Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn
Thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững Xây dựng nông thôn thành nơi đáng sống, nơi để quay về |
có 7.484 xã hoàn thành tiêu chí số 1 về quy hoạch, đạt 91,5% |
Có 2 tiêu chí vượt mục tiêu
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn (NTM) mới giai đoạn 2021 -2025 được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 với mục tiêu tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Chương trình được thực hiện trên địa bàn nông thôn của cả nước, bao gồm: các thôn, các xã, các huyện, các thị xã và thành phố thuộc tỉnh có xã của 63 tỉnh, thành phố thuộc trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Kinh phí thực hiện Chương trình được Ngân sách nhà nước bố trí tối thiểu là 196.332 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách trung ương: 39.632 tỷ đồng (bao gồm: Vốn đầu tư phát triển: 30.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 9.632 tỷ đồng); Vốn ngân sách địa phương: 156.700 tỷ đồng.
Về kết quả đạt được, Đoàn giám sát cho biết, đến nay các văn bản quản lý, hướng dẫn, cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng NTM đã được ban hành khá đầy đủ, có nhiều đổi mới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Bộ Cẩm nang về xây NTM đúc kết các nội dung căn bản, cốt lõi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025.
Mục tiêu giai đoạn 2021- 2025 đến nay đã có 02 tiêu chí vượt mục tiêu là Tiêu chí số 14 về Giáo dục và đào tạo, Tiêu chí số 16 về Văn hóa và 08 tiêu chí được đánh giá là gần đạt được mục tiêu. Tuy nhiên các kết quả này cũng cần được kiểm chứng, đánh giá lại, đặt trong bối cảnh triển khai đồng thời 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Kết quả thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thể hiện qua các tiêu chí đã đạt được cụ thể như sau: có 7.484 xã hoàn thành tiêu chí số 1 về Quy hoạch, đạt 91,5%; 6.670 xã (81,6%) đạt tiêu chí số 2 về Giao thông; 7.950 xã (97,2%) đạt tiêu chí số 3 về Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; 7.735 xã (94,6%) đạt tiêu chí số 4 về Điện; 6.791 xã (83,1%) đạt tiêu chí số 5 về Trường học; 6.634 xã (81,1%) đạt tiêu chí số 6 về Cơ sở vật chất văn hóa; 7.813 xã (95,5%) đạt tiêu chí số 7 về Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn…
Song song với việc triển khai thực hiện các tiêu chí về NTM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu và trình thủ tướng hành 06 chương trình chuyên đề. Cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đến hết tháng 6/2023, đã có 9.852 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đạt 3 sao trở lên (so với 4.469 sản phẩm năm 2020), trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao.
Nhiều chỉ tiêu chưa phù hợp với tình hình thực tế
Về hạn chế, bất cập, Đoàn giám sát cho biết, các Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 đều tăng số lượng chỉ tiêu và mức độ đạt chuẩn so với giai đoạn 2016- 2020, trong đó, có nhiều chỉ tiêu mới, tăng cả về chất và lượng, nhiều chỉ tiêu chưa phù hợp với tình hình thực tế. Nên theo đánh giá của nhiều địa phương Tiêu chí số 10 về thu nhập và Tiêu chí số 11 về Nghèo đa chiều do các xã chưa đạt NTM ở các địa phương đa phần là các xã nghèo, xuất phát điểm thấp, thu nhập bình quân đầu người nông thôn còn thấp, trong khi mức chuẩn nghèo đa chiều có sự điều chỉnh cho giai đoạn 2021-2025 là khó hoàn thành nhất.
Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế. Chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, bảo dưỡng. Các chương trình chuyên đề triển khai chậm.
Còn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền về triển khai xây dựng NTM. Trong đó miền núi phía Bắc và vùng Tây nguyên có kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thấp nhất; vùng miền núi phía Bắc có tiêu chí bình quân vùng thấp nhất.
Tỷ lệ vốn đối ứng của Chương trình là rất cao, trong khi đó việc huy động nguồn lực của người dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng NTM hạn chế, nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Thực tế vốn huy động của người dân và cộng đồng chủ yếu là từ ngày công lao động và hiến đất làm đường, trong khi đó việc thống kê nguồn vốn huy động này cũng chưa có sự hướng dẫn, thống nhất mà chủ yếu do địa phương tự thống kê.
Đoàn Giám sát cho rằng, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua có trách nhiệm của Chính phủ trong việc chậm trình phương án phân bổ vốn cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, trách nhiệm của một số Bộ, ngành trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn, hướng dẫn chưa đầy đủ, rõ ràng; Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp có một số chỉ tiêu chưa sát với thực tiễn; công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả; một số địa phương chưa quyết liệt trong triển khai thực hiện Chương trình.
Sửa đổi, bổ sung các tiêu chí cho phù hợp với từng vùng, miền
Đoàn Giám sát kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, rà soát các tiêu chí, chỉ tiêu chưa phù hợp trong các Bộ tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao, huyện NTM, huyện NTM nâng cao để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với từng vùng, miền hoặc hướng dẫn lộ trình thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đó. Nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện xây dựng huyện NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia và phương án thành lập Văn phòng Điều phối NTM các cấp cho phù hợp; có chính sách hỗ trợ, phụ cấp đối với đội ngũ cán bộ, công chức thuộc hệ thống Văn phòng Điều phối NTM các cấp. Nghiên cứu ban hành Bộ chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; xây dựng phần mềm quản lý Chương trình giai đoạn 2021-2025 theo hướng kết nối liên thông dữ liệu với hệ thống giám sát, đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nghiên cứu quy định thống nhất chủ trương khen thưởng công trình phúc lợi cho cấp xã, cấp huyện tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt; phổ biến các cách làm, các mô hình tiêu biểu trong xây dựng NTM. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình, không đợi đến khi Quốc hội xem xét, có Nghị quyết giám sát mới thực hiện...