Nâng cao năng lực tài chính cho Big4
Tăng vốn là khẩn thiết
Một trong những nội dung trọng tâm tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ là nội dung tăng vốn điều lệ cho các NHTMCP do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Agribank. Việc tăng vốn đề cập trong Nghị quyết của Chính phủ là điều mong mỏi của các NHTM có vốn Nhà nước. Bởi thực tế, đây là những ngân hàng đầu tàu, chủ lực, với vai trò tiên phong, dẫn dắt thị trường và thời gian qua đã rất nỗ lực trong tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, tối ưu hóa chi phí vốn tạo nhiều dư địa để có thể miễn, giảm phí, lãi suất; tiên phong triển khai giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ cho hàng triệu khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém…
Tăng vốn điều lệ là điều kiện tiên quyết để NHTM Nhà nước đảm bảo hệ số an toàn vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng |
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước tổ chức mới đây, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Phạm Quang Dũng cũng nhấn mạnh tới vai trò của các NHTM Nhà nước khi là công cụ đắc lực của Chính phủ, NHNN để thực thi chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Bởi vậy việc tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước là điều cần được ưu tiên. Trước mắt ông kiến nghị Chính phủ cho phép tăng vốn từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ theo đúng tinh thần Nghị quyết 11. Điều này sẽ giúp ngân hàng tiếp tục củng cố nguồn lực, phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả, giữ vững vị thế trong nước, từng bước vươn tầm khu vực và thế giới.
Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cũng cho rằng, áp lực tăng vốn khi tiếp tục thực hiện Basel II nâng cao, hay Basel III là rất lớn, đặc biệt khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn hai năm tới sẽ đòi hỏi duy trì tăng trưởng tín dụng tương đối cao. Bởi thế, tăng vốn điều lệ sẽ là điều kiện tiên quyết để cho các NHTM Nhà nước đảm bảo được hệ số an toàn vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia ngân hàng chia sẻ, hiện tổng vốn điều lệ của nhóm các NHTM Nhà nước chỉ chiếm hơn 23% vốn điều lệ trong toàn hệ thống. Số liệu của NHNN công bố đến hết quý III/2021 cho thấy tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của khối các NHTM Nhà nước chỉ ở mức 9,17% - thấp hơn so với tỷ lệ 11,37% của nhóm các NHTMCP áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Đó là chưa kể Agribank hiện vẫn đang áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN với mức CAR chỉ hơn 10%.
“Điều này cho thấy xét về phương diện vốn, các NHTM Nhà nước vẫn còn hạn chế về tỷ lệ vốn chủ sở hữu, nên tăng vốn cho các TCTD này là điều vô cùng khẩn thiết, bởi nếu không tăng được thì ảnh hưởng rất lớn tới tăng trưởng tín dụng do không đảm bảo được tỷ lệ an toàn vốn. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra của Chính phủ là GDP năm 2022 ở mức khá cao từ 6-6,5%”, chuyên gia này cho hay.
Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Agribank
Trong 4 NHTM Nhà nước thì các ngân hàng BIDV, VietinBank, Vietcombank có lợi thế hơn trong cuộc đua tăng vốn. Vừa qua, Vietcombank đã phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6%, tăng vốn điều lệ thêm 10.236 tỷ đồng; BIDV có kế hoạch tăng vốn lên 50.585 tỷ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25,7% và cũng có kế hoạch phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới qua chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ; VietinBank đã phát hành thành công 14.422 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp năm 2021, đạt tới 14.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, các NHTM Nhà nước cũng tìm kiếm cơ hội tăng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Như BIDV “bắt tay” với KEB Hana Bank và Vietcombank với nhà đầu tư Mizuho Bank hiện sở hữu 15% cổ phần so với hạn mức 20%.
Song theo chuyên gia, để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi thì vẫn rất cần có chính sách từ phía Chính phủ để tạo điều kiện cho các NHTM Nhà nước gia tăng năng lực tài chính, đảm bảo phục vụ tốt hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế đang chịu tác động không những từ dịch bệnh mà còn những căng thẳng từ xung đột chiến sự giữa Nga - Ukraine cũng đang cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu. Bởi vậy, các ngân hàng ngoài cần có gối đệm dày dặn hơn, cần chuẩn bị những kế hoạch, kịch bản ứng phó để đảm bảo an toàn hoạt động.
Cá biệt trường hợp của Agribank. Là ngân hàng thực thi các chính sách của Chính phủ trong cung cấp tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên vai trò của Agribank rất trọng yếu. Đặc biệt, trong hơn hai năm qua khi Covid-19 hoành hành, nông nghiệp nông thôn là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng vô cùng lớn từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản. Theo chuyên gia, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục, đẩy mạnh cung ứng vốn cho nông nghiệp nông thôn - một trong ba trụ cột của nền kinh tế - sẽ tác động rất lớn tới tăng trưởng. Và như vậy thì càng cần Agribank phải đảm bảo được năng lực tài chính để có thể gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ. Từ đó nâng cao khả năng cung ứng vốn cho nông nghiệp nông thôn.
Các chuyên gia nhìn nhận, cơ hội để Agribank tăng vốn có phần hạn hẹp hơn so với BIDV, Vietcombank, VietinBank do chưa cổ phần hóa. Một trong những nguyên do khiến việc cổ phần hóa của Agribank còn chậm trễ tới từ khó khăn trong tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, nhất là khi tỷ lệ sở hữu cổ phần một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hiện không vượt quá 20% vốn điều lệ một TCTD Việt Nam.
Để hóa giải khó khăn trên, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch HĐTV Agribank kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét cổ phần hóa Agribank làm hai bước để đẩy nhanh tiến độ hơn. Cụ thể, chuyển ngân hàng sang mô hình ngân hàng cổ phần với tỷ lệ nhỏ bán cho cán bộ của Agribank để triển khai sớm niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tiếp sau đó sẽ lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài thì mới có thời gian để tìm cổ đông chiến lược phù hợp, đảm bảo lợi ích cho nhà nước.