Nâng cao cải cách thủ tục hành chính tại Ngân hàng Nhà nước trong điều kiện CMCN 4.0
Đó là ghi nhận của các nhà nhà nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài ngành tại Hội thảo khoa học “Cải cách thủ tục hành chính tại Ngân hàng Nhà nước trong điều kiện cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 - thực trạng và giải pháp.
Đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số
Chia sẻ nghiên cứu tại hội thảo TS. Nguyễn Thái Hà - Trưởng Khoa Luật - Học viện Ngân hàng cho biết, với vị thế và vai trò trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng xác định cải cách là xu hướng tất yếu khách quan để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc duy trì trong điều hành kinh tế vĩ mô và cung ứng vốn, các dịch vụ tiền tệ, thanh toán cho nền kinh tế cũng như nhanh chóng hội nhập và phát triển.
Theo đó, NHNN đã lựa chọn những mô hình cải cách mới nhất của hoạt động ngân hàng trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, hoạch định lộ trình áp dụng rõ đến từng năm và thường xuyên bổ sung các nhiệm vụ cải cách mới với mục tiêu cao hơn.
CCHC đã đạt được những kết quả tích cực trên cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Bảng xếp hạng Par Index năm 2022 của các bộ, Ngân hàng Nhà nước đạt điểm cao nhất với 91,77/100 điểm, đứng thứ nhất trong tổng số 17 bộ.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục dẫn đầu chỉ số thành phần về công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC, các chỉ số thành phần khác đều có sự cải thiện và tăng điểm so với năm trước đó, bao gồm: Chỉ số thành phần cải cách thủ tục hành chính; chỉ số cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách công vụ, công chức; chỉ số đổi mới cơ chế tài chính; chỉ số hiện đại hóa hành chính.
Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng, TS.Bùi Hữu Toàn phát biểu tại Hội thảo |
Cùng với hiện thực hóa Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 810/QĐ-NHNN) thông qua việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chủ động ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào các hoạt động ngân hàng, phát triển mô hình ngân hàng số, tạo lập hệ sinh thái số, sự quyết tâm chuyển đổi số của ngành ngân hàng càng rõ qua việc tiên phong triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06) cũng như Kế hoạch phối hợp 01/KHPH-BCA-NHNN.
Những thành quả có thể nhìn thấy được như: Năm 2022, thanh toán qua kênh di động, phương thức QR Code tăng trưởng trên 100% so với năm 2021; 74,63% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; hơn 3,71 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở với khoảng hơn 70% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa....; hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ ngân hàng với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế để cung ứng trải nghiệm liền mạch cho khách hàng, nhiều ngân hàng Việt Nam có tỉ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.
Trong công tác đảm bảo an toàn thông tin, năm 2020, NHNN xếp loại A về công tác bảo đảm an toàn thông tin, xếp thứ nhất về kiến tạo thể chế và xếp thứ hai trong số các bộ, ngành về chỉ số chuyển đổi số (DTI); năm 2021, NHNN xếp thứ nhất về công tác bảo đảm an toàn thông tin, xếpthứ hai về kiến tạo thể chế và xếp thứ tư về chỉ số DTI và trong năm 2022, các chỉ số và xếp hạng vẫn được Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì và phát huy. Tạo điểm tựa cải cách thủ tục từ chuyển đổi số.
Với việc đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính ngay từ giai đoạn triển khai Đề án 30, NHNN là cơ quan đầu tiên công bố Bộ TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý, đã hoàn thành thực thi phương án đơn giản hóa 147/213 TTHC (đạt 70%). Từ năm 2018 đến nay, 29% điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa; đáp ứng tốt yêu cầu giao dịch hành chính thuận tiện, minh bạch, tiết giảm chi phí đối với doanh nghiệp và người dân.
Cần thêm lực đẩy cho cải cách thủ tục hành chính
Cải cách hành chính của Ngân hàng Nhà nước 10 năm qua ở trong Top 3 trong đó 7 năm dẫn đầu các bộ ngành trong xếp hạng Par-index. Tuy nhiên, cải cách không đồng đều. Báo cáo Par-index 2022 cũng cho thấy, chỉ số cải cách thủ tục hành chính chỉ ở vị trí thứ 6. Bên cạnh đó, chỉ số thành phần về cải cách thủ tục hành chính liên quan Chính phủ điện tử, chính phủ số, lại cho thấy sự bứt phá khá tốt, đạt 100%.
"Sự chưa đồng bộ, đồng đều trong các thành phần về cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng đã cho thấy việc triển khai thực hiện thủ tục hành chính, hoạt động đánh giá, phối hợp giữa các bộ phận, đơn vị trong tổ chức của Ngân hàng Nhà nước và phối hợp các bộ, ngành liên quan vẫn còn hạn chế, sự thiếu đồng bộ, thống nhất, toàn diện nên ảnh hưởng hiệu quả toàn trình trong xây dựng và thực hiện thủ tục hành chính", TS. Hà phân tích.
