Myanmar với chặng đường gập ghềnh
Tổng thống đắc cử của Myanmar, ông Htin Kyaw vừa ra mắt chính phủ mới có nhiệm kỳ 5 năm. Đây là lần đầu tiên kể từ sau cuộc đảo chính của Tướng Ne Win năm 1962, Myanmar có một vị tổng thống và một chính phủ không xuất thân từ quân đội được bầu chọn lên một cách dân chủ.
Chính phủ mới của Myanmar được trông đợi sẽ đem tới nhiều động lực cho sự phát triển của quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, con đường phía trước sẽ không dễ dàng trong bối cảnh Myanmar đang đứng trước hàng loạt thách thức bao gồm xung đột, đói nghèo và quân đội vẫn đầy quyền lực.
Tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw |
Các khó khăn thách thức
Các vấn đề kinh tế và xung đột sắc tộc sẽ là bài toán khó mà chính phủ mới phải xử lý trong các năm đầu tiên lên nắm quyền. Theo dự đoán mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Myanmar có thể đạt nhịp độ tăng trưởng cao nhất thế giới, khoảng 8,6% trong năm 2016. Lĩnh vực nông nghiệp của Myanmar có tiềm năng rất lớn khi trong quá khứ quốc gia này từng là nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Trong khi đó, nguồn lao động dồi dào của Myanmar có thể đáp ứng nhu cầu của các nhà máy với mức chi phí thấp, rất phù hợp với các lĩnh vực như dệt may, giày dép.
Tổ chức tư vấn McKinsey Global Institute cũng từng đưa ra dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Myanmar sẽ tăng gấp 4 lần từ mức 45 tỷ USD năm 2013 lên 200 tỷ USD vào năm 2030.
Tuy vậy, Myanmar sẽ còn phải đi một chặng đường rất dài để phát triển khi điều kiện sống của phần lớn người dân Myanmar tại vùng nông thôn hết sức khó khăn. Nhiều người trong số họ đang có mức sống ít hơn 1,25 USD/ngày và với GDP bình quân đầu người mới chỉ đạt 1.300 USD, Myanmar vẫn là một trong số các quốc gia nghèo nhất châu Á.
Tình trạng đói nghèo của đại bộ phận dân chúng, cơ sở hạ tầng lạc hậu và phụ thuộc nặng nề vào ngành nông nghiệp kém phát triển là những gánh nặng cho chính phủ mới. Nhiều khả năng, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) sẽ tiếp tục theo đuổi các cải cách mà chính quyền đương nhiệm đang thực hiện, nhưng chắc chắn đảng này sẽ phải đối mặt với thực tế là họ sẽ phải hết sức vất vả để vượt qua các bất cập của lực lượng nhân sự tham gia quản lý đất nước trong thời kỳ mới.
Sau khi lên nắm quyền Chính phủ Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã tiếp xúc với Chính phủ nhiều nước, tranh thủ viện trợ quốc tế, hướng dẫn doanh nghiệp tư nhân đầu tư, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế lý tưởng.
Bên cạnh đó, một câu hỏi khác cũng được đặt ra là chính trường Myanmar sẽ như thế nào sau khi nước này có chính phủ mới do NLD lãnh đạo? Cuộc đấu tranh chính trị ở Myanmar sau khi chính phủ mới lên nắm quyền có thể sẽ lặng lẽ hơn, nhưng không giảm đi phần quyết liệt.
Một ngày sau khi có kết quả bầu tổng thống, Tư lệnh Lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing cam kết các lực lượng vũ trang "sẽ hợp tác với chính phủ mới trong mọi lĩnh vực để có được hòa bình, thống nhất và phát triển cho đất nước".
Tuy nhiên, giữa quân đội với bà Aung Suu Kyi và NLD nhiều khả năng sẽ tiếp tục một mối quan hệ đối đầu không bình yên. Trong mối quan hệ này có tất cả mọi phương diện của cả sự hợp tác miễn cưỡng và sự đấu tranh kéo dài. Cuộc đấu tranh này trong dài hạn sẽ là trận chiến để xác định lực lượng nào có thể đảm đương sứ mệnh đáp ứng các yêu cầu ổn định và phát triển của đất nước và người dân Myanmar.
Trọng trách của Chính phủ
Gần một tháng trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử cuối năm ngoái, Chính quyền Tổng thống Thein Sein đã ký được một thỏa thuận đình chiến toàn quốc với hơn mười nhóm sắc tộc chính, nhưng khả năng chấm dứt hoàn toàn các cuộc xung đột đẫm máu suốt hơn 60 năm qua vẫn để ngỏ. Bản sắc dân tộc và sự bất mãn về địa vị kinh tế, là nguyên nhân căn bản gây ra cuộc nội chiến kéo dài ở Myanmar.
Ngoài ra, đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo chồng chéo đã khiến cho những sự phân chia này trở nên phức tạp hơn. Và giải pháp duy nhất cho vấn đề này vẫn là tiến hành kiên trì đối thoại chính trị, thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và triển khai một chính sách đối ngoại cân bằng được quan hệ với các nước lớn đang muốn có ảnh hưởng tại khu vực giữ vị trí chiến lược này cũng là một nhiệm vụ nặng nề. Chính sách đối ngoại của chính phủ mới tại Myanmar chắc chắn phải nhằm giải quyết bài toán cân bằng lợi ích các nước lớn và khu vực đang giằng co ảnh hưởng tại đây.
Giới phân tích quốc tế đều có chung nhận định rằng đất nước Myanmar, với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và chưa khai thác, vốn lịch sử văn hóa giàu có, nguồn nhân lực sử dụng tiếng Anh tốt, cộng với vị trí chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hoàn toàn có thể phát triển thịnh vượng và có được vị thế đáng tôn trọng trên sân chơi toàn cầu.
Tuy nhiên để đi đến cái đích khá xa đó, con đường mà chính phủ do NLD lãnh đạo do ông Htin Kyaw đứng ra thành lập hay bất kỳ chính phủ kế nhiệm nào phải đi qua đều không bằng phẳng và hoàn toàn có thể ẩn giấu các khúc ngoặt bất ngờ.
Dù triển vọng phát triển của Myanmar được đánh giá tốt, song các chuyên gia khuyến cáo nước này cần khắc phục một số vấn đề đã bộc lộ trong quá trình vận hành và cơ cấu kinh tế. Trước hết là bong bóng bất động sản khá nghiêm trọng.
Thêm vào đó, ngành công nghiệp Myanmar tương đối lạc hậu, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm sơ cấp như khí đốt và nông sản phẩm, sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao xuất khẩu ít, nhập siêu lớn. Chính phủ mới phải chứng minh được năng lực thực sự của mình nếu muốn thực hiện thành công công cuộc cải tổ.
Đặc biệt, các ưu tiên của chính quyền mới có thể xung đột với lợi ích của giới quân sự khi tầng lớp này vẫn nắm giữ những vị trí then chốt trong nội các và 25% số ghế trong Quốc hội.