Ngân hàng đối mặt áp lực nợ xấu tăng
Sớm luật hóa quy định về xử lý nợ xấu Tập trung xử lý nợ xấu - giải pháp hiệu quả bảo đảm nguồn tín dụng ổn định và tăng trưởng cho nền kinh tế Để thúc đẩy mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường |
Mới đây, NHNN cũng lưu ý về tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản (BĐS) đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Nếu như tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực này vào cuối tháng 6/2022 là 1,53% thì đến tháng 6/2023 đã tăng lên mức 2,47%. Con số nợ xấu trên cũng chưa phản ánh đúng tình hình thực tế bởi một lượng lớn nợ xấu đã được “ẩn” nhờ Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Theo NHNN, tính tới 30/6/2023, đã có trên 18.800 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Tổng dư nợ gốc lãi được cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ là gần 62.500 tỷ đồng.
Nguy cơ nợ xấu tăng cũng đã được dự báo ngay từ đầu năm 2023 trước bối cảnh diễn biến kinh tế toàn cầu suy giảm, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, các điều kiện sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp và hoạt động của doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn.
Một áp lực khác lên hệ thống ngân hàng được các chuyên gia lưu ý ở giai đoạn này đó là tỷ lệ bao phủ nợ xấu đang giảm nhanh, nói cách khác là số dư trích lập dự phòng rủi ro tăng chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng của tổng nợ xấu. Tính đến cuối tháng 6/2023 tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống còn 99,4% từ mức từ mức 143% hồi đầu năm. Điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên việc tăng trích lập dự phòng và làm suy giảm lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong các quý tới. Nhất là trong bối cảnh hoạt động kinh doanh ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn do tín dụng tăng trưởng chậm, NIM thu hẹp, cộng thêm áp lực tăng dự phòng rủi ro khiến cho ngân hàng khó chồng khó.
Trong 29 ngân hàng được thống kê thì chỉ có 3 ngân hàng cải thiện được tỷ lệ này là Vietcombank, Kienlongbank và SHB. Trong đó, Vietcombank là ngân hàng ghi nhận sự cải thiện mạnh mẽ nhất, tăng 70%. Kienlongbank và SHB tăng nhẹ 4%. MB là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu suy giảm mạnh nhất, từ 238% xuống còn 156%; ACB giảm từ 159% về 116%... Điều đó cho thấy mức độ tăng của nợ xấu đang cao hơn tăng dự phòng rủi ro các ngân hàng.
Đến thời điểm hiện tại, tuy nợ xấu vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng mức độ rủi ro của doanh nghiệp bị đánh giá cao hơn, khả năng trả nợ suy giảm, các ngân hàng đang lo ngại nợ xấu tiếp tục dềnh lên trước diễn biến kinh tế các nước lớn như Mỹ, EU... vẫn chưa được cải thiện. Khi xuất khẩu hàng hoá vẫn còn trong tình trạng suy giảm, doanh nghiệp không có đơn hàng gây nhiều hệ luỵ. Chẳng hạn, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không chỉ không trả nợ được cho ngân hàng mà cả đối với các nhà cung cấp cũng bị ảnh hưởng dây chuyền. Thực tế này buộc các ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tiềm ẩn xấu. "Trong điều kiện thuận lợi một khoản vay cho dù không thỏa mãn hết các điều kiện, nhưng nếu khách hàng vẫn bán được hàng, các khoản vay vẫn được xử lý. Còn trong tình trạng mọi thứ dừng lại như bây giờ mọi việc trở nên rủi ro nhiều. Theo đó, nợ xấu nguy cơ tăng mạnh và thực sự trở thành thách thức lớn đối với ngân hàng", lãnh đạo một ngân hàng bày tỏ lo ngại.
Trong điều kiện như hiện tại, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, phải cân bằng hai nhiệm vụ chính là tìm cơ hội thúc đẩy hoạt động kinh doanh và kiểm soát rủi ro, trong đó kiểm soát nợ xấu là một trong những ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh chuyển dịch cơ cấu hoạt động theo hướng bền vững, kiểm soát chất lượng nợ, các ngân hàng tăng cường thực hiện các biện pháp thu hồi và xử lý nợ để cải thiện năng lực tài chính, tăng nguồn lực dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.
Một trong những giải pháp được các ngân hàng lựa chọn nhiều nhất đó là tiếp tục đẩy mạnh rao bán thanh lý TSĐB các khoản nợ xấu. Tuy nhiên, công tác xử lý tài sản thu hồi nợ của các ngân hàng đang gặp khó do thị trường BĐS rơi vào trầm lắng. Do đa phần TSĐB các khoản nợ xấu là BĐS nên khi thị trường suy giảm khiến cho việc xử lý nợ qua hình thức này đối mặt nhiều khó khăn.
Ngoài yếu tố thị trường, việc xử lý TSĐB, thu hồi nợ của các ngân hàng còn gặp nhiều cản trở như khách hàng có nợ xấu bất hợp tác, khó thương lượng. CEO một ngân hàng lớn đề nghị cần có chính sách bảo vệ quyền và lợi ích của ngân hàng. Hiện ngân hàng cho vay cũng đang chịu nhiều rủi ro nhất, do đó cơ quan quản lý cũng cần có những quy định về quyền đòi nợ, xử lý nợ. "Ngân hàng có quyền đòi nợ, người đi vay phải có trách nhiệm trả nợ. Do đó, ngân hàng mong muốn Quốc hội và Chính phủ luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý TSĐB để tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng triển khai thu hồi nợ an toàn, hiệu quả", vị này đề xuất.
Trước bối cảnh nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro tiếp tục tăng, việc Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu các TCTD hết hiệu lực từ cuối năm 2023 đặt ra nhu cầu cấp thiết tiến tới xây dựng Luật Xử lý nợ xấu để không tạo khoảng trống pháp lý trong hoạt động này. Mặt khác, giúp ngân hàng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, cũng như duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 3%. Nếu không sớm có giải pháp kiềm chế, xử lý nhanh, hiệu quả, các khoản nợ xấu tăng lên, vòng luẩn quẩn xử lý nợ xấu sẽ lặp lại, gây ách tắc nguồn vốn trong nền kinh tế, kìm hãm tăng trưởng trong giai đoạn kế tiếp.