Ngân hàng tăng cường “lá chắn” bảo vệ khách hàng
Cảnh báo lừa đảo công nghệ ngày càng tinh vi
Những năm gần đây, tội phạm công nghệ cao phát triển phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nhờ sự tích cực tuyên truyền, cảnh báo các phương thức của tội phạm lừa đảo, cán bộ nhân viên, người lao động Agribank chủ động cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức nghiệp vụ, ở nhiều chi nhánh trong toàn hệ thống Agribank, qua biểu hiện bất thường của khách hàng, các giao dịch viên đã nhanh chóng đánh giá tình hình, khéo léo, kịp thời phối hợp với công an địa phương ngăn chặn nhiều vụ mạo danh công an điều tra, cán bộ tòa án, viện kiểm sát… yêu cầu người dân chuyển số tiền lớn đến các tài khoản do chính các đối tượng cung cấp, qua đó bảo toàn tài sản cho khách hàng.
Lãnh đạo Agribank chi nhánh tỉnh Bình Thuận khen cán bộ kịp thời ngăn chặn lừa đảo giữ lại số tiền 3,2 tỷ đồng cho khách hàng |
Thực tế cho thấy các đối tượng lừa đảo đã sử dụng các chiêu thức thao túng tâm lý người dùng rất tốt. Qua thống kê, trên 50% phi vụ lừa đảo đối với khách hàng tại Agribank đều xuất phát từ hình thức giả mạo cơ quan chức năng để thao túng tâm lý, tống tiền khách hàng. Không ít trường hợp nạn nhân mắc bẫy lừa đảo của những kẻ mạo danh công an, điều tra viên, nhân viên tòa án, viện kiểm sát, vội vàng thực hiện các bước để chuẩn bị chuyển tiền trong tình trạng bất an, lo lắng. Tuy nhiên, khi ra tới ngân hàng rút tiền tiết kiệm, mở tài khoản chuyển tiền, nhờ sự cảnh giác, chủ động nhận diện dấu hiệu lạ của khách hàng, cán bộ nhân viên Agribank đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, báo tin tới cơ quan công an, kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo ở “phút 89”.
Năm 2023, nhân viên trong hệ thống Agribank đã giúp khách hàng thoát khỏi hơn 170 vụ lừa đảo công nghệ cao, bảo vệ được tài sản trị giá gần 19 tỷ đồng trong tài khoản của khách hàng. Đầu năm 2024, nhân viên Agribank cũng liên tiếp phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ lừa đảo mạo danh là cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát, thuế, ngân hàng… nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng. Đáng chú ý nhất là vụ việc vừa mới xảy ra ngày 3/5 tại tỉnh Bình Thuận, cán bộ tín dụng Nguyễn Minh Khanh của Agribank Chi nhánh Hàm Thuận Bắc đã kịp thời ngăn khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền, chuyển cho kẻ lừa đảo 3,2 tỷ đồng.
Khách hàng là bà LTN đã lớn tuổi, buôn bán rau củ ở chợ thị trấn, không thường xuyên có giao dịch số tiền lớn. Khi thấy bà N tới quầy giao dịch đề nghị cầm cố 2 sổ tiết kiệm có số tiền tổng cộng hơn 3,5 tỷ đồng để vay số tiền 3,2 tỷ đồng chuyển vào một tài khoản mang tên bà vừa được mở trong ngày 3/5 ở một ngân hàng khác. Nhận thấy khách hàng có biểu hiện lo lắng, trình bày mục đích vay vốn mâu thuẫn, điện thoại của khách hàng luôn có người gọi tới nói chuyện kiểu hăm dọa, anh Khanh suy đoán là có thể khách hàng đang bị đối tượng xấu lừa đảo chuyển tiền nên đã tạm thời trì hoãn thực hiện giao dịch và báo cáo Phó Giám đốc chi nhánh phụ trách phối hợp giải quyết.
