Ngân hàng kích cầu tiêu dùng
Kinh tế quý III/2020 đã bắt đầu hồi phục, tạo đà thuận lợi cho sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế năm 2020 dựa trên các yếu tố tâm lý lạc quan và nhu cầu mua sắm dịp cuối năm tăng lên dự kiến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý IV/2020. Các chuyên gia nhận định, bên cạnh những tín hiệu tích cực trên, cùng việc nhiều quốc gia trên thế giới mở cửa trở lại nền kinh tế, cộng thêm động thái cắt giảm lãi suất mới nhất của NHNN và các ngân hàng tung ra nhiều chương trình tín dụng tiêu dùng với lãi suất thấp được kỳ vọng tạo cú hích tín dụng tiêu dùng tăng trở lại góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tăng trưởng kinh tế.
Kỳ vọng trên hoàn toàn có cơ sở. Theo số liệu thống kê tài chính, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III/2020 ước đạt 1.305,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với quý 2 và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính riêng tháng 9, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,7% so với tháng 8. Những dấu hiệu khởi sắc này cho thấy sức cầu mạnh mẽ của thị trường gần 100 triệu dân đang trên đà phục hồi.
Ảnh minh họa |
Đón đầu cơ hội phục hồi, các ngân hàng đã tung ra hàng loạt gói tín dụng cá nhân phương thức vay linh hoạt, giải ngân nhanh nhất với lãi vay khá mềm để kích thích nhu cầu vay vốn, hỗ trợ kích cầu tiêu dùng nội địa như lãi suất vay mua nhà tại MSB chỉ từ 6,99%/năm, áp dụng đến hết 31/12/2020; LienVietPostBank cho vay tiêu dùng khách hàng cá nhân với lãi suất chỉ từ 7,9%/năm…
Thực tế là nhu cầu vay tiêu dùng trong thời gian gần đây đang có sự cải thiện khá tích cực. Chị Lê Thanh ở Nguyễn Trãi cho biết, sau khi tham khảo thông tin được biết chủ đầu tư dự án chung cư tại quận Thanh Xuân giảm giá mỗi căn hộ từ 200 – 300 triệu đồng, chị bàn tính với chồng tranh thủ cơ hội mua nhà đẹp với giá tốt. Tuy nhiên, do khoản tiền gửi tiết kiệm chưa đến ngày đáo hạn nên anh bị thiếu khoảng 600 triệu đồng để mua căn hộ này. Thấy vậy, nhân viên ngân hàng đã tư vấn chị thế chấp sổ tiết kiệm để vay vốn. Với giấy tờ chứng minh thu nhập rõ ràng, nhất là sổ tiết kiệm gửi tại ngân hàng, nên hồ sơ vay vốn nhanh chóng phê duyệt đơn xin vay của chị, điều mà chị phấn khởi nhất là lãi suất vay chỉ 5,99%/năm. “Đây là mức lãi suất trong mơ đối với những người vay mua nhà như tôi. Nếu chỉ dùng tiền tiết kiệm thì không biết đến bao giờ tôi mới đủ tiền”, chị Thanh bày tỏ.
Trường hợp như chị Lê Thanh thời điểm này khá phổ biến. Nhiều gia đình, nhất là gia đình trẻ đang tranh thủ giá nhà hạ nhiệt, đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để mua một căn nhà như mong muốn. Việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay kích cầu tiêu dùng, theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính - ngân hàng, là động thái hợp lý; nhất là cho vay tiêu dùng cho vay mua nhà thế chấp bằng sổ tiết kiệm rủi ro rất thấp nên các ngân hàng mạnh dạn cho vay lãi suất thấp. Mặc dù thời điểm này cho vay tiêu dùng hấp dẫn hơn so với cho vay DN, nhưng TS. Hiếu vẫn khuyến nghị các ngân hàng vẫn nên thận trọng khi cho vay. “Các ngân hàng nên chọn lựa đối tượng, phân khúc khách hàng rủi ro thấp, chứ không nên chạy theo lợi nhuận để cố gắng cho vay bằng mọi cách. Bởi tín dụng tiêu dùng vẫn khá rủi ro vì công việc người lao động vẫn bấp bênh, thu nhập giảm do ảnh hưởng dịch, dự trữ tiền mặt cũng mỏng hơn. Nên nếu vay vốn không sử dụng đúng mục đích, đầu tư vào kênh đầu tư nóng nguy cơ thua lỗ cao, người vay mất khả năng trả nợ, tạo gánh nặng cho ngân hàng”, TS. Hiếu lưu ý thêm.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng đồng thời đẩy lùi được tín dụng đen. Mặc dù tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam tăng nhẹ hơn so với cuối năm 2019. Đến cuối tháng 7/2020, tăng trưởng tín dụng phục vụ đời sống có phục hồi nhẹ 2,25% so với cuối năm trước và chiếm 20,09% tổng dư nợ. Nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức phổ biến 40 - 50% ở các nước phát triển. Ông Phạm Xuân Hòe – nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, theo thông lệ dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức vào khoảng 40%/tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Do đó dư địa của thị trường tài chính tiêu dùng sẽ còn khá lớn.
Về định hướng cho vay tiêu dùng, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, NHNN không hạn chế tín dụng tiêu dùng nên các ngân hàng có thể thúc đẩy cho vay tiêu dùng, thậm chí còn giảm lãi suất để thúc đẩy cho vay. Bởi vì thúc đẩy tiêu dùng là một trong những ưu tiên của Chính phủ. Nhưng nếu cho vay tiêu dùng núp dưới cho vay đầu cơ, đầu tư BĐS thì NHNN kiểm soát rất chặt chẽ và xử lý nghiêm nếu ngân hàng nào vi phạm.
Trong chỉ đạo triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm, NHNN yêu cầu các TCTD, đặc biệt là công ty tài chính tiêu dùng, Agribank... triển khai mạnh mẽ các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp với quy định của pháp luật.