Nền tảng thương mại điện tử nước ngoài mở rộng thị trường tại Việt Nam
Thách thức từ sự cạnh tranh Quốc tế
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa, thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng trở thành kênh mua sắm phổ biến và tiềm năng tại Việt Nam. Tuy nhiên, với sự xâm nhập mạnh mẽ của các doanh nghiệp thương mại điện tử quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt đang đối diện với những thách thức to lớn. Không chỉ có nguy cơ mất thị phần, các công ty trong nước còn phải cạnh tranh về giá, công nghệ và hệ thống hậu cần.
Các nền tảng thương mại điện tử lớn từ Trung Quốc như Taobao, Tmall, Pinduoduo và JD.com đã có giao diện tiếng Việt |
Sự hiện diện của các nền tảng thương mại điện tử lớn từ Trung Quốc như Taobao, Tmall, Pinduoduo và JD.com... với giao diện tiếng Việt cho thấy, chiến lược mở rộng thị trường của các công ty này. Việc tích hợp tiếng Việt giúp người tiêu dùng Việt dễ dàng tiếp cận các sản phẩm từ Trung Quốc mà không gặp trở ngại về ngôn ngữ. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Vững, CEO BigX (công ty đối tác dịch vụ xuất sắc của TikTok Shop) cho biết, thị trường còn rất nhiều dư địa để phát triển. Những người tiêu dùng đã có thói quen mua hàng online sẽ tiếp tục hành vi đó và những người chưa có thói quen sẽ dần dần tham gia thị trường thương mại điện tử. Tỷ lệ chênh lệch giữa mua hàng trực tuyến và mua hàng ngoại tuyến vẫn còn nhiều vì vậy miếng bánh thị trường vẫn còn đang nở ra nhiều.
Theo các chuyên gia, một trong những lợi thế lớn nhất của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc là khả năng cung ứng hàng hóa với giá thành rất cạnh tranh nhờ chi phí sản xuất thấp. Do đó, các doanh nghiệp Việt sẽ phải điều chỉnh chiến lược giá của mình nếu không muốn bị khách hàng từ bỏ để tìm đến các lựa chọn rẻ hơn từ Trung Quốc. Điều này đặc biệt khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ, vốn không có khả năng sản xuất quy mô lớn hay tối ưu hóa chi phí như các công ty quốc tế. Bên cạnh đó, các nền tảng thương mại điện tử quốc tế thường tiên phong trong việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), big data và hệ thống hậu cần tự động. Những công nghệ này giúp tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, từ việc đề xuất sản phẩm, cá nhân hóa dịch vụ, đến cải thiện quy trình giao hàng. Doanh nghiệp Việt Nam nếu không kịp thời đầu tư và chuyển đổi số sẽ khó bắt kịp xu hướng, khiến khả năng cạnh tranh giảm sút rõ rệt.
Các công ty quốc tế không chỉ nhắm đến khách hàng tại Việt Nam mà còn dễ dàng mở rộng ra các thị trường khác nhờ hệ thống hạ tầng và mạng lưới đối tác toàn cầu. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa thường gặp nhiều rào cản về nguồn lực và quy mô để mở rộng ra khu vực hoặc quốc tế.
Cơ hội để phát triển thương hiệu "Made in Vietnam"
Tuy nhiên, song hành cùng với thách thức là những cơ hội lớn để phát triển khi các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng hệ sinh thái toàn cầu nhằm mở rộng quy mô và thị trường.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay thị trường nội địa có dấu hiệu ấm lên khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 3,625 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt trên 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Hướng đi đúng đắn cho các nhà bán hàng ở Việt Nam lúc này là tối ưu nội lực |
Điều đáng mừng là những sản phẩm được sản xuất trong nước đang từng bước khẳng định ưu thế khi các doanh nghiệp Việt đã chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, tăng cường quảng bá sản phẩm...từ đó tạo sự tin dùng và tự hào về hàng Việt.
