Ngân hàng số - Mô hình kinh doanh hiệu quả trong nền kinh tế số
Số hoá ngân hàng thúc đẩy tài chính toàn diện Thêm nhiều ưu đãi và trải nghiệm mới với Ngân hàng số Digimi |
Hàng loạt các ngân hàng số đã xuất hiện trong những năm gần đây như Cake, Timo, TNEX nhấn mạnh vào trải nghiệm người dùng và tính đơn giản của sản phẩm đang là mô hình kinh doanh khác biệt so với các ngân hàng truyền thống.
Quá trình siêu cá nhân hóa đang ngày càng được đưa vào các trải nghiệm dịch vụ tài chính, nâng cao yêu cầu đối với các ngân hàng trong việc tận dụng công nghệ và dữ liệu để làm hài lòng khách với “điểm nhấn” trải nghiệm người dùng và tính đơn giản của sản phẩm hàng.
Ông Phạm Quang Minh - Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam |
Trong báo cáo “Winning in digital banking” tháng 9/2022, khảo sát của McKinsey cho thấy 71% người tiêu dùng mong đợi sự cá nhân hóa từ các doanh nghiệp và thương hiệu, nhưng có tới 76% trong số đó cảm thấy thất vọng.
Định vị mô hình kinh doanh trong thời đại số
Quan sát các ngân hàng số hay các fintech, nơi các sản phẩm dịch vụ có tính cá nhân hoá rất cao, có thể thấy quá trình phát triển của các ngân hàng trải qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn đầu là thu hút khách hàng và xây dựng thương hiệu, chủ yếu thu nhập lãi và doanh thu đến từ sản phẩm cốt lõi như các tài khoản tiền gửi với thẻ ghi nợ. Danh mục khách hàng trong giai đoạn này cơ bản là người sử dụng dịch vụ ngân hàng (consumer). Sản phẩm chủ yếu là tài khoản thanh toán, tiết kiệm và thẻ ghi nợ.
Các chiến thuật tập trung chủ yếu vào tăng trưởng khách hàng thông qua định vị “không tính phí”, lãi suất tiền gửi cao hơn và trải nghiệm dễ dàng; tận dụng các kênh tiếp thị số để giảm chi phí thu hút khách hàng; từng bước mở rộng danh mục để trở thành ngân hàng chính của các khách hàng mới.
Phát hành thẻ ATM nội địa miễn phí là mô hình đang được các ngân hàng Việt Nam áp dụng. Đặc biệt, khi phương thức xác thực định danh điện tử eKYC được chính thức áp dụng tại Việt Nam đầu năm 2021 thì các ngân hàng kỹ thuật số như Cake, Timo, TNEX đã triển khai định vị miễn phí thường niên cho khách hàng.
Giai đoạn tiếp theo là đa dạng hóa các nguồn doanh thu. Đó là tạo thêm các nguồn doanh thu bằng các dịch vụ giá trị gia tăng và sản phẩm mới, bao gồm dịch vụ thuê bao, các khoản vay và đầu tư nhỏ. Danh mục khách hàng mở rộng thêm là các doanh nghiệp nhỏ và các sản phẩm gồm tín dụng, khoản vay cá nhân, đầu tư, bảo hiểm và dịch vụ gia tăng khác.
Chiến thuật ở giai đoạn này sẽ là mở rộng sang phân khúc khách hàng mới với định vị được cá nhân hóa cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ, phát triển nguồn thu với phí và hoa hồng dịch vụ.
Và giai đoạn cuối cùng là tăng trưởng danh mục kinh doanh và tín dụng. Mở thêm danh mục là các doanh nghiệp vừa với các chiến thuật như thúc đẩy doanh thu chủ yếu thông qua các khoản vay cho khách hàng doanh nghiệp, cho vay thế chấp hoặc dịch vụ “Ngân hàng như một dịch vụ (BaaS)”, đảm bảo doanh thu định kỳ với các dịch vụ thuê bao, và mở rộng sang các phân khúc khách hàng chưa được khai thác, chẳng hạn như phân khúc khách hàng trung lưu (thu nhập hàng năm từ 30.000 đô la đến 100.000 đô la) và những người làm nghề tự do.
Theo báo cáo “How to monetize your digital bank?” của Deloitte, Doanh thu của mô hình ngân hàng số có thể tăng theo cấp số nhân, và có thể lên tới 1.400USD, khi khách hàng gắn bó và đăng ký bổ sung nhiều dịch vụ hơn. Điều này còn tùy thuộc vào năng lực huy động tiền gửi, tận dụng nhân diện thương hiệu sẵn có, sự tín nhiệm vào vị thế của ngân hàng.
Các cách tiếp cận công nghệ
Để phát triển theo 3 giai đoạn trên, Mambu - nền tảng ngân hàng đám mây đề xuất cách tiếp cận cho các ngân hàng. Đầu tiên, xây dựng một kiến trúc ngân hàng kết hợp (Composable banking) bằng cách sử dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến nhất (best of breed) sinh ra trên nền tảng đám mây (cloud native), cho phép ngân hàng hoán đổi các thành phần giải pháp khi cần thiết.
Thứ hai, cung cấp một nền tảng tập trung vào nhà phát triển (developer) bao gồm một bộ giao diện lập trình ứng dụng (API) linh hoạt, và mã có thể định cấu hình (configurable code) được tiêu chuẩn hóa để các nhà phát triển có thể dễ dàng triển khai các sản phẩm mới không yêu cầu tích hợp phức tạp, đào tạo chuyên sâu nhiều nguồn nhân lực.
Thứ ba, tận dụng tự động hóa các giai đoạn xây dựng, thử nghiệm và triển khai bằng cách sử dụng công nghệ tích hợp liên tục, phân phối liên tục (CI/CD) và DevOps (phát triển và vận hành). Cách tiếp cận này giúp các Giám Đốc công nghệ (CIOs) tiết kiệm chi phí cho nguồn nhân lực.
Mambu đã chứng kiến các tổ chức tài chính tăng năng suất của nhà phát triển (developer) lên khoảng 25% trong 6 đến 18 tháng đầu tiên. Kết hợp với việc giảm chi phí trên các nền tảng kế thừa (legacy), cho phép giảm tới 50% chi phí vận hành công nghệ cho các ngân hàng. Thay vào đó, các giám đốc công nghệ của ngân hàng có thể đầu tư vào công nghệ mới tao ra các sản phẩm sáng tạo và doanh thu mới cũng như giữ chân và đào tạo nhân tài kỹ thuật của mình.
Ngân hàng cũng có thể ra mắt sản phẩm mới hoặc sửa đổi sản phẩm hiện có với tốc độ nhanh hơn tới 95% so với các phương pháp phát triển truyền thống. Do đó, ngân hàng có thể đạt được lợi thế vượt trội trên thị trường, đồng thời tạo ra trải nghiệm ngân hàng tốt hơn cho khách hàng.
Như vậy, ngân hàng số duy trì tính cạnh tranh cao bởi nhiều đối thủ có thể tạo sự khác biệt bằng các dịch vụ hấp dẫn và có lợi nhuận. Để thành công trong không gian ngân hàng số, ngân hàng truyền thống cần cân nhắc chuyển đổi số phục vụ các mô hình kinh doanh mới và giá trị định vị phù hợp.