Agribank đăng thông tin cảnh báo khách hàng các hình thức lừa đảo công nghệ cao |
Tại phòng làm việc riêng với khách hàng, song song với việc giải thích cho khách hàng hiểu để tránh bị lừa đảo chuyển tiền, lãnh đạo chi nhánh ngân hàng đã gọi điện báo cho Công an thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc (nơi bà LTN cư trú) phối hợp xác minh, giải quyết. Sau khi được cán bộ công an giải thích, động viên, bà N đã dần trấn tĩnh, tường trình bị một đối tượng xưng danh là công an của Bộ Công an gọi điện nói bà có liên quan đến một vụ tàng trữ ma túy và đang bị điều tra ở Hà Nội. Đối tượng này yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản của chính mình mở tại ngân hàng khác để phục vụ “công tác điều tra” với số tiền là 3,2 tỷ đồng (do bà N. có khai với đối tượng này là có số tiền tiết kiệm đang gửi tại ngân hàng chưa đến hạn), đồng thời yêu cầu bà không được thông báo với bất kỳ một người nào cho đến khi vụ án kết thúc. Nghe cán bộ công an và ngân hàng phân tích, giải thích thủ đoạn của đối tượng gọi điện, khi nhận ra mình bị lừa, bà N đồng ý không làm thủ tục vay cầm cố, cũng không rút tiền tiết kiệm trước hạn để chuyển tiền đi nữa.
Trước đó, ngày 9/4, cùng ở địa bàn tỉnh Bình Thuận, một nữ nhân viên quầy giao dịch ở Chi nhánh Hàm Mỹ cũng đã nhanh trí phát hiện, ngăn chặn thành công vụ lừa đảo chuyển 1,8 tỷ đồng. Khi thấy khách hàng đề nghị rút sổ tiết kiệm có số tiền lớn khi chưa đến hạn, quan sát thấy khách hàng có biểu hiện lo lắng, điện thoại liên tục có cuộc gọi đến hối thúc, giao dịch viên và lãnh đạo Chi nhánh đã cẩn trọng tìm hiểu, đánh giá tình hình, tuyên truyền, động viên khách hàng bình tĩnh, ổn định tâm lý nhằm tránh nguy cơ lừa đảo, sau đó phối hợp với công an địa phương để ngăn chặn kịp thời việc rút sổ tiết kiệm để chuyển tiền cho nhóm đối tượng lừa đảo xưng danh là công an, viện kiểm sát, tòa án.
Như vậy, qua 2 vụ việc xảy ra trong gần 1 tháng, cán bộ Agribank trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã bảo toàn số tiền lên tới hơn 5 tỷ đồng cho 2 khách hàng. Sự nhạy bén, nhanh trí và tận tâm với khách hàng của các cán bộ này đã được Ban Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Bình Thuận ghi nhận, biểu dương và trao thưởng để động viên và lan tỏa tấm gương “Người tốt, việc tốt”.
Trước đó, nhiều chi nhánh của Agribank tại tỉnh, thành khác cũng đã đã nhanh trí phát hiện dấu hiệu lừa đảo và kịp thời phối hợp với Công an phường nơi chi nhánh đặt trụ sở giúp khách hàng không bị “mất oan” số tiền. Đơn cử, trong tháng 4/2024, chỉ trong vòng 1 tuần, tại Agribank chi nhánh huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn), nhân viên chi nhánh đã hỗ trợ 2 khách hàng thoát khỏi các bẫy lừa của nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng viễn thông. Chúng giả danh là công an gọi điện thoại qua Zalo video đe dọa khách hàng có liên quan đến một vụ án buôn bán hàng cấm, bán thiết bị y tế giả và yêu cầu kê khai tài sản, chuyển tiền để phong tỏa; đồng thời dọa dẫm nạn nhân không được tiết lộ thông tin cho ai kể cả người trong gia đình, nếu không làm theo thì sẽ bị bắt chấp hành án phạt tù khiến nạn nhân hoang mang, lo sợ, buộc phải đến ngân hàng rút tiền và làm thủ tục chuyển tiền. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ ngân hàng và các chiến sỹ công an huyện Bắc Sơn kiên trì tuyên truyền, giải thích các hình thức lừa đảo hiện nay phổ biến qua mạng, cả hai khách hàng trên đã nhận thức được việc bản thân bị lừa đảo và không tiếp tục thực hiện chuyển tiền nữa. Tổng số tiền của 2 khách hàng giữ lại được là 130 triệu đồng.
