Nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV do phụ nữ làm chủ
Tạo điều kiện tín dụng cho WSME
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Vũ Minh Châu – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (NHNN) cho biết, cùng với sự phát triển và hội nhập của đất nước, được sự quan tâm của Nhà nước và Chính phủ, phụ nữ Việt Nam ngày càng phát huy được nhiều tiềm năng, trí tuệ và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong hoạt động kinh tế và các phong trào lao động sản xuất, đã có nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu thể hiện được năng lực quản lý, bản lĩnh vượt trội của mình. Thực tế đã chứng minh, trong điều kiện kinh tế có những biến động khó lường, khu vực kinh doanh do phụ nữ làm chủ thường có khả năng bền vững hơn, không chỉ đóng góp phát triển kinh tế mà còn thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Theo bà Châu, DNNVV do phụ nữ làm chủ có vai trò quan trọng đối với giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao vị thế phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới.
Toàn cảnh Hội thảo |
Với mục tiêu xác định DNNVV luôn là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên đầu tư tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ bao gồm DNNVV do phụ nữ làm chủ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, bà Châu cho biết, thời gian qua, NHNN đã phối hợp với các ngân hàng trong hệ thống tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DNNVV trong việc tiếp cận nguồn vốn. Đơn cử như như chính sách ưu đãi về lãi suất, tín dụng, chủ động tiếp cận, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên hỗ trợ cho DNNVV, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ… Bên cạnh đó, NHNN nỗ lực thực hiện đẩy mạnh Chương trình kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Nhờ đó, vốn tín dụng ngân hàng đầu tư cho khu vực DNNVV, DNNVV do phụ nữ làm chủ đều tăng trưởng qua các năm.
Đặc biệt, để hỗ trợ kịp thời cho các DNNVV do phụ nữ làm chủ có khó khăn về tài chính trong giai đoạn COVID-19, đại diện NHNN cho biết, ADB đã triển khai Dự án giảm thiểu tác động của COVID-19 đến các DNNVV với tổng giá trị 5 triệu USD từ tháng 04/2021 với cơ quan chủ quản là NHNN và 05 ngân hàng tham gia thực hiện (BIDV, ACB, SHB, TPB và VPBank).
Đồng hành với các doanh nghiệp và ngân hàng, NHNN cũng phối hợp với ADB triển khai các nghiên cứu, đánh giá nhằm tìm hiểu và nắm bắt các khó khăn, trở ngại với DNNVV do phụ nữ làm chủ trong hoạt động kinh doanh.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo bà Vũ Minh Châu, bản thân các DNNVV do phụ nữ làm chủ còn gặp nhiều trở ngại trong quá trình hình thành và phát triển như quy mô còn nhỏ, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp; năng lực quản trị doanh nghiệp và tiếp cận thông tin, công nghệ còn hạn chế. Đặc biệt phụ nữ làm chủ còn gặp nhiều áp lực do phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, ngoài ra còn là những định kiến giới trong gia đình và kinh doanh. Những trở ngại đó khiến cho DNNVV do phụ nữ làm chủ chưa khai thác hết tiềm năng phát triển. Môi trường kinh doanh không thuận lợi trong hai năm 2020 - 2021 khi đại dịch COVID-19 càn quét khốc liệt, gây ra rất nhiều tác động tiêu cực lên nền kinh tế, DNNVV do phụ nữ làm chủ càng phải gánh chịu rất nhiều tác động và tổn thất hơn từ đại dịch.
Ngân hàng luôn coi DNNVV do phụ nữ làm chủ là một trong những đối tượng ưu tiên trong cấp tín dụng |
Bà Chu Thị Hồng Minh - Chuyên gia tài chính cao cấp ADB tại Việt Nam cũng đánh giá, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ DNNVV, trong đó có DNNVV do phụ nữ làm chủ, thông qua đó thúc đẩy bình đẳng giới. Về phía các NHTM cũng đã coi nhóm doanh nghiệp này là một trong những đối tượng ưu tiên trong cấp tín dụng. Tuy nhiên, tiếp cận tài chính vẫn là một khó khăn đối với doanh nghiệp, trong đó có DNNVV do phụ nữ làm chủ. Đồng hành cùng Việt Nam trong mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới, ADB đã xây dựng một cấu phần riêng về tài chính cho DNNVV do phụ nữ làm chủ.
Theo chia sẻ của bà Minh, một khảo sát của ADB khi thực hiện cấu phần này cho thấy, hơn 80% WSME được phỏng vấn khẳng định, vốn từ ngân hàng là nguồn vốn tin cậy cho doanh nghiệp tuy nhiên họ vẫn có một số khó khăn trong tiếp cận do năng lực quản trị, phương án kinh doanh khả thi… Đối với phụ nữ, những công việc gia đình cũng có ảnh hưởng nhất định trong việc tiếp cận tài chính của phụ nữ. Đây là những khó khăn chung không chỉ riêng Việt Nam. Dù các tổ chức tài chính đã có nhiều hình thức cho vay như cho vay tín chấp, bảo lãnh dòng tiền… nhưng hoạt động cho vay cũng còn nhiều khó khăn.
Để nâng cao hiệu quả cho vay DNNVV do phụ nữ làm chủ, ông Nguyễn Cảnh Hùng - Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp SeABank khuyến nghị, đối với các quy định pháp luật, cần đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ để WSME được tiếp cận và hỗ trợ từ các Chính sách hỗ trợ DNNVV của Chính phủ. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ kinh doanh đối với WSME tại các địa phương; tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nhân nữ/câu lạc bộ doanh nhân nữ.
Về phía các WSME, cần chủ động tiếp cận, tìm hiểu các thông tin về chính sách,hỗ trợ phát triển từ các phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị đối thoại của chính quyền/sở ngành với doanh nghiệp… Chủ động báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng cần tháo gỡ cũng như nêu sáng kiến, ý tưởng đóng góp thông qua các bộ phận một cửa tại các sở ngành của tỉnh.
Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực tham gia các mạng lưới hiệp hội, câu lạc bộ doanh nhân nữ để có cơ hội tiếp cận các chính sách hỗ trợ, học hỏi kiến thức kinh doanh và nghề nghiệp, hỗ trợ vốn/tiếp cận tín dụng, hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp khác...