Nâng hạng tín nhiệm
Tuần qua, Tổ chức xếp hạng Moody's Investors Service (Moody’s) đã cập nhật mức xếp hạng đối với 12 NHTM Việt Nam, sau khi nâng mức xếp hạng quốc gia của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định.
Ảnh minh họa |
Các NHTM được cập nhật xếp hạng là: ABBank, Vietcombank, BIDV, LienVietPostBank, OCB, SHB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB, VietinBank và MSB. Moody's đã nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 8 ngân hàng lên một bậc. Đồng thời, nâng một bậc đối với xếp hạng rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác với 7 ngân hàng bao gồm BIDV, Agribank, VietinBank, ABBank, LienVietPostBank, SHB và MSB. Moody’s cũng cho biết, triển vọng xếp hạng của ABBank, LienVietPostBank và MSB vẫn Ổn định. Trong khi triển vọng xếp hạng của các ngân hàng Agribank, BIDV, OCB, SeABank, TPBank, VIB, Vietcombank và VietinBank chuyển từ Tích cực sang Ổn định. Triển vọng đánh giá của SHB vẫn Tích cực. Theo Moody's, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam là yếu tố đầu vào quan trọng trong việc xếp hạng tiền gửi và nhà phát hành đối với các tổ chức tài chính trong nước.
Vì sao xếp hạng tín nhiệm quốc gia luôn “gắn liền” xếp hạng tín nhiệm của các NHTM? Trao đổi với báo giới, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết: có hai yếu tố quan trọng trong việc Moody’s nâng hạng Việt Nam từ Ba3 lên Ba2. Thứ nhất, là do sức mạnh kinh tế, thể hiện ở khả năng duy trì tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, cũng như khả năng chống chọi của nền kinh tế với các khó khăn thời gian qua tốt hơn các nước đồng hạng. Thứ hai, là Việt Nam đang có được nền tảng tài chính tốt, thực hiện chính sách tài khóa thận trọng, lạm phát được kiểm soát, nợ công quản lý chặt chẽ, tái cơ cấu nợ quả hạn, chi phí đi vay giảm xuống, đang có xu hướng chuyển dần từ vay nước ngoài sang vay trong nước.
Việc nâng hạng tín nhiệm đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư đánh giá khả năng trả nợ của Việt Nam tốt hơn, chi phí huy động vốn nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp sẽ giảm, tạo hiệu ứng lan toả cho toàn bộ nền kinh tế, gia tăng niềm tin với nhà đầu tư quốc tế… Có thể nói, vì những lợi ích quốc gia lâu dài và quan trọng như vậy, những năm qua ngành Ngân hàng luôn kiên định với mục tiêu kiểm soát tốt lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đây cũng là một trong những lý do, dù đứng trước rất nhiều sức ép, NHNN kiên quyết kiểm soát tăng trưởng tín dụng đúng kế hoạch; sử dụng đồng bộ các công cụ điều hành chính sách tiền tệ để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống TCTD... Trong bối cảnh đó, bản thân các TCTD phải hy sinh rất nhiều. Bởi, cho đến hiện tại thu từ hoạt động tín dụng vẫn là nguồn mang lại lợi nhuận lớn nhất cho NHTM. Tín dụng chỉ được tăng trong hạn mức được NHNN cấp, trong khi lãi suất huy động tăng, nhưng NHTM lại phải thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, giữ lãi suất cho vay tương đối ổn định để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Song, công bằng mà nói, trong cái chung, có cái riêng. Khi tín nhiệm quốc gia tăng thì xếp hạng của các NHTM cũng tăng. Bởi theo lãnh đạo một NHTM, xếp hạng tín nhiệm của các NHTM Việt Nam sẽ bị giới hạn tối đa bằng mức xếp hạng tín nhiệm của quốc gia. Do đó, việc các NHTM chấp hành đúng các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ là yếu tố tiên quyết tạo nên thành quả chung của ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Trở lại vấn đề nâng hạng tín nhiệm quốc gia, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030, trong đó có mục tiêu phấn đấu tới năm 2030 nâng xếp hạng của Việt Nam lên hạng "Đầu tư". Để nâng hạng lên mức Đầu tư, theo ông Trương Hùng Long có hai yếu tố Việt Nam cần tiếp tục cải thiện: Thứ nhất, là sức mạnh thể chế và quản trị. Thể chế thì cần đạt hiệu lực hiệu quả thực thi chính sách, còn quản trị phải minh bạch, công bố công khai kịp thời đầy đủ các chỉ số. Thứ hai, với khu vực ngân hàng, phải nâng cao hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ, tăng cường giám sát giảm thiểu rủi ro hệ thống ngân hàng, kiểm soát chất lượng tài sản...