Ngân hàng luôn sát cánh cùng doanh nghiệp ĐBSCL
Cuối tuần qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng - trưởng Đoàn công tác của Chính phủ, gồm đại diện các Bộ, ngành làm việc trực tiếp tại tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long nhằm kịp thời nắm bắt cụ thể các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đầu tư và xuất nhập khẩu tại địa phương.
Nhờ ngân hàng doanh nghiệp mới trụ được
Theo báo cáo của các địa phương, trong 4 tháng đầu năm nay, áp lực lạm phát và xu hướng tăng lãi suất của các NHTW trên thế giới đã làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng, dẫn đến xuất khẩu sụt giảm mạnh, từ đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Quý I hàng năm đơn hàng của doanh nghiệp tới rất nhiều, nhưng năm nay nhiều đơn vị còn không có đơn hàng mới.
Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP đầu tư chế biến dừa Bến Tre đánh giá cao việc NHNN từ đầu năm đến nay đã hai lần giảm một số mức lãi suất điều hành, là cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. “Đặc biệt là các NHTM nhà nước đã đi đầu trong việc giảm lãi suất, ổn định thị trường. Chúng tôi là khách hàng của Agribank, BIDV nếu không có hai ngân hàng này tôi cũng không trụ vững đến ngày hôm nay” – ông Đức nói và cho biết thêm, mặt hàng nông sản có tính thời vụ, nên ngân hàng cần đáp ứng vốn vay cho doanh nghiệp đúng thời điểm sẽ giúp nhà máy thu mua sản phẩm của nông dân trữ vào kho để chế biến dần. Nếu doanh nghiệp không có vốn để thu mua thương lái sẽ tràn vào ép giá người trồng, đẩy giá nguyên liệu xuống thấp. Ông Đức kiến nghị ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ DN giảm chi phí để nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị nông - thủy sản xuất khẩu |
Ông Cao Minh Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thảo (Vĩnh Long) thì đề cập tới một khó khăn khác: Đất nông nghiệp bị định giá chỉ khoảng 60 triệu đồng/ha nên khi lấy làm tài sản thế chấp thì số vốn được vay không bao nhiêu. Trong khi vốn bình quân đầu tư một ha dứa hiện nay khoảng 300 triệu đồng và doanh nghiệp thu mua dứa phải đầu tư cho nông dân. “Tôi mong muốn ngân hàng khi cho người nông dân vay vốn giảm bớt yêu cầu tài sản đảm bảo bằng đất đai, có thể sử dụng phương án khác, miễn là bên vay chứng minh được khả năng trả nợ. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả trái cây như chúng tôi không phải chi tiền ra đầu tư quá lớn cho nhà nông trồng cây trái bán cho mình” – ông Quốc đề nghị.
Không trong tình trạng thiếu đơn hàng như các ngành khác, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc CTCP tập đoàn XNK trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cho biết, đối với xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đơn hàng rất tốt. Hiện doanh nghiệp đang cần ngân hàng hỗ trợ vốn đầu tư trung dài hạn với lãi suất dưới 10% để xây dựng nhà máy và hỗ trợ vốn lưu động với lãi suất khoảng 5-7% để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Tín dụng thu mua tạm trữ lúa gạo luôn tăng cao
Phát biểu tại các buổi làm việc, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, hiện nay dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn trên cả nước đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ, trong đó riêng ĐBSCL dư nợ cho vay trên 562 ngàn tỷ đồng, chiếm 19% dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt tại ĐBSCL từ đầu năm 2023 đến nay cho vay thu mua lúa gạo tăng 14%, riêng Vĩnh Long cho vay thu mua lúa gạo tăng 12% - cao hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn Ngành.
Liên quan tới những nội dung như cho vay theo chuỗi, đầu tư cho vay công nghiệp chế biến sâu, mở rộng quy mô diện tích sản xuất HTX… bà Giang cho biết, đây đều là các chính sách được Chính phủ ưu tiên. NHNN đã và đang hiện nhiều chương trình, chính sách ưu đãi cho vay. Các chương trình này đặc biệt hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ chương của Chính phủ. Bên cạnh các chương trình cho vay ưu đãi, gần đây NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN, Thông tư 03/2023/TT-NHNN thực hiện các chính sách giãn nợ, kéo dài thời gian trả nợ nhằm hỗ trợ cho người dân doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh...
Về đầu tư tín dụng, trong đó bốn NHTM nhà nước có thị phần lớn nhất ở các tỉnh ĐBSCL đã dành nhiều nguồn lực cho động lực sản xuất nông sản đứng đầu cả nước. Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho biết, trong những ngày tới, ngân hàng này sẽ tổ chức hội nghị gia hạn nợ và tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho khoản vay mới; và giảm từ 1-1,5% lãi suất đối với những khoản vay hiện hữu.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành VietinBank cho biết, ngân hàng xác định “cùng tiến, cùng lùi” với doanh nghiệp, bốn NHTM nhà nước đã và tiếp tục hy sinh một lượng lớn lợi nhuận để chia sẻ với doanh nghiệp.
Đại diện các bộ ngành tham gia đoàn công tác đánh giá cao các mô hình kinh tế ở ĐBSCL, như mô hình liên kết phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp nông thôn. Trong quá trình triển khai chính sách, ở mỗi địa phương sẽ phát sinh những vấn đề khác nhau. Do đó, nếu vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ ngành sẽ có giải quyết nhanh chóng, nếu vượt thẩm quyền bộ ngành sẽ kiến nghị cấp cao hơn để phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
Phát biểu kết luận các buổi làm việc, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định, sản phẩm chủ lực phát triển của các tỉnh ĐBSCL là nông thủy sản, cơ cấu kinh tế của các địa phương hướng vào xuất khẩu. Khi các nền kinh tế lớn trên thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ, sức cầu giảm, đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trên địa bàn, điều này cũng là vấn đề của cả nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc lại là quốc gia không thắt chặt chính sách tiền tệ như các nước khác thời gian qua, thị trường xuất khẩu lại phù hợp với hàng hóa Việt Nam nên chúng ta cần khai thác tốt thị trường này.
Thống đốc cũng đề nghị các địa phương cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động có các giải pháp để khắc phục khó khăn, tồn tại phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương để khơi thông nguồn lực và tập trung vào 3 nguồn lực tăng trưởng, đó là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư. Trong đó, đặc biệt là vấn đề xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung khai thác, vận dụng, phát huy hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.
Liên quan tới các kiến nghị của cộng đồng DN ở các địa phương, Thống đốc cũng yêu cầu đầu mối đoàn công tác từ các bộ, ngành rà soát những kiến nghị nào đã giải quyết, đã giải thích, kiến nghị nào đã cam kết thực hiện, kiến nghị nào chưa cần tiếp tục thực hiện. Nếu các Bộ ngành cần báo cáo lên Chính phủ thì cũng ghi cụ thể kiến nghị này cần giải quyết trong thời gian bao lâu, những kiến nghị như xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, thay đổi các quy định, thì các đồng chí cũng ghi rõ đơn vị đầu mối để đoàn công tác hoàn thành báo cáo gửi Bộ kế hoạch - Đầu tư trước 20/5.
Về phía NHNN, Thống đốc khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt uyển chuyển, sử dụng linh hoạt các công cụ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ ngoại hối cũng như đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Về các kiến nghị liên quan đến lãi suất, Thống đốc cho biết, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình kinh tế nếu điều kiện thuận lợi cho phép sẽ điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Thống đốc cũng kêu gọi các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, hỗ trợ doanh nghiêp, người dân tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh thời gian tới.