Nạn sim rác “quấy nhiễu” người dân
"Cháy máy" vì sim rác
Anh Trần Mạnh Quân (TP. Hà Nội) cho biết, vì hay đặt hàng trực tuyến nên dù là số lạ anh vẫn hay nghe điện thoại. Tuy nhiên, ngày nào anh cũng nhận được ít nhất khoảng 3-4 cuộc gọi rác với những lời giới thiệu về công việc nhẹ nhàng lương cao, kêu gọi đầu tư tiền ảo/chứng khoán/bất động sản, các khóa học làm giàu miễn phí… Không chỉ cuộc gọi, anh còn liên tục bị làm phiền bởi các tin nhắn rác, bán sim số đẹp hay mời chào cho vay. Những cuộc gọi/tin nhắn rác như trên khiến anh tốn rất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến công việc.
Sim rác đang là vấn nạn cần được xử lý rốt ráo |
Đặc biệt, trong những ngày qua, nhiều phụ huynh ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… liên tiếp trở thành mục tiêu của chiêu trò lừa đảo từ những cuộc gọi rác thông báo con em mình bị “chấn thương sọ não”, “ngã cầu thang”, “đang cấp cứu”… để giục chuyển tiền ngay cho ca mổ gấp. Có nạn nhân đã mất 40 triệu đồng, thậm chí 200 triệu đồng…
Đáng chú ý, những chiêu trò trên đều sử dụng sim rác. Theo khảo sát của phóng viên, nếu có nhu cầu, người mua chỉ cần tới bất kỳ cửa hàng bán điện thoại hay những điểm có ghi bán sim trên phố, có khi chỉ một đoạn đường đã có 2-3 điểm bán sim rác. Giá của các loại sim này cũng rất rẻ, chỉ từ 80.000 - 100.000 đồng, khách hàng có ngay một chiếc sim được kích hoạt sẵn. Không cần mua sim trực tiếp, không gian mạng cũng được tận dụng là thị trường mua/bán sim rác. Người mua chỉ cần gõ từ khóa “sim điện thoại”, sẽ hiện ra hàng trăm cửa hàng, nhiều trong số đó đã bán đến vài chục nghìn sản phẩm, với giá chỉ trên dưới 10.000 đồng/sim và được quảng cáo “không cần đăng ký”.
Theo quy định, các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền chỉ tiếp nhận, đăng ký thông tin thuê bao sau khi kiểm tra, đối chiếu chính xác thông tin của cá nhân, tổ chức đến thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, thỏa mãn các điều kiện giao dịch chung. Nhưng thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với 39 đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền với tổng số tiền xử phạt 1,77 tỷ đồng với hành vi đăng ký, kích hoạt, mua, bán sim không đúng quy định của pháp luật.
Trách nhiệm thuộc về nhà mạng
Thực tế, việc xử lý sim rác đã được triển khai từ lâu. Năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thu hồi khoảng 20 triệu sim kích hoạt sẵn trên thị trường; năm 2019, Bộ cũng yêu cầu các nhà mạng phải cam kết trước tháng 9/2019 phải thu hồi toàn bộ các sim kích hoạt sẵn trên thị trường, quy trách nhiệm cụ thể cho chủ tịch, tổng giám đốc các nhà mạng trong việc chỉ đạo xử lý sim kích hoạt sẵn, sim rác; tháng 9/2022, Bộ cũng công bố kết luận kiểm tra 7 doanh nghiệp viễn thông sai phạm quản lý thông tin thuê bao gồm: Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gtel Mobile, ITel, Mobicast, các đơn vị này đã bị phạt tổng số tiền gần 3 tỷ đồng
Tới đây, ông Nguyễn Phong Nhã, Cục phó Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đến ngày 31/3/2023, tất cả các thuê bao di động đang hoạt động phải đảm bảo thông tin trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau ngày 31/3, các nhà mạng sẽ tiến hành khóa 1 chiều (không thể gọi đi) đối với các thuê bao di động chưa đáp ứng được yêu cầu chuẩn hóa thông tin. Theo lộ trình, đến ngày 15/4, nhà mạng sẽ khóa dịch vụ 2 chiều đối với các thuê bao chưa đáp ứng yêu cầu và sẽ thực hiện việc thu hồi số thuê bao từ ngày 15/5 nếu khách hàng vẫn không bổ sung, điều chỉnh lại thông tin kịp thời.
Hiện các nhà mạng cũng đang áp dụng các biện pháp cả kỹ thuật, công nghệ và thủ công cho việc chuẩn hóa. Theo đó, một số nhà mạng như Viettel, Vinaphone đang hỗ trợ khách hàng cập nhật qua ứng dụng, website hoặc tại điểm bán; gửi tin nhắn được cá thể hóa theo từng thuê bao để người dùng nắm thông tin và bổ sung; tuyên truyền biện pháp chuẩn hóa để khách hàng hiểu và tin tưởng vào giải pháp này.
Bàn về quy định mới, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena cho biết, việc sim rác vẫn còn tồn tại là trách nhiệm thuộc về nhà cung cấp dịch vụ mạng. Do đó, cần có chế tài xử phạt mạnh mới đủ sức răn đe.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm công nghệ, thì quan trọng hơn cả là khách hàng phải có ý thức tự bảo vệ mình. Theo đại tá Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh - Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP. Hồ Chí Minh, người dân khi gặp cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo cần phản ánh tới đầu số 5656 và đầu số 156. Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động. Khi có các cuộc gọi phản ánh, các nhà mạng sẽ tiếp nhận, phân loại và xử lý các nội dung này.