đồng USD đã làm nhu cầu của đồng bạc xanh tăng vọt, dẫn đến "sự bất ổn của tỷ giá hối đoái".
Nhằm ổn định đồng nội tệ kyat, các NH và cơ sở trao đổi ngoại tệ hợp pháp vẫn được phép đổi đồng USD lấy đồng nội tệ song một loạt DN, trong đó có nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, sẽ không được phép đổi ngoại tệ.
Sau khi chuyển giao sang chính phủ dân sự hồi năm 2011, Myanmar đã tiến hành cải cách kinh tế, trong đó có việc thả nổi tỷ giá đồng nội tệ kyat. Các hoạt động thanh toán và mua bán hàng hóa/dịch vụ bằng USD đang dẫn tới nhu cầu cao đối với đồng bạc xanh, khiến đồng kyat mất khoảng 20% giá trị so với USD trong sáu tháng qua.
Trong một diễn biến khác, bà Neav Chanthana, Phó Thống đốc NH quốc gia Campuchia (NBC), cho biết chính phủ nước này và NBC đang lên kế hoạch tăng cường sử dụng đồng riel nhằm giảm bớt tình trạng đôla hóa trong dài hạn tại nước này.
Tại hội nghị kinh tế vĩ mô thường niên lần hai của NBC, bà Neav Chanthana cho biết mức độ đôla hóa tại Campuchia (được tính toán dựa theo tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ trong tổng khối tiền tệ mở rộng) đã tăng từ mức 36% năm 1993 lên 70% năm 2003 và tiếp tục tăng lên 80% năm 2013. Trong khi Tổng Giám đốc NBC Chea Serey cho biết hơn 90% các khoản tiền gửi NH và các khoản cho vay được thực hiện bằng đồng USD.
Phó Thống đốc NBC Neav Chanthana nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành tài chính trong việc thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ riel, thông qua việc tăng cường hạ tầng cơ sở của ngành và phát triển thị trường tài chính, bao gồm cả thị trường ngoại hối, thị trường liên NH, thị trường vốn và nợ.
Đồng USD "gây lụt" trong nền kinh tế Campuchia qua (chi phí) các hoạt động hòa bình của Cơ quan Chuyển tiếp của Liên hợp quốc tại Campuchia (UNTAC) vào năm 1993.
Theo bà Neav Chanthana, nền kinh tế Campuchia đã gặt hái được nhiều lợi ích từ tình trạng đôla hóa, như tăng cường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, phát triển lĩnh vực tài chính, tăng cường hội nhập kinh tế giữa nước này với khu vực và thế giới, cũng như bảo vệ nền kinh tế trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Neav Chanthana cho rằng việc đôla hóa cũng đem lại nhiều rủi ro khi nhịp độ và quy mô của nền kinh tế Campuchia cũng như ngành tài chính có bước tiến lớn.