Ngân hàng "ở nhà" cùng bạn
Trước bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và nhằm triển khai Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ, NHNN đã chỉ đạo Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tiếp tục triển khai chính sách giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử năm 2021. Thực hiện chỉ đạo của NHNN, NAPAS tiếp tục triển khai chương trình giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử lần thứ hai trong năm 2021.
Theo đó, NAPAS giảm từ 50% đến 75% phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ so với mức phí hiện hành, áp dụng từ ngày 1/8/2021 đến cuối năm 2021. Những con số này không chỉ tác động tới hoạt động kinh doanh của các NHTM mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến số dư trên tài khoản của bạn, nhất là trong bối cảnh rất nhiều người trong chúng ta đang phải thực hiện giãn cách xã hội - ở nhà với nhiều chi phí được thanh toán online.
Ảnh minh họa |
NAPAS hiện đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch kết nối liên thông hơn 19.200 máy ATM, hơn 300.000 máy POS phục vụ gần 90 triệu chủ thẻ; Cung cấp hạ tầng kết nối thanh toán cho hơn 40 đơn vị trung gian thanh toán và hơn 200 doanh nghiệp trong các lĩnh vực vận tải, hàng không, viễn thông, bảo hiểm; với sự tham gia của 54 tổ chức thành viên là ngân hàng trong nước/quốc tế và tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam.
Chính sự kết nối, dịch vụ chuyển mạch của NAPAS giúp cho các thao tác trên dịch vụ ngân hàng điện tử của hàng chục triệu khách hàng (dù mở tài khoản tại bất cứ NHTM nào), với rất nhiều giao dịch chằng chéo, qua lại giữa các NHTM, các đơn vị cung cấp dịch vụ, các sàn thương mại điện tử… được thực thi tức thì, 24/7 và có kết quả trong vài giây.
Hãy hình dung, một cú click chuột cho việc thanh toán hóa đơn, chuyển tiền hay bất cứ dịch vụ nào làm biến động số dư trên tài khoản thanh toán, trên ví điện tử của bạn đều sẽ “chạy qua” hệ thống của NAPAS và đến đúng đích chỉ trong vài giây. Muốn vậy, các NHTM, đơn vị tham gia mạng lưới chuyển mạch này phải trả phí cho NAPAS. Do đó, khi NAPAS giảm mạnh phí chuyển mạch tài chính - cơ sở để các ngân hàng miễn, giảm phí dịch vụ.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Kinh doanh NAPAS cho biết: Trong năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, NAPAS đã thực hiện ba lần giảm phí dịch vụ với tổng số tiền giảm phí lên tới 530 tỷ đồng. Việc tiếp tục giảm phí dịch vụ của NAPAS trong năm 2021 nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát…
Khi NAPAS công bố giảm phí dịch vụ chuyển mạch và thanh toán bù trừ nhiều NHTM đã lập tức công bố tiếp tục miễn, giảm nhiều loại phí dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán. Đơn cử, từ 1/8/2021 Vietcombank áp dụng chính sách: Giảm đến 80% phí chuyển tiền trong cùng hệ thống và 25% phí chuyển tiền ngoài hệ thống; Giảm đến 33% phí các Gói tài khoản, áp dụng cho các Gói tài khoản VCB Eco và VCB Plus; Giảm 17% phí rút tiền mặt tại ATM ngoài hệ thống Vietcombank…
Đã có NHTM lớn tính toán: với lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử hiện tại, việc miễn giảm phí sẽ khiến ngân hàng này giảm đến hơn 500 tỷ đồng doanh thu từ dịch vụ. Không những vậy, chủ trương miễn giảm phí dịch vụ để hỗ trợ khách hàng mà NHNN đưa ra vô hình trung thúc đẩy cuộc đua giữ và giành khách hàng trên môi trường ngân hàng số. Cùng với việc tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số tiện ích, các ngân hàng đã và đang áp dụng nhiều chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội dài ngày đã khiến cuộc đua “ngân hàng ở nhà cùng bạn“ ngày càng hấp dẫn. Trong cuộc đua này, khách hàng chính là những người hưởng lợi trước tiên, bất kể ai thắng. Đơn cử, BIDV tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi: Miễn 100% phí chuyển tiền online; gửi tiết kiệm trực tuyến cộng thêm 0,2% lãi suất; quẹt thẻ hoàn tiền tới 6% tại lĩnh vực online hoặc tới 10% tại lĩnh vực siêu thị, mở tài khoản nhanh nhờ công nghệ eKyc, thanh toán điện, nước chỉ với vài bước và hoàn toàn miễn phí…
Nếu tài khoản thanh toán không còn tiền, bạn có thể chi tiêu qua thẻ tín dụng và nếu sử dụng các dịch vụ hay mua sắm từ các đơn vị đối tác của ngân hàng bạn sẽ tận dụng triệt để chính sách hoàn tiền cho chủ thẻ mà các đơn vị này đang phối hợp triển khai. Thậm chí, giờ đây nếu cần vay tiền khách hàng cũng có thể thực hiện hoàn toàn trên online.
Đơn cử, OCB vừa triển khai sản phẩm Vay thấu chi trên sổ tiết kiệm online. Khách hàng thao tác thực hiện đơn giản ngay trên ứng dụng OCB OMNI mà không cần đến ngân hàng. Hạn mức vay lên đến 90% giá trị sổ tiết kiệm, tối đa 500 triệu đồng. Khách hàng chỉ trả lãi theo số tiền, số ngày sử dụng thực tế; Miễn phí quản lý tài khoản thấu chi, miễn phí trả nợ trước hạn… An tâm thực hiện giãn cách xã hội - vì đã có ngân hàng "ở nhà" cùng bạn.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)