Ngân hàng cần cơ chế hỗ trợ xử lý nợ xấu
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán SSI cũng nhận định, tỷ lệ nợ xấu của nhóm ngân hàng có thể sẽ tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024 do tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, theo chuyên gia phân tích của SSI, từ cuối năm 2022 cho đến nay, các quy định được ban hành chủ yếu theo hướng cho ngân hàng cơ chế trì hoãn trong việc ghi nhận và trích lập dự phòng rủi ro cũng như tạo điều kiện gia hạn thêm thời gian cho các chủ đầu tư bất động sản giải quyết các nghĩa vụ nợ sắp đến hạn. Tuy nhiên, kể cả với những cơ chế như vậy, nợ xấu và nợ cần chú ý tại nhiều ngân hàng vào cuối năm 2023 đã tăng lần lượt là 40% và 24% so với đầu năm và đang có xu hướng tăng tiếp trong đầu năm 2024.
Trong bối cảnh nợ xấu tăng, công tác thu hồi nợ, xử lý nợ của ngân hàng cũng đang gặp nhiều trắc trở. Thị trường bất động sản vẫn trầm lắng trong khi loại tài sản này chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại ngân hàng, thậm chí, tỷ lệ này tại một số ngân hàng còn lên đến 80-90%. Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh thanh lý tài sản để thu hồi nợ, nhưng do thanh khoản thị trường còn yếu nên nhiều tài sản bất động sản có giá trị lớn ngân hàng phát mại giảm giá hàng chục lần vẫn ế ẩm.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank thừa nhận hoạt động thu hồi nợ hiện nay rất khó khăn. Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực từ cuối năm 2023, tất cả các ngân hàng hiện nay đang lâm vào tình trạng không ai hỗ trợ ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo, ưu tiên thứ tự thu hồi nợ và các biện pháp khác.
“Ngày xưa, chỉ cho vay tín chấp mới mất tiền, giờ cả vay thế chấp cũng phải 2 - 3 năm mới xử lý được nợ. Hiện nay, nhiều cán bộ thu hồi nợ của ngân hàng bỏ việc, dẫn tới hiệu quả thu hồi nợ giảm mạnh”, ông Vinh chia sẻ và bày tỏ tiếc nuối khi các quy định tại Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, nhất là quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, không được thể chế hóa bằng các quy định pháp luật tại Luật Các TCTD (sửa đổi). Theo ông Vinh, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc xử lý tài sản bảo đảm cho các khoản nợ, đặc biệt liên quan đến nhà đất.
Chung nỗi lo, nhiều đại diện ngân hàng cũng cho biết sẽ rất khó khăn cho các nhà băng trong xử lý nợ khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực. Trong một hội nghị mới đây, hàng loạt nhà băng đã kiến nghị gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu thời gian trả nợ với thời gian gia hạn khoảng 6-12 tháng, để khách hàng có thời gian trả nợ, còn ngân hàng giảm áp lực dự phòng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bày tỏ lo ngại thực trạng nợ xấu của các TCTD trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái. Về phía các ngân hàng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động. Việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc; hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất; khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác.
Một chuyên gia ngân hàng cũng bày tỏ quan ngại, khi Thông tư 02 hết hiệu lực, các khoản nợ đã được cơ cấu sẽ về đúng nhóm phân loại và nợ xấu sẽ tăng lên. Nhất là khoảng trống về pháp lý sẽ khiến “đoạn trường” xử lý nợ xấu của ngân hàng ngày càng chật vật. Vì vậy, nợ xấu tăng một mặt buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, từ đó giảm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp; mặt khác một lượng vốn không nhỏ bị “chôn” theo nợ xấu, khiến khả năng cung tín dụng của ngân hàng bị hạn chế, đồng thời tạo áp lực lên lãi suất. Vì vậy, các chuyên gia nhấn mạnh cần nhanh chóng tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc xử lý nợ xấu, từ đó các ngân hàng mới mạnh dạn cho vay trong bối cảnh doanh nghiệp và nền kinh tế đang dựa chủ yếu vào nguồn vốn từ các nhà băng.