Năm 2024 sẽ tiến hành thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm
Rà soát về sử dụng Quỹ bình ổn giá
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu. Trong đó đã chỉ ra nhiều hạn chế còn tồn tại trong việc quản lý Quỹ bình ổn giá. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, do chưa có văn bản hướng dẫn, dẫn đến 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng Quỹ bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản Quỹ bình ổn giá mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại Quỹ bình ổn giá.
Trong số này có 3/7 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ 3 lần trở lên, cùng với đó là 3 thương nhân đã trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá vượt so với khối lượng trên sổ sách, 1 thương nhân trích lập thiếu, 1 thương nhân thực hiện bút toán điều chỉnh giảm Quỹ không phù hợp nguyên tắc kế toán.
Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật trong việc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn giá hiện nay.
Trả lời báo chí liên quan đến vấn đề này tại họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu rà soát, báo cáo tổng thể.
Trong văn bản này, Bộ Tài chính đã đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nghiêm túc thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng như rà soát tổng thể để đảm bảo chi đúng quy định, trong quá trình rà soát có phát sinh điều chỉnh thì phải điều chỉnh kịp thời. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo để phối hợp với các bộ, các đơn vị liên quan thực hiện tổng thể theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
Trong các nội dung liên quan đến số dư quỹ, sử dụng quỹ, kết chuyển đúng quy định… Ông Nguyễn Văn Bình cho biết đây là chuỗi vấn đề nhiều kỳ nên Bộ Tài chính đã mời từng doanh nghiệp thuộc đối tượng mà Thanh tra Chính phủ nêu ra để trao đổi, làm rõ số liệu, trên cơ sở đó đề nghị các doanh nghiệp rà soát lại.
Với những giải pháp trên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá nhấn mạnh, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện đầy đủ các kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Năm 2024 sẽ tiến hành thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm
Thông tin mới nhất thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm tại họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính vào ngày 19/1, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, Bộ Tài chính đang hoàn thiện kết luận thanh tra và dự kiến hoàn thành việc thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm theo kế hoạch năm 2023 trước Tết nguyên đán Giáp Thìn. Sau khi ban hành kết luận thanh tra, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm sẽ công bố thông tin đầy đủ...
Ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm |
Về kế hoạch thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm năm 2024, ông Doãn Thanh Tuấn cho biết, từ ngày 27/11/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2024, trong đó sẽ tiến hành thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm, gồm 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Vì thế, đoàn thanh tra sẽ thực hiện thanh tra theo kế hoạch được thông qua và thông tin cụ thể sẽ được công bố ngay khi có kết quả.
Trước đó, Bộ Tài chính cho biết, đang thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm. Trong nửa đầu năm 2023, Bộ Tài chính hoàn thành thanh tra và công bố báo cáo thanh tra tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm. Qua đó, Bộ Tài chính đã chỉ ra hàng loạt sai phạm về tư vấn bảo hiểm, hoạt động đại lý bảo hiểm… và yêu cầu lãnh đạo cácdoanh nghiệp bảo hiểm xử lý nghiêm, có văn bản báo cáo.
Theo Cục Giám sát, quản lý bảo hiểm, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm theo hướng rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý, giám sát của cơ quan quản lý.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường năng lực tài chính, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ khách hàng và công khai minh bạch; tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật để răn đe, tăng tính tuân thủ của các doanh nghiệp.
Tổng cục Thuế nói gì về việc doanh nghiệp xăng dầu nợ thuế lớn?
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến doanh nghiệp xăng dầu nợ thuế lớn, Phó Tổng cục trưởng Thuế Mai Sơn cho biết, trong số 34 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, có gần 10 doanh nghiệp kinh nợ thuế, trong đó phần lớn thuế bảo vệ môi trường.
Phó Tổng cục trưởng Thuế Mai Sơn trả lời báo chí |
Doanh nghiệp được phép tự tính, tự khai và tự nộp theo quy định, cơ quan thuế có tránh nhiệm kiểm tra, giám sát, đôn đốc kê khai, nộp. Với các doanh nghiệp trên, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế.
Liên quan đến Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, Cục Thuế Thái Bình đã đôn đốc và thực hiện quy trình cưỡng chế nợ thuế. Khoản nợ thuế trên 90 ngày, cơ quan thuế sẽ cưỡng chế tài khoản, đề xuất cấm xuất cảnh người đại diện pháp luật, kê biên tài sản.
Tuy nhiên, biện pháp kê biên tài sản doanh nghiệp nợ thuế nói chung gặp khó khăn là có doanh nghiệp đã sử dụng tài sản để cầm cố.
Năm 2024, để ngăn tình trạng doanh nghiệp nợ thuế, ngành Thuế tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp dựa trên báo cáo tài chính và cơ sở kinh doanh.
Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, việc quản lý thuế theo nguyên tắc doanh nghiệp tự kê khai, tự nộp, cơ quan thuế giám sát. Còn việc quản lý dòng tiền do doanh nghiệp chủ động. Các doanh nghiệp vi phạm trong quản lý dòng tiền sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị bêu tên do nợ thuế; trong đó Cục Thuế tỉnh Thái Bình công khai doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà góp mặt với số nợ thuế lớn nhất tỉnh này với số nợ 1.781 tỷ đồng, chủ yếu là thuế bảo vệ môi trường. Cục Thuế tỉnh Thái Bình cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với công ty; gửi đề xuất cấm xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.