Nâng cao năng suất lao động: Cần chủ động hoạch định chiến lược
Trong những năm gần đây, vấn đề tăng NSLĐ không chỉ được Chính phủ mà cả các DN quan tâm. Báo cáo của Chính phủ mới đây liên quan đến vấn đề NSLĐ cho thấy, giai đoạn 2011-2019, NSLĐ của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Năm 2019, NSLĐ Việt Nam theo giá hiện hành đạt 110,5 triệu đồng/lao động (tương đương 4.792 USD/lao động), tăng 6,28%, giúp duy trì mức tăng NSLĐ toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 5,8%/năm. Tuy nhiên NSLĐ của Việt Nam năm 2019 chỉ bằng 7,6% mức năng suất của Singapore; 19,5% của Malaysia; 37,9% của Thái Lan; 45,6% của Indonesia... Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước ASEAN-6.
Ảnh minh họa |
Trên thực tế, việc NSLĐ của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới do có thể lý giải là do quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Bên cạnh đó, với đặc thù DNNVV chiếm phần lớn với quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế dẫn đến không đủ lực để đầu tư cho công nghệ máy móc, thiết bị. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập… Đó là những rào cản lớn khiến cho NSLĐ chưa có sự tăng mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới thị trường xuất khẩu khiến các DN Việt Nam cũng chịu tác động nặng nề. Trong bối cảnh đó, nhiều DN đã phải chọn phương án giảm lao động. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các DN phải đặt ra những yêu cầu mới, trong đó nâng cao NSLĐ được nhiều DN quan tâm. Từ yêu cầu của thị trường nên các đối tác lựa chọn những DN có nền tảng quản trị và thông tin tốt, có giá cả cạnh tranh và chất lượng ổn định. Họ chọn những DN luôn quan tâm đến lao động để hướng tới việc kinh doanh lâu dài, ổn định, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, việc nâng cao NSLĐ là yêu cầu bắt buộc đặt ra đối với DN trong giai đoạn hiện nay. Ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh, để đáp ứng được những yêu cầu hội nhập, Tổng công ty May Hưng Yên đã liên tục đầu tư dây chuyền hiện đại, đồng thời đào tạo và tuyển dụng công nhân kỹ thuật cao để vận hành. Qua đó vừa tiết giảm chi phí nhân công, vừa đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt, giúp DN tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng DN và đội ngũ công nhân lao động đông nhất cả nước. Đến nay, Hà Nội đang chiếm khoảng 30% trong tổng số 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động doanh nghiệp trên cả nước Chính vì vậy việc hỗ trợ, thúc đẩy phát triển DN luôn được thành phố ưu tiên, chú trọng. Trong đó thành phố đang tăng cường hỗ trợ DN chuyển đổi số, hỗ trợ DN cải thiện NSLĐ để đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN và thu nhập cho người lao động.
Theo UBND TP. Hà Nội, nhằm thúc đẩy tăng NSLĐ, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các tổng công ty căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng NSLĐ như: tổ chức mạng lưới và nâng cao năng lực quản trị, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là lao động có giá trị gia tăng thấp sang có giá trị gia tăng cao hơn, nâng cao tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng.
Với việc đẩy mạnh các giải pháp nâng cao NSLĐ, Hà Nội không chỉ hỗ trợ các DN về vốn, nâng cao công nghệ, chuyển đổi số mà đang chú trọng vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với DN, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo nghề để tạo ta nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong tháng 10/2020, Sở đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 11. Đoàn Hà Nội xếp thứ nhất toàn đoàn với 23 Huy chương vàng, 7 Huy chương bạc, 9 Huy chương đồng và 5 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc. Qua các chương trình đào tạo nghề và các cuộc thi giúp cho chất lượng nhân lực được nâng cao.
Có thể thấy, vấn đề nâng cao NSLĐ trong DN đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, lực lượng DNNVV đóng góp lao động lớn nhất trong nền kinh tế nên việc phát triển và nâng cao năng suất trong khu vực này sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao NSLĐ quốc gia. Chính vì vậy Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị về giải pháp thúc đẩy tăng NSLĐ quốc gia, trong đó quan tâm lớn đến các vấn đề như hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”; Ưu tiên tín dụng cho các DN công nghệ; Nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo nghề…
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, bên cạnh những giải pháp chính sách của Nhà nước, các DN cần chủ động hoạch định chiến lược nâng cao NSLĐ thông qua việc tập trung đầu tư nâng cao năng lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh chyển đổi số trong, đổi mới mô hình quản trị DN để nâng cao NSLĐ và hiệu quả kinh doanh của DN, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh để bắt kịp nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.