Nâng cao hiệu quả thu hút dòng vốn FDI
Dòng vốn FDI đang tăng về chất WB: Vốn đầu tư bật tăng, giải ngân FDI tăng trưởng vững chắc |
Là địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia, cùng với rất nhiều lợi thế về vị trí địa lý, trình độ lao động, nền tảng công nghệ, TP.Hồ Chí Minh vẫn luôn là điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
“Hiện nay, một vấn đề lớn trong thu hút FDI là tập trung cải thiện môi trường đầu tư. TP.Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cần có chính sách mang tính chiến lược, lâu dài để các nhà đầu tư cũ yên tâm mở rộng quy mô, đồng thời tạo được lực hút cho các nhà đầu tư mới. Và một trong những mục tiêu trọng tâm trong thời gian tới là tạo hành lang pháp lý hiệu quả cho nhà đầu tư tại thành phố, nhằm tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh và trong sạch, để nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm ổn định đầu tư và kinh doanh lâu dài” - bà Vân nhấn mạnh.
Một vấn đề lớn trong thu hút FDI là tập trung cải thiện môi trường đầu tư |
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, từ năm 1988 đến tháng 4/2023, TP. Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn vốn FDI từ 117 quốc gia, vùng lãnh thổ với 11.220 dự án. Song, trong năm 2022, tổng vốn FDI vào TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt hơn 4,33 tỷ USD, giảm gần 40% so với năm 2021. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố tiếp nhận được gần 2,9 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2022.
“Tình trạng sụt giảm nói trên đến từ nhiều nguyên nhân, một trong số đó là các vấn đề về khung khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư tại Việt Nam nói chung và tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Nhìn từ thực tiễn của TP. Hồ Chí Minh, hiện hoạt động đầu tư đang vấp phải một số tình trạng như nhiều vấn đề thực tiễn phát sinh nhưng không có quy định điều chỉnh, hoặc có quy định nhưng lại khác nhau giữa luật này và luật kia (chồng chéo, mâu thuẫn quy định pháp luật); hay có quy định nhưng cách hiểu khác nhau, hoặc quy định nhưng chưa tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư (chưa đạt được hiệu quả áp dụng trên thực tế)…”, luật sư Châu Việt Bắc-Phó Tổng Thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) giải thích.
Thực trạng trên cho thấy, nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý khi thực hiện dự án, gây ra các thiệt hại và tranh chấp tại các cơ quan tài phán trong nước và quốc tế. Theo thống kê của VIAC, tỷ lệ các tranh chấp có yếu tố FDI trong năm 2022 chiếm khoảng 40% trên tổng số toàn bộ tranh chấp được thụ lý ở VIAC. Các tranh chấp này thường phát sinh từ giao dịch mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp (M&A); từ việc vi phạm cam đoan và bảo đảm, cơ chế xác định, điều chỉnh giá, thanh toán thêm dựa vào hiệu quả kinh doanh, vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng của một bên, điều kiện tiên quyết, bồi hoàn và một số vấn đề khác…
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, trong những năm gần đây, Việt Nam đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới. Đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 15 hiệp định đã có hiệu lực, 01 hiệp định đã hoàn tất đàm phán và 03 hiệp định đang đàm phán. Việc tham gia đa dạng các FTA là bước đệm giúp chúng ta mở rộng thị trường, có thêm nhiều cơ hội mới. Nhưng điều này cũng đồng thời đặt ra cho doanh nghiệp các thách thức về những rủi ro, tranh chấp mới có thể phát sinh. Thực tiễn cho thấy, thời gian gần đây, số các vụ tranh chấp phát sinh ngày càng tăng. Hầu hết các tranh chấp đều từ các dự án lớn, tính chất phức tạp.
“Để phòng ngừa và xử lý các tranh chấp này một cách hiệu quả, việc cập nhật thông tin, hướng dẫn cho nhà đầu tư về các quy định mới, cách thức áp dụng quy định pháp luật trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. TP. Hồ Chí Minh đang và sẽ triển khai các cơ chế đặc thù nhằm khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư, cần mở rộng và đảm bảo an toàn trong thực hiện các dự án đầu tư. Chính vì vậy, nhằm nhận diện thực tiễn, vướng mắc nói trên của nhà đầu tư nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh trong quá trình đầu tư kinh doanh, ITPC và VIAC nhận thấy việc triển khai Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư thường niên cho khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh là cần thiết, nhằm đưa ra những giải pháp, hỗ trợ pháp lý cụ thể cho nhà đầu tư nước ngoài đối với các vấn đề phát sinh khi thực hiện dự án đầu tư, từ đó thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại thành phố thu hút FDI lớn nhất cả nước”, ông Tuấn nói.