Ngân hàng đất nông nghiệp sẽ do ai quản lý?
PGS-TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, hiện nay, ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Thái Bình, Nam Định, Hải Dương… do tình trạng sử dụng đất nông nghiệp phân tán, manh mún, nhỏ lẻ nên chi phí “đầu vào” lớn, song giá thành nông sản thấp, bấp bênh vì sự không ổn định của thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, xảy ra tình trạng phổ biến đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhưng người nông dân không chuyển nhượng, cho thuê với tâm lý giữ đất như là “cuốn sổ bảo hiểm”.
Ảnh minh họa. |
Trong khi đó, để thực hiện quan điểm nhà nước “Có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không có đất sản xuất do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế được đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm”, Luật Đất đai năm 2013 quy định: Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Điều đó gây ra mâu thuẫn đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân bị bỏ hoang, sử dụng tài nguyên đất nông nghiệp lãng phí, kém hiệu quả; trong khi đó, tổ chức kinh tế nói chung và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng không thể tiếp cận được đất nông nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư trong nông nghiệp.
"Việc ra đời mô hình Ngân hàng đất nông nghiệp là một giải pháp để giải quyết mâu thuẫn, bất cập này tồn tại trên thực tế", ông Tuyến nhận định.
Theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Ngân hàng đất nông nghiệp có chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi quyền sử dụng đất nông nghiệp; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp.
Hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp không vì mục đích lợi nhuận, được nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Kinh phí hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp được cấp từ ngân sách nhà nước; ứng từ quỹ phát triển đất hoặc quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác được ủy thác; vay từ các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; huy động vốn của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác theo quy định của pháp luật để thực hiện việc tạo lập quỹ đất nông nghiệp.
Luật sư Phạm Hồng Điệp, Đoàn Luật sư Hải Phòng phân tích, mô hình này đã đem lại hiệu quả đáng kể cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai khi đảm bảo được “tính linh hoạt” cao. Ngân hàng đất nông nghiệp đóng vai trò trung gian kết nối người mua với người bán, người thuê với người cho thuê đất.
Như vậy, Ngân hàng đất nông nghiệp ra đời như một cơ quan trung gian, ai cần bán, cho thuê thì "ngân hàng đất nông nghiệp" sẽ thu gom đất đai để cung cấp cho những tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất, điều này đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phần nào khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa như hiện nay.
Cũng như nhiều chuyên gia đồng thuận với việc cho ra đời một Ngân hàng đất nông nghiệp và học hỏi theo kinh nghiệm nhiều quốc gia đi trước. Tuy nhiên, PGS-TS. Nguyễn Quang Tuyến băn khoăn: Khoản 1 Điều 124 dự thảo quy định “Ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp” nhưng lại chưa đề cập cụ thể hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp sẽ chịu sự điều chỉnh của luật nào? Cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền thành lập Ngân hàng đất nông nghiệp và hoạt động của mô hình Ngân hàng đất nông nghiệp chịu sự quản lý nhà nước của bộ, ngành nào. Đây là vấn đề mà ban soạn thảo cần cân nhắc, bổ sung.
Đại diện nhóm làm việc về đầu tư có trách nhiệm trong nông nghiệp, TS. Nguyễn Anh Phong, Giám đốc AGROINFO đề xuất, cần chi tiết hóa chức năng Ngân hàng đất nông nghiệp trong Luật Đất đai.
Cụ thể, ông đề xuất 4 chức năng chính của ngân hàng này bao gồm: Có chức năng trao đổi quyền sở hữu các thửa ruộng nằm cách xa nhau để các chủ đất chỉ sở hữu một mảnh đất với diện tích lớn; Có chức năng cho thuê lại đất được nhận ủy thác của người sở hữu đất nông nghiệp; Cung cấp các khoản vay ưu đãi cho những người muốn thuê và mua đất nông nghiệp. Đồng thời, Ngân hàng đất nông nghiệp có chức năng hỗ trợ các chủ sở hữu đất qua việc được miễn các loại thuế có liên quan, đảm bảo sự công bằng giữa nông dân có đất ủy thác và người thuê lại đất từ ngân hàng.
Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất cần bổ sung quy định chi tiết về cơ chế tổ chức, cách thức vận hành Ngân hàng đất nông nghiệp trong nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sửa đổi.