Ngân hàng số: Hạt nhân của kinh tế số
Gia tăng lợi ích cho nền kinh tế
Thúc đẩy kinh tế số được Chính phủ Việt Nam coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số. Nhờ đó, kinh tế số có những bước phát triển ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế số hàng đầu khu vực.
Với sự bùng nổ công nghệ của CMCN lần thứ tư, trên phạm vi toàn cầu, kinh tế số dựa trên tài nguyên số đang từng bước thay thế kinh tế truyền thống dựa vào tài nguyên tự nhiên - vốn đang gây ra những hệ luỵ về môi trường và khí hậu. Trong đó, tài chính số với những sản phẩm dịch vụ thuận tiện hơn, nhanh hơn, rẻ hơn, phù hợp hơn và cá biệt hoá cho nhu cầu cá nhân, cùng với những ưu việt về khả năng vượt giới hạn không gian và thời gian, mở rộng cơ hội tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính cho tất cả mọi người được coi là đóng vai trò động lực thúc đẩy để chúng ta hiện thực hoá mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà |
Xác định là một ngành đầu tàu, đảm nhiệm vị trí huyết mạch nền kinh tế, trong thời gian qua, hệ thống các NHTM Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực và đáng kể trong quá trình thực hiện chiến lược chuyển đổi số. TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, tiến trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng được thực hiện khá đồng bộ, từ cơ quan quản lý đến bản thân các TCTD. Ở góc độ cơ quan quản lý, NHNN đã vạch ra chiến lược, định hướng chuyển đổi số của toàn Ngành thông qua kế hoạch hành động, chuyển đổi số ngành Ngân hàng… Hầu hết các NHTM cũng ý thức được tầm quan trọng của chiến lược chuyển đổi số, tích cực chủ động nghiên cứu và đầu tư vào công nghệ số để ứng dụng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Đến nay có tới 96% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và có 92% ngân hàng đã phát triển dịch vụ ứng dụng trên Internet và Mobile. Tùy thuộc vào quy mô, khả năng tài chính cũng như nguồn lực mà mỗi ngân hàng sẽ có mức độ chuyển đổi số khác nhau. Nhưng đến thời điểm này, hầu hết các NHTM Việt Nam cũng đã cho ra mắt ứng dụng ngân hàng số và nỗ lực tạo sự khác biệt cho sản phẩm số giữa các NHTM, như: Vietcombank có VCB Digibank, VietinBank iPay của VietinBank, BIDV SmartBanking của BIDV, hay eBank X của TPBank, Ebanking của HDBank…
Để theo kịp với dòng chảy số hóa, các ngân hàng đầu tư mạnh mẽ công nghệ mới, ngân hàng lõi, ứng dụng API, xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở... Theo thống kê NHNN, đến tháng 10/2022, ngành Ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và đã đưa Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu (tỷ lệ tăng trưởng 40% về thanh toán số trong ba, bốn năm qua). Đặc biệt, các NHTM đã dần tiếp cận Metaverse banking – bước phát triển cao nhất trong xu hướng tiến hoá của hệ thống ngân hàng, giúp khách hàng có thể giao dịch hoàn toàn trên nền tảng số, sáng tạo các dịch vụ theo yêu cầu riêng.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng ghi nhận, ngành tài chính - ngân hàng đang và sẽ là ngành tiên phong để trở nên “thông minh" hơn, tự động hóa nhanh hơn và cung cấp các dịch vụ cá nhân hoá tới khách hàng tốt hơn. Một số ngân hàng đang gặt hái thành công khi cung cấp thêm mô hình hoạt động ngân hàng số với 100% dịch vụ có khả năng cung cấp trên môi trường số. Những lợi ích từ chuyển đổi số ngân hàng không chỉ đong đếm bằng con số, nó còn thay đổi tư duy, lối sống của người dân, doanh nghiệp. Theo TS. Nguyễn Hữu Huân – Trưởng bộ môn Tài chính – Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, khi người dân, doanh nghiệp cảm nhận được những lợi ích, hiệu quả từ chuyển đổi số của ngân hàng họ sẽ nhanh chóng hưởng ứng theo “đầu tàu”.
Thực tế cũng cho thấy, chuyển đổi số ngân hàng là một trong những kênh gia tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ số hoá rất hiệu quả. Theo kết quả khảo sát của Báo cáo e-Conomy SEA 2022, người dùng kỹ thuật số ở khu vực thành thị của Việt Nam sử dụng dịch vụ thương mại điện tử cao thứ 2 khu vực, chiếm tỷ lệ 96% chỉ đứng sau Singapore (97%). Tài chính số cũng là lĩnh vực được kỳ vọng phát triển vượt bậc khi thanh toán số tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 143 tỷ USD tổng giá trị giao dịch tại Việt Nam vào năm 2025.
Lợi ích của chuyển đổi số đối với các TCTD cũng được nhìn thấy khi giúp họ tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí hoạt động. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của một số ngân hàng xuống ngưỡng 30% - tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới. Song, cũng nhờ tiết giảm chi phí hoạt động, ngân hàng lại có thêm dư địa tài chính để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.
Cần đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện khung pháp lý
Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%... Đến năm 2030 tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%... Để đạt được các mục tiêu nói trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là mục tiêu rất quan trọng.
Theo định hướng trên, có thể thấy chuyển đổi số ngành Ngân hàng sẽ là hạt nhân, là động lực góp phần thúc đẩy nền kinh tế số của đất nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chiến lược chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng Việt Nam còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là khung pháp lý về chuyển đổi số còn chưa thật sự đồng bộ, thường đi sau sự phát triển của hạ tầng công nghệ, kỹ thuật số còn hạn chế và chưa đồng nhất trong hệ thống các ngân hàng; áp lực gia tăng từ các cuộc tấn công an ninh mạng và lừa đảo ngày càng gia tăng... Do đó, để chiến lược chuyển đổi số hiệu quả và thuận lợi hơn, giới chuyên môn cho rằng, các NHTM Việt Nam cần tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi số của các ngân hàng ở những nước có nền kinh tế phát triển với nền công nghệ số hiện đại và thông minh.
TS. Trần Văn – Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số nhận định, bên cạnh việc đã sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử, Luật Phòng chống rửa tiền; trong năm 2023 cần hoàn thiện sửa đổi Luật Các TCTD… Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, góp phần thúc đẩy ba trụ cột chuyển đổi số quốc gia: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Đồng quan điểm, theo một Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, dù ngành Ngân hàng đã và đang đạt những kết quả đáng khích lệ, nhưng để có thể giữ ngọn cờ tiên phong trong chuyển đổi số, ngành Ngân hàng cần có những hạt nhân mang tinh thần thử nghiệm, trải nghiệm. Muốn làm được điều này, việc đầu tiên là cần chú trọng và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khung pháp lý phát triển ngân hàng số. Trước mắt, ưu tiên các quy định liên quan đến thử nghiệm trong lĩnh vực tài chính, tháo gỡ các vướng mắc trong quy định hiện tại, rà soát sửa đổi tạo điều kiện định danh, xác thực điện tử trong ngành Ngân hàng; rà soát văn bản hướng dẫn về lưu trữ, bảo vệ và chia sẻ dữ liệu; hướng dẫn kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho eKYC khách hàng…
Lãnh đạo NHNN khẳng định, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số là một trong những giải pháp ưu tiên của ngành Ngân hàng trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, NHNN tăng cường tích hợp, kết nối với các bộ, ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số; nâng cao chất lượng phục vụ, tăng tính tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng...