Ngân hàng dành nguồn lực đặc biệt cho dự án nông nghiệp xanh
Chia sẻ tại Hội thảo “Đưa nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài” ngày 14/9, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ - Bộ Công Thương, cho biết hiện nay, Việt Nam là nhà cung ứng trong Top 3 thế giới về cà phê, lớn thứ nhất về hạt điều, lớn thứ nhất về hạt tiêu, lớn thứ ba về gạo…
Về thị trường, 8 tháng năm 2023, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 21,9%, tăng 9,8%; trong khi Hoa Kỳ chiếm 20,6%, giảm 27,4% và Nhật Bản chiếm 7,6%, giảm 10,6%.
Đặc biệt, trong năm 2022, nhiều loại nông sản của nước ta như chuối tươi, khoai lang, tổ yến, bưởi, nhãn, chanh leo, sầu riêng… được cấp phép xuất khẩu sang các thị trường phát triển và có tiêu chuẩn cao trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu trái cây.
Trong số các sản phẩm nông sản, rau quả là một trong những điểm sáng trong các nhóm ngành hàng xuất khẩu của nước ta.
Dự báo cả năm 2023, nhiều khả năng xuất khẩu rau quả sẽ cán đích ở cột mốc lịch sử 5 tỷ USD.
Nông nghiệp xanh được xem là mô hình phát triển nông nghiệp chủ đạo trong tương lai |
Tăng sức cạnh tranh
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết Việt Nam có thế mạnh sản xuất nông nghiệp với hàng chục sản phẩm có sản lượng lớn, có thể kể đến như gạo với sản lượng trên 43 triệu tấn/năm, cà phê gần 1,9 triệu tấn/năm; rau khoảng 16 triệu tấn, 10 triệu tấn trái cây các loại, hơn 243.000 tấn hạt tiêu, 210.000 tấn chè khô, 1,33 triệu tấn cao su và 9,2 triệu tấn thuỷ sản mỗi năm.
Mặc dù nông sản, thực phẩm Việt Nam đã có mặt trên 190 quốc gia khắp thế giới, tuy nhiên, theo ông Hòa, phần lớn sản phẩm được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, sơ chế, chưa có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao và có thương hiệu riêng tiếp cận được các chuỗi phân phối quy mô lớn.
Mặt khác, kết cấu hạ tầng, tổ chức sản xuất nông nghiệp, hệ thống logistics theo chuỗi giá trị cung ứng nông sản tại Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu; chuyển giao, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số còn chậm. Yêu cầu kỹ thuật đối với nông sản ngày càng cao, gắn với phát triển xanh, bền vững (bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, phúc lợi xã hội…).
Cũng liên quan đến phát triển xanh, bà Hiền cho rằng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đang là xu hướng tất yếu tại hầu khắp các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
"Các quốc gia không chỉ điều chỉnh khung khổ pháp lý của mình với hàng loạt các luật, các quy định mới cụ thể hóa 2 mục tiêu trên mà còn lan tỏa đến cả các quốc gia, khu vực khác thông qua các cam kết chính trị mạnh mẽ tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và COP27", bà Hiền nói.
Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là EU lại đi tiên phong trong vấn đề này với việc ban hành hàng loạt đạo luật thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD). Giữa tháng 5 vừa qua, EU cũng đã ban hành đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Quy định này buộc các nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa.
Theo bà Hiền, chuyển đổi xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu đối với các doanh nghiệp nếu muốn đáp ứng yêu cầu, giữ vững và tiếp tục phát triển tại các thị trường xuất khẩu. Xu hướng này cũng đang dần hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu.
Ngân hàng dành nguồn lực đặc biệt để cho vay tài trợ các dự án xanh, nông nghiệp xanh
Để hạn chế những rủi ro tín dụng trong hợp tác/kinh doanh với doanh nghiệp tại EU nói riêng và nước ngoài nói chung, theo ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank, hiện nay, các doanh nghiệp cần lưu ý kiểm tra kỹ lưỡng thông tin về đối tác, rà soát kỹ hợp đồng.
Ngân hàng luôn ưu tiên cho vay các dự án xanh, nông nghiệp xanh |
Trước khi giao dịch, doanh nghiệp cần thu thập đầy đủ thông tin về đối tác, bao gồm tư cách pháp nhân, tình trạng tín dụng, khả năng giao hàng, uy tín của đối tác; sử dụng các hình thức thanh toán an toàn phù hợp với quan hệ đối tác (chuyển tiền bằng điện (TTR) trả trước, nhờ thu (D/A, D/P), ứng trước tiền hàng với giá trị lớn, L/C nhập khẩu...); doanh nghiệp cần tìm hiểu các nguyên tắc, thông lệ thanh toán quốc tế để hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan...
Theo ông Cường, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có kế hoạch kinh doanh phù hợp, nhạy bén kịp thời điều chỉnh để đáp ứng được các yêu cầu, quy định, tiêu chuẩn mới.
Bên cạnh đó, thị trường EU đang đặt ra những thách thức mới cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trong vấn đề đảm bảo sản xuất, thu thập báo cáo dữ liệu sản xuất khi ban hành nhiều quy định mới về tiêu chuẩn môi trường, phát triển bền vững, các quy định mới như Quy định số 2023/1115 về lưu thông và xuất khẩu một số sản phẩm liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng; cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU, tập trung vào hàng hóa như xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón và điện, hóa chất hữu cơ và nhựa.
“Vietcombank luôn dành nguồn lực đặc biệt để cho vay tài trợ các dự án xanh, chú trọng các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp xanh và xử lý môi trường bao gồm tài trợ vốn trung dài hạn. Gần nhất, vào tháng 3/2023, Vietcombank và Ngân hàng JBIC (Nhật Bản) đã ký kết hợp tác tài trợ vốn 300 triệu USD để hỗ trợ dự án năng lượng tái tạo”, ông Cường cho biết.