Ngân hàng hợp tác kích cầu đầu tư
Cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt thị trường Lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức thấp |
Động lực hợp tác liên kết cho vay ưu đãi
Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC), để cụ thể hóa các nội dung của Quyết định 42/2024/QĐ-UBND (Quyết định 42) về chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn, từ đầu tháng 8 vừa qua, HFIC đã phối hợp với các ngành sở tại để triển khai các nội dung, quy trình thực hiện các chính sách ưu đãi.
Theo đó, HFIC vừa làm việc với Sở Y tế ghi nhận và bàn các giải pháp cho vay kích cầu đầu tư đối với các dự án đầu tư lĩnh vực y tế. Hiện HFIC đã và đang xem xét hồ sơ vay vốn của khoảng 10 dự án và đã có dự án được đơn vị này đồng ý cho vay. Đại diện HFIC cho biết, trong thời gian còn lại của quý III và quý VI/2024, tổng công ty này sẽ tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để triển khai cho vay theo Quyết định 42/2024/QĐ-UBND.
Riêng về hoạt động huy động nguồn vốn để cho vay theo chương trình này, ông Thanh cho biết, Quyết định số 42 là quyết định cụ thể hóa chủ trương ưu đãi đầu tư theo Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND của HĐND TP. Hồ Chí Minh, đồng thời hiện thực hóa các nội dung về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.
Vì thế, tất cả các sở, ngành chức năng đều vào cuộc rất tích cực. Đến hiện nay, các kế hoạch bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương sang Kho bạc Nhà nước đã được các sở ngành cơ bản hoàn thành, đảm bảo có thể giải ngân cho các chủ đầu tư khi có dự án được duyệt.
Về tiềm lực vốn, HFIC được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 98/2023/QH15, nên trong thời gian tới nguồn vốn để cho vay kích cầu đầu tư có thể tăng thêm rất mạnh khi đơn vị được bố trí thêm các nguồn thu từ cổ phần hóa các DNNN trên địa bàn (dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, để đa dạng hóa nguồn cung ứng vốn cho các doanh nghiệp tham gia chương trình, thời gian qua HFIC đã chủ động phối hợp với các TCTD tại địa bàn để cùng triển khai tài trợ vốn vay.
Đơn cử, cuối tháng 5 vừa qua HFIC và Agribank đã ký thỏa thuận triển khai chương trình cho vay hợp vốn đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, hai bên thống nhất sẽ xem xét quyết định về tỷ lệ tham gia cấp tín dụng hợp vốn cho từng dự án. Chi nhánh Agribank quận Phú Nhuận được giao làm đầu mối triển khai các sản phẩm cho vay hợp vốn giữa Agribank và HFIC đồng thời triển khai các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng theo nhu cầu của mỗi bên.
Cơ hội cho cả ngân hàng và doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế, so với chương trình cho vay kích cầu đã thực hiện trong giai đoạn trước, chính sách hỗ trợ lãi suất lần này có nhiều điểm mới thuận tiện và ưu việt hơn.
Cụ thể, mức hỗ trợ lãi suất cho vay được quy định từ 50-100%; hạn mức cho vay tối đa tăng gấp đôi (200 tỷ đồng); thời gian hỗ trợ kéo dài đến 7 năm. Trong đó, đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao… ngân sách địa phương hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn (kể cả phần vốn đầu tư công trình xây dựng và vốn đầu tư công nghệ và thiết bị). Đây là những ưu đãi rất mạnh mẽ từ ngân sách địa phương.
Ngoài ra, theo ông Nam, các quy trình, biểu mẫu, điều kiện vay vốn được tinh giản; doanh nghiệp cũng được phép vay cùng lúc cho nhiều dự án hoặc kết hợp nhiều nguồn vốn trong cơ cấu tài chính của dự án và được sử dụng tài sản hình thành trong tương lai để thế chấp là những cởi mở rất thuận lợi.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nhận định, chính sách ưu đãi cho vay kích cầu đầu tư đối với các lĩnh vực, dự án ưu tiên của UBND thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống TCTD mở rộng tăng trưởng tín dụng hiệu quả; phát huy tối đa hiệu ứng lan tỏa của nguồn vốn hỗ trợ lãi suất phục vụ sản xuất kinh doanh.
Đối với ngành Ngân hàng thành phố, trong 7 tháng vừa qua nguồn vốn tín dụng chủ yếu tập trung vào nhóm các lĩnh vực ưu tiên và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Các ngân hàng trên địa bàn cũng đã tổ chức 26 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và cho vay hơn 300.000 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế.
Vì thế, khi địa phương đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất cho các dự án ưu tiên lĩnh vực công và các ngành nghề sản xuất kinh doanh có thế mạnh, các ngân hàng sẽ có thêm động lực để hợp tác, triển khai mở rộng các sản phẩm, dịch vụ. Từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương các tháng cuối năm 2024 và năm 2025.