Ngân hàng phải thông báo cho khách hàng về bằng chứng giao dịch trên phương tiện điện tử
Bổ sung quy định về cho vay bằng phương tiện điện tử Phạm vi áp dụng cho vay bằng phương tiện điện tử Một số quy định xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử |
Theo NHNN, thời gian qua, dịch vụ thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCUDVTT) được thực hiện theo Thông tư 46/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (Thông tư 46). Thông tư 46 đã quy định cụ thể các quy trình nghiệp vụ làm cơ sở cho các ngân hàng xây dựng quy trình nội bộ, các khâu xử lý giao dịch thanh toán bảo đảm chặt chẽ, có quy định thời hạn qua đó giúp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ và tăng tính tuân thủ của các tổ chức cung ứng dịch vụ. Sau 8 năm triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Thông tư 38/2019/TT-NHNN ngày 31/12/2019 của Thống đốc NHNN quy định về việc cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích (Thông tư 38) ban hành bảo đảm cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hoạt động đặc biệt phục vụ lợi ích của người dân ở vùng sâu, vùng xa, phù hợp với Luật bưu chính và các cam kết mà Việt Nam tham gia.
Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh, mạnh mẽ của công nghệ thông tin và xu hướng hội nhập toàn cầu của nền kinh tế, để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn thì cần có các giải pháp chặt chẽ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh trong hoạt động thanh toán, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101. Do đó, NHNN cần xây dựng và ban hành các Thông tư để quy định các nghiệp vụ nêu trên, trong đó có quy định về dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán và dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng.
Quan điểm xây dựng Thông tư đảm bảo phù hợp và kịp thời hướng dẫn các quy định về dịch vụ thanh toán tại Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP; Đảm bảo sự kế thừa, hoàn chỉnh và phát triển một số nội dung còn phù hợp của Thông tư 46 và Thông tư 38; chú trọng đến bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của người sử dụng dịch vụ thanh toán với định hướng “lấy phục vụ người dân làm trọng tâm”; thúc đẩy mạnh mẽ sự chủ động, đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán…
Về cơ bản các nội dung chính sách của Thông tư hướng dẫn dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (Thông tư mới) được kế thừa Thông tư 46 trước đây. Đồng thời, dự thảo Thông tư mới bổ sung, cập nhật những nội dung mới được đề cập tại Nghị định thay thế Nghị định 101, thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin vào hoạt động thanh toán và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể:
Về dịch vụ thanh toán giao dịch bằng phương tiện điện tử (Điều 5), dự thảo Thông tư bổ sung thêm quy định tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải có biện pháp thông báo cho khách hàng trên môi trường điện tử về bằng chứng thực hiện giao dịch thanh toán trên phương tiện điện tử, trong đó nêu rõ số tham chiếu giao dịch, thông tin giao dịch, trạng thái giao dịch, thông tin người chuyển tiền/người nhận tiền. Việc sử dụng kênh thông báo phải được thể hiện trong thỏa thuận bằng văn bản với khách hàng, tối thiểu phải qua SMS hoặc thư điện tử. Việc bổ sung quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng khi thực hiện giao dịch trực tuyến (có bằng chứng về giao dịch) không phụ thuộc vào hệ thống CNTT/ứng dụng trực tuyến của ngân hàng trong trường hợp bị lỗi, treo hoặc sập…
Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi sử dụng dịch vụ ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, chuyển tiền cũng như bảo vệ quyền lợi của tổ chức cung ứng khi làm đúng quy trình khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại (nếu có) phát sinh trong thực tiễn, Dự thảo sẽ quy định rất chặt chẽ các bước trong quy trình đặc biệt khâu kiểm soát chứng từ hợp pháp hợp lệ, thời hạn phải xử lý các giao dịch và báo Nợ, báo Có kịp thời cho khách hàng...
Dự thảo Thông tư đã quy định rất chi tiết về quyền cũng như trách nhiệm của các TCCUDVTT, người sử dụng dịch vụ thanh toán cũng như trách nhiệm phối hợp giữa các bên cung ứng. Tuy nhiên, trong bối cảnh của sự phát triển của công nghệ thông tin tác động mạnh mẽ vào hoạt động thanh toán đã cho ra đời các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại. Do đó, bên cạnh những thuận lợi, tiện ích thì vấn đề đặt ra về bảo mật, an ninh, an toàn trong hoạt động cần phải được quan tâm để bảo đảm quyền lợi cho các bên lên quan. Tại Dự thảo Thông tư sẽ nghiên cứu cập nhật, bổ sung các nội dung quy định về quyền và trách nhiệm của các bên để phù hợp với bối cảnh tình hình mới...