Ông Phạm Bảo Trung, Giám đốc kinh doanh của Metric cho biết, hướng đi đúng đắn cho các nhà bán hàng ở Việt Nam lúc này là tối ưu năng lực nội tại, tập trung vào các thế mạnh của sản phẩm để thích ứng với làn sóng này, cũng như có thể tồn tại và phát triển. Chẳng hạn, nhà bán hàng có thể thúc đẩy các sản phẩm đặc biệt của địa phương mà không nơi nào có, duy trì sự đồng đều về chất lượng sản phẩm và xây dựng hình ảnh thương hiệu đúng cách. Rõ ràng, chúng ta có nhiều lợi thế trong việc nắm giữ, thấu hiểu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng trong nước, đồng thời dễ dàng tiếp cận với các công cụ nghiên cứu thị trường nhanh chóng, bài bản.
Theo ông Nguyễn Thành Dương, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương), các nền tảng thương mại điện tử lớn như Alibaba, Amazon, eBay đã và đang mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Thương mại điện tử xuyên biên giới không còn là khái niệm xa lạ, và nhiều doanh nghiệp đã tận dụng kênh này để bán hàng cho người tiêu dùng ở các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Một ví dụ điển hình là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông sản, thời trang Việt Nam vốn rất được ưa chuộng ở nước ngoài nhờ tính độc đáo và chất lượng. Thay vì chỉ tập trung vào thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt có thể đa dạng hóa thị trường bằng cách tham gia vào các nền tảng TMĐT quốc tế, từ đó tăng trưởng doanh thu và mở rộng quy mô sản xuất.
Bên cạnh việc bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp Việt còn có thể trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều công ty nước ngoài đang tìm kiếm nhà cung cấp tại các quốc gia có chi phí sản xuất thấp, và đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. Các ngành công nghiệp như dệt may, nội thất, và linh kiện điện tử của Việt Nam đều có tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các nền tảng thương mại điện tử B2B (Business-to-Business) như Alibaba.com, ông Nguyễn Thành Dương chia sẻ thêm.
Các doanh nghiệp Việt có cơ hội bước vào hệ sinh thái toàn cầu |
Xu hướng tiêu dùng bền vững đang trở thành điểm nhấn trên thị trường quốc tế và các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm thủ công, nông sản, đồ gỗ, ngày càng thu hút sự quan tâm của khách hàng quốc tế. Việc xây dựng thương hiệu "Made in Vietnam" mạnh mẽ trên các nền tảng thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh so với hàng hóa từ các quốc gia khác. Cụ thể là ngành cà phê và sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nơi Việt Nam có lợi thế vượt trội về chất lượng và sự đa dạng. Với nhu cầu tiêu dùng tăng cao từ các thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt có thể khẳng định mình bằng các sản phẩm "chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng".
Đồng thời, cạnh tranh với các nền tảng quốc tế cũng là động lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt chuyển đổi số. Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, bán hàng và hậu cần sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình vận hành và tăng hiệu quả kinh doanh. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, và phân tích dữ liệu có thể giúp doanh nghiệp nâng cao trải nghiệm khách hàng, từ đó thu hút và giữ chân người dùng tốt hơn. Thay vì chỉ nhìn nhận các công ty thương mại điện tử quốc tế như đối thủ, doanh nghiệp Việt có thể coi họ là đối tác tiềm năng. Nhiều nền tảng quốc tế đang tìm kiếm các nhà cung cấp địa phương để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng đa dạng trên toàn cầu. Thông qua việc hợp tác, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng mạng lưới phân phối và hệ thống hậu cần toàn cầu, giúp mở rộng quy mô và thị trường một cách nhanh chóng.
Cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam và các đối thủ quốc tế chắc chắn sẽ rất khốc liệt trong những năm tới. Tuy nhiên, bên cạnh thách thức cũng là cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt khi biết tận dụng các kênh thương mại điện tử toàn cầu. Việc tham gia vào chuỗi cung ứng, xây dựng thương hiệu quốc tế, và ứng dụng công nghệ hiện đại không chỉ giúp doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn mà còn mở ra cánh cửa bước vào hệ sinh thái toàn cầu.