Nâng cao năng suất lao động để kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững
Nâng cao năng suất lao động: Cần chủ động hoạch định chiến lược Tăng năng suất lao động - con đường để tránh tụt hậu cạnh tranh |
Tăng chậm và kém xa nhiều nước
Ông Felix Weidencaff, Chuyên gia về việc làm của Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đánh giá Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong thập kỷ qua, năng suất lao động của Việt Nam cũng duy trì đà tăng, song vẫn thấp hơn nhiều quốc gia châu Á như Indonesia, Malaysia…
Dữ liệu của ILO cho thấy năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 chỉ bằng 12,2% mức năng suất của Singapore; 24,4% của Hàn Quốc; 58,9% của Trung Quốc; 63,9% của Thái Lan và 94,2% của Philippines.
Theo một nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, năng suất lao động tăng thấp cho thấy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu (tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo) còn chậm và cần quan tâm thúc đẩy hơn trong thời gian tới.
Với dự báo tỷ lệ lao động qua đào tạo năm nay có thể đạt 27,5%, nghiên cứu này dự báo trong năm 2023, năng suất lao động tăng khoảng 5-6%. Đây là mức tăng thấp, bởi với mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5-7%/năm giai đoạn 2021-2030, năng suất lao động phải là động lực tăng trưởng và cần mức tăng trung bình 6-6,5%/năm.
Về lý do năng suất lao động Việt Nam thấp, có nhiều nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra như: Chưa có đủ không gian trong giáo dục cao học, nhất là trong các ngành khoa học, kỹ thuật; Thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao; Chưa phát huy được vai trò chủ đạo của năng suất lao động nội ngành; Năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp thấp; Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế; Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; Cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý…
Đơn cử về cơ cấu lao động theo ngành, TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, phân tích: Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của Việt Nam thời gian qua mặc dù diễn ra khá nhanh nhưng đến nay lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn lớn.
Đến năm 2022, nước ta có trên 13,9 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,5% tổng số lao động toàn nền kinh tế (nếu tính cả số lao động làm các công việc tự sản tự tiêu thì có trên 18 triệu lao động), trong khi năng suất lao động của khu vực này chỉ bằng 43,1% mức năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế, bởi đa số lao động trong khu vực này là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định, tạo ra giá trị gia tăng thấp.
Nâng cao năng suất đang là một thách thức đối với kinh tế Việt Nam |
Nhà nước, doanh nghiệp phải đồng hành
Theo TS. Nguyễn Lê Hoa, Trưởng Phòng Nghiên cứu năng suất (Viện Năng suất Việt Nam), mặc dù các chính sách của Nhà nước thời gian qua tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã tác động tích cực đến tăng năng suất ở Việt Nam, nhưng năng suất nội ngành chưa đạt được như kỳ vọng, các ngành đóng góp cao vào GDP và sử dụng nhiều lao động nhưng mức năng suất còn thấp… Vì vậy trong thời gian tới, các hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất lao động Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ hơn. Trong đó, tập trung vào liên kết phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để xây dựng các chính sách đồng bộ và xuyên suốt; Tạo điều kiện thúc đẩy nguồn lực và tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò trong việc tăng năng suất lao động; Tăng năng lực thực thi chính sách thúc đẩy năng suất, tập trung vào ngành đóng góp giá trị gia tăng cao và sử dụng nhiều lao động.
Theo TS. Cấn Văn Lực, nâng cao năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vừa là động lực, vừa là giải pháp để kinh tế Việt Nam nâng cao hiệu quả và chất lượng trong những năm tới, trong khi Việt Nam còn nhiều dư địa để nâng cao năng suất lao động và TFP.
Chuyên gia này đề xuất, cần sớm xây dựng đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia (cùng với chuyển đổi số sẽ góp phần tăng đóng góp của TFP vào tăng trưởng). Theo đó, phải tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, đòi hỏi trình độ lao động cao; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đặc biệt sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia như một số quốc gia có năng suất lao động cao đã làm.
Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Bích Lâm đề xuất Chính phủ cần khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động Việt Nam.
“Chính phủ phải xác định được các yếu tố ngoại sinh tạo ra sự đổi mới để từ đó chủ động đưa ra các giải pháp tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức giữ ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững”, chuyên gia này khuyến nghị.
Xây dựng và thực thi chính sách thị trường lao động tích cực, chủ động thực hiện phương châm đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động; Đồng thời, thực hiện phương châm học suốt đời, học linh hoạt nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng của người lao động đáp ứng đòi hỏi về nâng cao và bồi đắp kỹ năng lao động.
Nâng cao năng suất lao động phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, năng lực, kỹ năng và chuyên môn của người lao động. Vì vậy, mở rộng độ bao phủ, phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có định hướng ưu tiên đào tạo các tài năng cá biệt và các kỹ năng mới nổi phải là quốc sách hàng đầu đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Việc cấp bằng hoặc giấy chứng nhận hành nghề một cách thực chất theo tiêu chuẩn quốc tế, đúng với năng lực chuyên môn và kỹ năng của người lao động cũng là giải pháp quan trọng để nâng cao trình độ, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của lực lượng lao động.
Các chuyên gia cũng cho rằng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này. Theo đó, một mặt doanh nghiệp cần xây dựng và thực thi chiến lược nâng cao năng suất lao động dựa vào tri thức và công nghệ; Tập trung đầu tư nâng cao năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp.
Mặt khác, cần đổi mới quy trình sản xuất; sắp xếp lại quy mô doanh nghiệp phù hợp với từng ngành, từng vùng kinh tế; đẩy mạnh liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị, quản lý.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đánh giá cụ thể từng công đoạn của quy trình sản xuất, cơ cấu lại bức tranh lao động của doanh nghiệp; phát triển quy trình sản xuất tự động, đầu tư sử dụng robot công nghiệp và trí tuệ nhân tạo nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành và nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm.
“Nâng cao năng suất đang là một thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa, cơ hội để nâng cao năng suất lao động, nhưng để biến tiềm năng, cơ hội thành hiện thực, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, của doanh nghiệp và toàn xã hội...”, TS. Nguyễn Bích Lâm nói.