Nâng tầm giá trị cà phê Việt
Đối diện nhiều thách thức
Theo số liệu của cơ quan chức năng, tính đến năm 2022 diện tích trồng cà phê Việt Nam khoảng 710 nghìn ha với sản lượng 1,84 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD, chiếm hơn 15% thị phần xuất khẩu cà phê thế giới. Đây là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam.
Ngành cà phê đã tạo việc làm và thu nhập cho trên 600 nghìn hộ nông dân, với 2 triệu lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và một số vùng trồng cà phê khác trên cả nước. Hiện, Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới sau Brazil, đứng thứ nhất về xuất khẩu cà phê Robusta. Cà phê Việt Nam được xuất khẩu tới hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cần khuyến khích phát triển mô hình cà phê xanh và bền vững |
Để nâng cao năng suất và chất lượng cà phê, trong những năm gần đây chính quyền các địa phương đã hướng dẫn người sản xuất cà phê thực hiện theo quy trình tái canh cà phê vối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đặc biệt, đối với diện tích cà phê chất lượng cao, hay cà phê đặc sản đang áp dụng quy trình chăm sóc theo các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, 4C, Rainforest, Organic… Trên thực tế, dù đã đạt được những thành tựu không nhỏ, song ngành cà phê Việt Nam vẫn còn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao. Việc sản xuất tập trung vào khai thác tối đa tiềm năng, năng suất của cây cà phê mà chưa chú trọng nhiều vào phát triển xanh và bền vững. Bên cạnh đó, còn gặp những khó khăn khác như, quản lý sử dụng đầu vào trong canh tác, mở rộng diện tích cà phê có chứng nhận, chế biến cà phê, xuất khẩu sản phẩm qua tinh chế...
Đắk Lắk hiện được xem là “thủ phủ” cà phê của Việt Nam, với diện tích khoảng 213 nghìn ha (chiếm trên 30% diện tích cả nước), sản lượng đạt khoảng 558 nghìn tấn cà phê nhân. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của địa phương, với giá trị xuất khẩu gần 900 triệu USD/năm chiếm khoảng 55% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và chiếm 21% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước. Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, cà phê đang là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Xác định cây cà phê là thế mạnh của ngành kinh tế, quan điểm của Đắk Lắk là không tăng diện tích, tập trung tái canh cà phê theo kế hoạch và thực hiện phát triển cà phê theo hướng xanh bền vững ở cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
Tuy vậy, cũng theo ông Nguyễn Tuấn Hà, sản xuất cà phê ở Đắk Lắk vẫn đang gặp nhiều thách thức như, ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; khai thác đất quá mức, lạm dụng phân vô cơ, chưa được xử lý triệt để chất thải, thiếu tính bền vững; phần lớn sản xuất chưa phát triển theo hướng chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã được thành lập nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động còn hạn chế; kết cấu hạ tầng sản xuất thiếu đồng bộ, cơ sở chế biến chưa đáp ứng được thực tiễn sản xuất…
Phát triển cà phê xanh và bền vững
Những khó khăn tại Đắk Lắk, cũng là khó khăn chung của các địa phương trồng cà phê trong cả nước. Trước những khó khăn đó, theo nhiều người việc phát triển cà phê chất lượng cao gắn với phát triển xanh và bền vững, được xem là hướng đi phù hợp để nâng tầm sản phẩm cà phê Việt. Từ đó, góp phần mở rộng thị trường trong và ngoài nước, nâng cao giá trị xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng cà phê là người nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp.
Trên thực tế, với những thách thức đã được nhận diện tại Đắk Lắk cũng như nhiều địa phương khác, việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê theo hướng xanh và bền vững đang được xem là “cứu cánh” và xa hơn là nâng giá trị cho cà phê Việt. Trên cơ sở đó, nhiều chuyên gia kinh tế đã kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương, để phát triển ngành cà phê Việt Nam gắn với tăng trưởng xanh và bền vững, cần phải tập trung xây dựng chính sách huy động, lồng ghép nguồn lực từ các bên, cùng với của nhà nước để nhân rộng “vùng nguyên liệu nông nghiệp bền vững, phát thải thấp, quy mô lớn” tại khu vực Tây Nguyên cũng như Tây bắc hay các khu vực khác.
Là một đơn vị xuất khẩu cà phê hàng đầu của ở Tây Nguyên, hàng năm xuất khẩu 120 nghìn tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu đạt 250 triệu USD/năm, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) đề xuất, cần phải xây dựng chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản xứng tầm đất nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới. Trong đó, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn mới của nước nhập khẩu; Quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp theo hướng liên kết, hình thành các cụm công nghiệp phụ trợ để kêu gọi các nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hệ thống chế biến sâu từ cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản: rang xay, hoà tan ngay tại vùng Tây Nguyên; Xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông, logistics để vận chuyển cà phê về các trung tâm sơ chế và chế biến tập trung; Thực hiện quảng bá thương hiệu và chất lượng cà phê Việt Nam để giới thiệu mạnh đến người tiêu dùng toàn thế giới.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; phát triển hạ tầng thương mại, hệ thống logistics kết nối giữa người sản xuất với nhà phân phối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa; nhanh chóng mở rộng phát triển các thị trường tiềm năng, nhất là EU và các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các nước ASEAN... Trước đó, tại lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 - 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp và ngành cà phê. Thực hiện hiệu quả kế hoạch tái canh cây cà phê, hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại gắn với bảo quản, chế biến sâu và thị trường tiêu thụ. Đồng thời làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng vùng trồng, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất cà phê bền vững, gắn với phát triển văn hóa, du lịch.