Nâng giá trị xuất khẩu nông sản, giảm thiểu thiệt hại từ thẻ vàng
Rà soát các tiêu chuẩn để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Xuất khẩu nông lâm thủy sản nửa đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD |
Nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt
Trả lời chất vấn của đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) và nhiều đại biểu khác về dự báo và trách nhiệm của các bộ để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản (NLTS) đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022, song các doanh nghiệp cũng đã tận dụng được thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm mặt hàng có lợi thế, trong đó có 4 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu vượt trội so với cùng kỳ là rau quả (3,2 tỷ USD, tăng 68,1%), gạo (2,58 tỷ USD, tăng 29,6%), cà phê (2,76 tỷ USD, tăng 6%), hạt điều (1,95 tỷ USD, tăng 9,8%).
Về các giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng cho biết, các khó khăn trong xuất khẩu NLTS vẫn hiện hữu, nhu cầu thị trường phục hồi chậm, một số biến động thị trường gần đây đặt ra thêm những thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội, như: Ấn Độ và một số quốc gia dừng xuất khẩu gạo; Thái Lan khuyến nghị giảm diện tích trồng lúa để tránh hiện tượng El Nino; rủi ro biến đổi khí hậu nhanh hơn dự kiến ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp; sáng kiến ngũ cốc biển đen không được gia hạn; xung đột địa chính trị tại châu Phi và Ucraine tiếp tục kéo dài…
Để khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội trong bảo đảm an ninh, an toàn nguồn cung thực phẩm trong nước và gia tăng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm như: cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường; Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương gia tăng, đổi mới tổ chức truyền thông quảng bá chất lượng đặc thù vượt trội của nông sản Việt tại thị trường trong và ngoài nước; Chỉ đạo sản xuất linh hoạt, đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đảm bảo nguồn cung phù hợp với nhu cầu xuất khẩu.
Nông sản Việt đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu |
Về dài hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên chỉ đạo triển khai các nội dung: Hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực; Tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững theo mục tiêu, định hướng tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững và các giải pháp cụ thể tại các Đề án đang triển khai: “Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025”; “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng NLTS gắn với thị trường tiêu thụ”; “Thúc đẩy xuất khẩu NLTS đến năm 2030”… Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc - ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Đề án “Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050”.
Chỉ 1 tàu vi phạm sẽ không gỡ được thẻ vàng
Chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) và nhiều đại biểu khác cho biết, thẻ vàng IUU (hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý) không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín, vị thế quan hệ ngoại giao của nước ta. Đến nay đã gần 6 năm, nước ta vẫn chưa gỡ được thẻ vàng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp mà Bộ đề ra đã đồng bộ, đầy đủ và triệt để hay chưa. Việt Nam có thể đạt mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU trong lần đánh giá thứ 4 của Ủy ban châu Âu vào tháng 10/2023 tới hay không.
Trả lời chất vấn về nội dung này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, mặc dù tích cực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, quyết liệt chống khai thác IUU và đạt được nhiều kết quả quan trọng được EC ghi nhận đánh giá cao, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa gỡ được thẻ vàng. Nguyên nhân do tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp. EC khẳng định không gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” nếu chúng ta không chấm dứt tình trạng này. Bên cạnh đó, công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác trong nước, đặc biệt là nhập khẩu còn nhiều tồn tại, bất cập, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của EC.
Việc xử lý các hành vi khai thác IUU còn hạn chế, công tác thực thi pháp luật, xử lý, xử phạt các hành vi khai thác IUU tại một số địa phương rất yếu kém, thiếu trách nhiệm và chưa thống nhất, đồng bộ; đặc biệt là vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển. Nếu gỡ thẻ vàng nhưng tính bền vững không được đảm bảo thì sẽ bị áp dụng thẻ vàng khác.
So sánh với Philippines hoặc Thái Lan, Bộ trưởng cho biết, cấu trúc ngành hàng của các quốc gia này bền chặt hơn Việt Nam, từ ngư dân tới doanh nghiệp được xây dựng hệ sinh thái ngành hàng. Các quốc gia này sử dụng các biện pháp rất mạnh, có cả trường hợp đánh đắm tàu vi phạm quy định.
Trong khi đó ở Việt Nam, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý. Bộ trưởng khẳng định, đã đến lúc phải xử lý nghiêm nếu không sẽ không đủ sức răn đe, không có sự thay đổi bởi chỉ cần 1 tàu vi phạm sẽ không gỡ được thẻ vàng.