Ngân hàng với “lá chắn” bảo vệ khách hàng
Trước diễn biến “nóng” của tội phạm sử dụng công nghệ cao liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, Agribank xác định công tác bảo đảm an toàn cho tài sản khách hàng và phòng chống tội phạm công nghệ cao là nội dung ưu tiên cần chú trọng trong mọi hoạt động. Agribank liên tục đưa ra nhiều cảnh báo, khuyến cáo đến khách hàng nhằm nâng cao nhận thức của chính khách hàng đang sử dụng dịch vụ ngân hàng trên các kênh truyền thông chính thức của Agribank gồm: Website Agribank, bản tin hình Agribank News, các trang mạng xã hội chính thức của Agribank và hệ thống hơn 2.000 điểm giao dịch của Agribank trên toàn quốc. Đây có thể coi là liều “vắc-xin số” mà Agribank đang triển khai hướng tới tiêu chí nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhận biết và khả năng đề phòng của khách hàng khi sử dụng dịch vụ thanh toán trên các nền tảng, phần mềm trên không gian mạng. Thông qua “vắc-xin số” mà Agribank cung cấp, các khách hàng sẽ hình thành bộ lọc những thông tin cần đọc, cần nghe, từ đó chủ động loại bỏ những thông tin độc, ảnh hưởng đến tài sản của chính bản thân.
Xác định chuyển đổi số song hành với nâng cao tính bảo mật chặt chẽ cho khách hàng, Agribank luôn từng bước thận trọng áp dụng công nghệ hiện đại và tiên tiến trong sản phẩm dịch vụ và chất lượng của mình. Cùng với ngành Ngân hàng, Agribank đẩy mạnh triển khai eKYC (xác minh danh tính của khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ điện tử) để hỗ trợ khách hàng các giao dịch trực tuyến (mở tài khoản trực tuyến, đăng ký dịch vụ Ngân hàng trực tuyến…). Cùng với đó, Agribank cũng đưa ra các yêu cầu để đảm bảo an toàn cho chính khách hàng như kết hợp xác thực bằng người thật, tức là khách hàng cần đến các điểm giao dịch của Agribank để hoàn tất việc eKYC, bảo đảm đúng người - đúng tài khoản. Bên cạnh yêu cầu xác thực, Agribank cũng hạn chế mức chuyển tiền trực tuyến khi khách hàng chưa hoàn tất xác thực eKYC để giảm thiểu hoạt động giao dịch bất thường. Chỉ có như vậy, việc xác thực điện tử mới chặt chẽ hơn.
Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, cán bộ Agribank trên mọi miền của Tổ quốc luôn tích cực phát huy trách nhiệm hơn nữa trong việc xây dựng những “lá chắn” kịp thời bảo vệ tài sản khách hàng; thường xuyên chủ động cập nhật những thông tin hình thức lừa đảo mới để tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo tinh vi của tội phạm. Đặc biệt, cán bộ Agribank cũng luôn cẩn trọng trước những giao dịch bất thường của khách hàng, khéo léo tìm hiểu và hỗ trợ khách hàng trước những tình huống lừa đảo chiếm đoạt tài sản để ngăn chặn nguy cơ mất tiền của khách hàng, đồng thời nâng cao uy tín của Agribank trong công tác bảo vệ khách hàng, phòng chống lừa đảo qua mạng internet, viễn thông.