Ngân hàng và doanh nghiệp cần tăng niềm tin để hỗ trợ nhau
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo |
Qua các bài tham luận, và ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã chỉ ra 8 nhóm vấn đề tồn tại ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.
Một là, cầu tín dụng giảm do cầu đầu tư, cầu tiêu dùng cả trong nước và quốc tế giảm.
Hai là, cầu giảm dẫn đến tồn kho hàng hóa, đơn hàng của doanh nghiệp giảm. Kể cả ngân hàng cũng đang tồn kho dưới góc độ thừa vốn. Tóm lại, doanh và ngân hàng đều đang tồn kho cho nên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng cần tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng
Ba là, ở góc độ vĩ mô, các chính sách nói chung và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay còn cầm chừng, thậm chí một số chính sách còn bị đánh giá xa rời với nền kinh tế thị trường, một số chính sách kể cả từ Trung ương đến địa phương cũng còn hạn chế; công tác truyền thông chính sách, tác động yếu tố tâm lý, tạo niềm tin tích cực cho doanh nghiệp, ngân hàng cũng còn khiếm khuyết.
Bốn là, chính sách phát triển thị trường, chính sách tài khóa, chính sách cho từng ngành kinh tế chưa được đồng bộ. Đơn cử, khi Ấn Độ “đóng cửa” xuất khẩu gạo, xung đột giữa các quốc gia khiến an ninh lương thực trên thế giới khó khăn, ngân hàng mạnh dạn cho vay ngành lương thực, thực phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo nếu đầu tư chắc chắn không lỗ.
Năm là, ngân hàng và doanh nghiệp cần tăng niềm tin, chữ tín với nhau để cởi mở hơn trong hỗ trợ lẫn nhau.
Sáu là, bản thân doanh nghiệp cũng còn những hạn chế, khó khăn trong nhiều lĩnh vực, nhất là không tiêu thụ được sản phẩm, tiềm lực kinh tế không được như trước đây; vấn đề minh bạch dòng tiền, minh bạch báo cáo tài chính. Thực tế, có trường hợp doanh nghiệp có hai báo cáo tài chính. Một báo cáo báo lỗ gửi cơ quan thuế để nộp thuế ít và một báo cáo lãi gửi ngân hàng để được vay nhiều. Việc này đã làm giảm niềm tin giữa doanh nghiệp và ngân hàng, buộc ngân hàng chuyển sang phương thức thay thế là tài sản đảm bảo.
Bảy là, cần nhìn nhận lại mối quan hệ “cộng sinh” giữa ngân hàng và doanh nghiệp như lời Thủ tướng thường nói “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Tám là, nếu thị trường bất động sản sôi động, tín dụng vào lĩnh vực này có thể tăng vào 2-3 tháng cuối năm. Khi thị trường bất động sản trầm lắng thì tăng trưởng tín dụng chậm lại cũng là điều dễ hiểu. Bình thường vốn trung và dài hạn đầu tư vào các dự án trôi chảy, bán được hàng, có nhiều nguồn lực nên kéo theo vốn tín dụng ngắn hạn. Bây giờ muốn tín dụng ngắn hạn thay thế cho cả tín dụng trung, dài hạn là một “bài toán” khó, một rủi ro quá lớn đối với ngân hàng cũng như toàn hệ thống.
Từ những khó khăn này, NHNN đã nhận diện đầy đủ lý do vì sao tăng trưởng tín dụng thấp và trong điều kiện thực tế hiện nay NHNN đã đưa ra những giải pháp mang tính khả thi để làm sao hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, điều hành chính sách tiền tệ không phải “đôi đũa thần” để mọi thứ đều dựa vào, giảm lãi suất cũng chỉ là một công cụ, chỉ hỗ trợ được doanh nghiệp chứ không thay thế được việc khác; vốn vay ngắn hạn đang phải gánh thay cho vay trung, dài hạn khi thị trường vốn trầm lắng.
Trong ngắn hạn có thể giải quyết những khó khăn, hỗ trợ được doanh nghiệp nhưng trong trung, dài hạn sