Nắn dòng tín dụng xanh
Ngân hàng trước trách nhiệm xanh hóa hoạt động cho phát triển bền vững Ngân hàng gấp rút vào cuộc cho vay xanh Cần thêm cơ chế thúc đẩy tín dụng xanh |
Tích cực cho vay dự án xanh
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF 2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định: Tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.
Đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi xanh. Song để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn. Theo ước tính của ADB là khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam luôn dao động ở mức cao, hoạt động tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế, trong đó có các dự án xanh.
Ban hành danh mục phân loại dự án xanh là một yêu cầu cấp thiết hiện nay |
Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, thời gian qua, nhận thức của hệ thống ngân hàng đã có sự chuyển biến rõ rệt, các TCTD đã tích cực tham gia cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh. Trong 7 năm qua (2017-2023), dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/12/2023, đã có 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%).
Nhiều TCTD đã xây dựng các chương trình, gói tín dụng xanh phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh, chuyển đổi xanh. Đơn cử như tại Nam A Bank, trong chiến lược kinh doanh 2024, ngân hàng này cho biết sẽ tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn lực để triển khai các hoạt động kinh doanh gắn liền với chiến lược số hoá và xanh hoá. “Ngân hàng đã liên tục xây dựng thêm danh mục sản phẩm tín dụng xanh đa dạng, định hướng tập trung phát triển các lĩnh vực xe ô tô điện, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Trong chính sách cho vay tổng thể của Nam A Bank, không chỉ áp dụng hệ thống quản lý môi trường và xã hội (ESMS) trong danh mục cho vay tín dụng xanh mà mục tiêu còn hướng đến hoạt động thân thiện và trách nhiệm với môi trường. Nam A Bank đã triển khai thí điểm Dự thảo Sách trắng về mục tiêu trung hòa carbon tại các đơn vị kinh doanh”, đại diện Nam A Bank thông tin thêm.
Còn tại MSB, phát triển bền vững đã được xác định là chiến lược trọng tâm của ngân hàng này. Những năm qua, MSB cũng đã bắt tay vào nghiên cứu thiết kế sản phẩm tín dụng xanh dành cho các khách hàng hiện hữu để đồng hành trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Ngân hàng cũng hướng tới xây dựng và thu hút tệp khách hàng mới có tiêu chí xanh trong hoạt động thông qua các sản phẩm, dịch vụ, chương trình phù hợp.
Đại diện ngân hàng cũng cho biết, đã đẩy mạnh kết nối với các bộ, ngành, chuyên gia của tổ chức nước ngoài bước đầu xây dựng các giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh. Ngân hàng này cũng vừa triển khai gói tín dụng xanh 3.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp.
Gặp khó vì thiếu danh mục phân loại xanh
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh hiện nay còn gặp một số khó khăn chính, trong đó hiện chưa có danh mục phân loại xanh quốc gia. Danh mục phân loại xanh là căn cứ để NHNN đánh giá được hiệu quả của các chính sách, giải pháp trong chính sách tín dụng góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các TCTD xác định định mức, quy mô đầu tư, xây dựng và triển khai các chính sách, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp.
Theo đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, mặc dù Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN xây dựng được một hướng dẫn thống kê về tín dụng theo phân loại xanh, tuy nhiên hướng dẫn về 12 ngành xanh do NHNN ban hành từ năm 2017, chưa phải là danh mục phân loại xanh quốc gia. Hiện chưa có sự thống nhất về việc phân loại lĩnh vực xanh của các bộ, ngành khác. Do đó, chưa đảm bảo xác định, thống kê đầy đủ nguồn lực tín dụng xanh của ngành Ngân hàng cho nền kinh tế nên tỷ trọng tín dụng xanh mới chiếm 4,5% dư nợ nền kinh tế.
Vì vậy, cần có quy định chung về danh mục phân loại xanh quốc gia phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế. Từ đó, các TCTD có cơ sở để đánh giá cụ thể đối với từng khách hàng, doanh nghiệp trong quá trình thẩm định cho vay; tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý tài trợ cho các dự án thuộc Danh mục phân loại xanh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo ESG Agribank cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan, ban ngành sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chí môi trường, các tiêu chí xác định đối với các dự án được cấp tín dụng xanh để các TCTD có cơ sở pháp lý và kỹ thuật trong việc xác định các dự án, hạng mục dự án đáp ứng điều kiện tín dụng xanh.
Bên cạnh đó, cũng cần có các chính sách thúc đẩy phát triển thị trường carbon như: xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon… nhằm đẩy nhanh vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam.
Về phía NHNN, trên cơ sở bám sát các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các đề án, chiến lược, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, thời gian tới, NHNN tiếp tục thực thi các chính sách tín dụng nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành Ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh.
Đẩy mạnh đàm phán, tạo thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế và các TCTD trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế tài trợ vốn cho các dự án xanh, có lợi ích về môi trường xã hội, từ đó tăng cường huy động nguồn lực, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.