Nâng "chất" cho nguồn nhân lực số ngành Ngân hàng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Chu Khánh Lân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, phát triển nguồn nhân lực là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Minh chứng là trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ, phát triển con người là một trong ba đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2030, phát triển toàn nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trong đó nhấn mạnh nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất có tính tự chủ…
Với ngành Ngân hàng, chuyển đổi số mang tính khách quan, chiến lược và là ưu tiên hàng đầu. Và để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của toàn Ngành, việc nâng cao năng lực số của nhân lực là một yêu cầu bắt buộc.
PGS.TS Chu Khánh Lân (bên phải) - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo |
Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS.TS Đặng Thị Huyền Anh – Phó Trưởng khoa Khoa Kinh tế, Học viện Ngân hàng nhận định, sự phát triển đột phá của công nghệ thông tin và truyền thông đã tạo ra những điều kiện mới cho xã hội tri thức, trong đó, năng lực số là yếu tố quan trọng đề cập những kỹ năng và kiến thức cần thiết để người dân có thể học tập và làm việc trong xã hội tri thức số hóa.
Hiện nay, có thể thấy tiến trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng đã có nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, ngành Ngân hàng là ngành đầu tiên ban hành kế hoạch chuyển đổi số với mục tiêu rõ ràng: Nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; có doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số ngày càng cao, dịch vụ thanh toán số hóa đã đạt 100%, giải ngân cho vay của các công ty tài chính với các khoản cho vay nhỏ lẻ lên tới 70%.
Đến nay đã có hơn 95% ngân hàng Việt Nam có chiến lược chuyển đổi số. Một số ngân hàng trong nước có 90% giao dịch được thực hiện trên nền tảng số, vượt mục tiêu 70% đặt ra cho năm 2025. Hệ sinh thái dịch vụ và thanh toán số đã được hình thành trên cơ sở tích hợp dịch vụ ngân hàng số với một số dịch vụ khác trong nền kinh tế. Nhiều quy trình ngân hàng đã được số hóa hoàn toàn.
Toàn cảnh Hội thảo |
Tuy nhiên, có thể thấy một trong những thách thức đối với tiến trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng hiện tại có liên quan đến nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Lĩnh vực tài chính ngân hàng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực cho chuyển đổi số.
Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu đối với các vị trí chuyên môn và công việc khác nhau tại ngân hàng, bao gồm cả hội sở, chi nhánh và phòng giao dịch, có 96,2% người được hỏi đã áp dụng năng lực số vào công việc hiện tại tại vị trí công việc của mình ở ngân hàng, tỷ lệ này một lần nữa phản ánh mức độ chuyển đổi số và các yêu cầu về năng lực số trong ngành Ngân hàng đã và đang có sự gia tăng nhanh chóng so với nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác trong nền kinh tế. Tuy nhiên, chỉ có 19,4% người thực hiện khảo sát cho rằng, họ thường xuyên sử dụng năng lực số trong công việc, 60,4% người thực hiện khảo sát đã sử dụng năng lực số trong công việc nhưng không thường xuyên, 16,4% cho rằng họ rất ít sử dụng năng lực số và 3% cho rằng họ không bao giờ sử dụng năng lực số trong công việc.
PGS.TS Đặng Thị Huyền Anh - Phó Trưởng khoa Khoa Kinh tế, Học viện Ngân hàng đại diện nhóm nghiên cứu trình bày kết quả đề tài |
Nhóm nghiên cứu chỉ ra, ưu điểm là các chính sách phát triển năng lực số cho nguồn nhân lực trong NHTM đã đem đến kết quả tích cực. Số lượng nhân lực qua đào tạo, có trình độ công nghệ thông tin của ngành Ngân hàng tăng dần qua các năm. Nhân lực ngân hàng kỹ năng số cũng có sự gia tăng ở các vị trí làm việc: tín dụng, thẩm định, kế toán, giao dịch… Bên cạnh đó, chất lượng nhân lực kỹ thuật số ngày càng được cải thiện. Nhân lực ở các NHTM đã có được kỹ năng nền tảng để sử dụng công nghệ số và internet và thực hiện công việc…. Đặc biệt, NHNN Việt Nam đã có vị thế và vai trò thúc đẩy, hỗ trợ các NHTM, trong đó có phát triển lực lượng lao động kỹ năng số.
Tuy đã có những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao năng lực số nhân lực ngành Ngân hàng cả về chất lượng và số lượng, nhưng việc phát triển năng lực số cho lao động trong toàn Ngành và tại các NHTM vẫn còn một số hạn chế. Đơn cử như chưa xây dựng được khung năng lực số chung cho toàn Ngành, điều này dẫn tới khó khăn và thiếu đồng bộ trong đánh giá chất lượng nguồn nhân lực cũng như xác định các tiêu chuẩn đào tạo và tuyển dụng. Chất lượng lao động kỹ năng số còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, chính sách sử dụng nhân lực kỹ năng số còn hạn chế, chưa có chính sách cụ thể về sử dụng, đãi ngộ với nhân lực có kỹ năng số cao.
Trong thời gian tới, để nâng cao năng lực số của nhân lực ngành Ngân hàng, nhóm nghiên cứu đề xuất cần hoàn thiện hệ thống chính sách, phát luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong ngành Ngân hàng gắn với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của cuộc CMCN 4.0.
Về phía NHNN, nhóm nghiên cứu cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho chuyển đổi số của hoạt động ngân hàng, từ đó tạo động lực và áp lực cho phát triển năng lực số của người lao động. Các NHTM cần quan tâm đầu tư cho trang thiết bị và tạo môi trường làm việc thuận lợi để phát triển các kĩ năng số cho cán bộ, nhân viên. Các tổ chức thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng cần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số một cách toàn diện, tạo điều kiện cho nhân viên có cơ hội cọ xát với các sản phẩm số, các ứng dụng số hay môi trường làm việc số. Trên cơ sở đó tạo cho họ một động lực cần thiết phải thay đổi, phải trau dồi kiến thức, kĩ năng số để đảm bảo bản thân họ có thể tiếp tục tham gia vào hoạt động của tổ chức mình...