Ngân hàng nỗ lực kích cầu tín dụng, nhưng không thể hạ chuẩn
Tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân Thu hồi nợ khó khăn ảnh hưởng đến phát triển tín dụng tiêu dùng Gỡ cơ chế, gói 120 nghìn tỷ đồng mới có thể “hút khách” |
Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 31/10/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022 vẫn còn cách xa mục tiêu 14% từ đầu năm. Điều này trái ngược hoàn toàn so với năm trước giai đoạn cuối năm nhiều ngân hàng thậm chí còn thiếu room tín dụng để cho vay khách hàng. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Lý giải tín dụng tăng trưởng thấp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, do hậu quả của dịch COVID-19 trong 2 năm liên tiếp đã khiến các doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Dẫu cho ngành Ngân hàng đã đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng với các doanh nghiệp, cụ thể như giảm lãi suất, cơ cấu nợ, điều chỉnh thời hạn nợ, cho vay mới… song bản thân doanh nghiệp không còn nguồn lực. Doanh nghiệp vẫn còn nợ trong khi không còn tài sản bảo đảm, hợp đồng đầu ra không chắc chắn thì ngân hàng không thể cho vay tiếp. Nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không có khả năng tài chính cũng như quản trị dòng tiền, quản trị sản xuất kinh doanh… nên không đáp ứng đủ điều kiện cho vay. “Chính vì vậy, mặc dù rất hỗ trợ nhưng rõ ràng nếu doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện thì ngân hàng cũng không thể cho vay được”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nêu rõ.
Các ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng, kích cầu tín dụng |
Lãnh đạo một ngân hàng cũng bày tỏ, ngân hàng có thể chia sẻ, tháo gỡ khó khăn nhưng không thể hạ chuẩn điều kiện cho vay. Mọi điều kiện, nguyên tắc, thủ tục cho vay phải theo đúng quy định. Nếu không lại đẩy rủi ro về tương lai, gánh nặng lên vai ngân hàng rất lớn.
Để hỗ trợ khách hàng, trong thời gian qua, các ngân hàng rất tích cực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng đồng thời tăng tốc cho vay giai đoạn cao điểm kinh doanh cuối năm. Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp của HDBank cũng cho hay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng không chỉ là mong mỏi của các doanh nghiệp, mà còn là trách nhiệm và nỗ lực của các NHTM. Trong bối cảnh đó, HDBank đã nỗ lực thực thi các yêu cầu của cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, ngân hàng đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thực hiện hồ sơ, thủ tục để các doanh nghiệp tiếp cận các gói vay ưu đãi.
Ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng Ban Chính sách tín dụng Agribank cho biết ngân hàng xác định luôn đồng hành cùng khách hàng. Từ đầu năm đến tháng 10/2023, Agribank đã 7 lần giảm lãi suất cho vay. Theo đó, sàn lãi suất cho vay ngắn hạn giảm 1,3-4%/năm, tùy từng lĩnh vực. Sàn lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 0,3-1,5%/năm. Theo ông Bách, thời gian qua, Agribank đã giảm lãi suất trực tiếp đối với 440.000 tỷ đồng dư nợ hiện hữu, với tổng số tiền lãi đã giảm khoảng 850 tỷ đồng cho 1,7 triệu khách hàng. Đến ngày 31/10, nhà băng này đã thực hiện hỗ trợ lãi suất với gần 10.000 lượt giải ngân, doanh số cho vay đạt trên 14.000 tỷ đồng… Từ đầu năm đến nay, Agribank liên tục triển khai 8 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất hướng tới đối tượng khách hàng là doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên và tiêu dùng cá nhân với quy mô gần 200.000 tỷ đồng, mức lãi suất thấp hơn từ 2-3%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Về việc tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, ngân hàng cũng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó, đến ngày 31/10/2023, Agribank đã cơ cấu nợ hơn 34.000 tỷ đồng.
VietinBank mới đây tiếp tục hạ lãi suất cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) xuống chỉ còn 5,9%/năm, dành cho các khoản vay có kỳ hạn đến sáu tháng bằng tiền đồng, phát sinh mới trong khoảng thời gian từ nay đến hết 31/12/2023. Theo thông tin từ NHNN, lãi suất bình quân của những khoản vay mới đã giảm khoảng 2-2,2 điểm phần trăm, vượt kỳ vọng của nhà điều hành. Trong đó, lãi suất cho vay bình quân tại bốn NHTM quốc doanh đã xuống còn khoảng 6%/năm. Đơn cử như tại Vietcombank, mức lãi suất cho vay trung bình của tất cả khoản cho vay ngắn, trung, dài hạn trước đây, cũng như các khoản cho vay mới hiện nay chỉ là 5,94%/năm; so với cuối năm 2022 đã giảm 1,75% và so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm 0,29 điểm phần trăm. Hay như tại BIDV, lãi suất cho vay trung bình là 6,46%/năm; so với cuối năm ngoái đã giảm 2,59%... Mới đây, BIDV tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay khách hàng cá nhân chỉ còn từ 5,4%/năm đối với các khoản vay kỳ hạn dưới sáu tháng hoặc từ 6,4%/năm với khoản vay từ 6-12 tháng.
Giới chuyên môn ghi nhận những nỗ lực của ngân hàng. Một doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, có lẽ chưa bao giờ lãi suất cho vay đồng VND lại sát với lãi suất USD như bây giờ. Không chỉ lãi suất cho vay VND thấp. Lãi suất vay USD cũng thấp. “Các ngân hàng cho doanh nghiệp tôi vay USD lãi suất từ 3-4%/năm, trong khi để tiếp cận nguồn vốn USD từ ngân hàng ở nước ngoài lên đến 6,5%/năm, chưa kể các loại phí”, đại diện doanh nghiệp này thông tin thêm.
Một chuyên gia ngân hàng cũng khẳng định, mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhưng do sức cầu tiêu thụ yếu nên doanh nghiệp chưa mặn mà vay vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Còn khách hàng cá nhân, cũng do kinh tế khó khăn, thu nhập sụt giảm nên phải tính kỹ bài toán vay vốn.
Ông Trần Hoài Phương kỳ vọng thị trường cuối năm sẽ khởi sắc hơn và ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Từ nay đến cuối năm, Việt Nam có lợi thế trong các thị trường quan trọng như gạo, cà phê… Nhiều doanh nghiệp đang tập trung vào lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản. Lúc này doanh nghiệp với ngân hàng đến với nhau như những người bạn. Doanh nghiệp với ngân hàng hay nói rõ ràng, để hai bên hiểu nhau hơn. “Chúng ta hay tin nhau hơn, hay dám thể hiện với nhau. Doanh nghiệp phải mạnh dạn chia sẻ còn ngân hàng phải lắng nghe nhiều hơn”, ông Trần Hoài Phương bày tỏ.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Phú Trường – Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh nhìn đâu cũng thấy khó, doanh nghiệp phải chủ động nhiều hơn vì rủi ro ngày càng nhiều. “Tất cả các bên phải đồng lòng cùng nhau tìm giải pháp”, ông Trường nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ chỉ đạo các địa phương mở rộng, đẩy mạnh và phát triển Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa để doanh nghiệp có thể đồng hành cùng ngân hàng. Đồng thời bảo lãnh cho các doanh nghiệp khó khăn, thiếu điều kiện vay vốn được tiếp cận vốn tín dụng để có thể phát triển đồng bộ, hỗ trợ giải quyết vấn đề tài chính cho doanh nghiệp.