Hạn chế về khung pháp lý về thể chế cho quá trình cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, hạn chế này đã ảnh hưởng đến cải cách thủ tục hành chính, quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính như chưa bảo đảm tính đồng bộ, thiếu thống nhất và tính khả thi nên còn chưa đáp ứng kịp thời những đổi mới, sáng tạo trong ngành liên quan chuyển đổi số.
Trong khi đó theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia và chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu 100% các dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4; 100% dịch vụ công mức độ 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 90% hồ sơ công việc tại Ngân hàng Nhà nước được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
TS. Nguyễn Thái Hà, Trưởng khoa Luật, Học viện Ngân hàng tham luận |
Để khắc phục được những hạn chế và thực hiện được các mục tiêu đề ra tiếp tục cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đối số TS. Nguyễn Thái Hà đề xuất cần tập trung vào 6 giải pháp.
Một là, từ quan điểm tiếp cận từ dưới đi lên, từ chủ thể thực hiện thủ tục hành chính là các cơ quan Nhà nước về số hóa, để triển khai chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp quan tâm đến các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, dễ sử dụng, tránh cho người dân phải đăng nhập nhiều lần khi thực hiện các thủ tục.
Hai là, nâng cao nhận thức, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tăng cường kiến thức về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng.
Ba là, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Trong đó cần nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các vấn đề cần được Luật hóa để phù hợp với thực tiễn và xu hướng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng, từng bước tạo lập nền tảng pháp lý vững chắc cho việc hình thành và phát triển các mô hình ngân hàng số.
Bốn là, triển khai hiệu quả công tác kiểm soát nội bộ về an ninh, an toàn thông tin để kịp thời phát hiện, cảnh báo và có biện pháp ngăn chặn những rủi ro phát sinh trong hoạt động nghiệp vụ và vận hành nội bộ; Tăng cường chia sẻ thông tin về các nguy cơ đe dọa an ninh mạng giữa các tổ chức trong ngành Ngân hàng; Triển khai Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngânhàng Regulatory Fintech Sandbox) để nâng cao vị trí, vai trò chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về tiền tệ, ngân hàng. Năm là, tổ chức triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng số về hiện đại hóa hạ tầng thanh toán, nâng cao khả năng kết nối, liên thông.
Sáu là, tăng cường cải cách thủ tục hành chính nội bộ, đề cao vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong thực hiện cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực được phụ trách; Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với chiến lược phát triển, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của từng cơ quan, tổ chức. Lồng ghép nội dung về thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng trong phát động phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát động; vinh danh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số.
Góp ý tại Hội thảo PGS.TS Trương Quốc Cường, Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng phân tích: Cải cách hành chính, trong đó có cải cách thủ tục hành chính là xu hướng tất yếu nhằm xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, có năng lực kiến tạo phát triển trong quá trình xây dựng và triển khai chiến lược phát triển kinh tế- xã hội để đạt mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể đã xác định tại Nghị quyết Đại hội XIII.
Song, đây là vấn đề rộng và phức tạp và diễn ra tại NHNN còn trở nên phức tạp hơn, bởi NHNN vừa là cơ quan của Chính phủ vừa là Ngân hàng Trung ương. Đặc biệt trong bối cảnh quá trình cải cách diễn ra khó tránh khỏi những thách thức, khó khăn trước những diễn biến địa chính trị khó lường và tác động của Công nghiệp 4.0. Vì vậy, cải cách hành chính, cải cách TTHC tại NHNN cần tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn, tập trung hoàn thiện hơn.
Theo đó, PGS.TS Trương Quốc Cường khuyến nghị cần phân tích đánh giá sâu và kỹ lưỡng hơn mối quan hệ mật thiết, hữu cơ giữa TTHC và cácnội khác trong cải cách hành chính, nhất là mối quan hệ với tổ chức bộ máy.
Đồng thời cần phối hợp tốt hơn với các cơ quan bộ, ngành và các địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) theo phương châm “lợi ích hài hòa, chia sẻ rủi ro” trong triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Tăng cường nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ nhân sự gắn năng lực chuyên môn với năng lực số...
Nhình nhận cải cách thủ tục hành chính là quá trình liên tục không ngừng nghỉ, Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng TS. Bùi Hữu Toàn cho biết, nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và giải pháp cải cách thủ tục hành chính tại Ngân hàng Nhà nước là một trong những nhiệm vụ liên quan chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Ngành “Cải cách thủ tục hành chính tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do TS. Nguyễn Thái Hà - Trưởng Khoa Luật - Học viện Ngân hàng làm chủ nhiệm, Học viện Ngân hàng tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề: “Cải cách thủ tục hành chính tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Thực trạng và giải pháp” góp phần hoàn thiện đề tài này.
TS. Bùi Hữu Toàn kỳ vọng đề tài này sẽ không chỉ là một nghiên cứu khoa học mà sẽ đề ra những giải pháp cụ thể làm cơ sở tham khảo cho các cải cách thủ tục hành chính của NHNN trong thời gian tới.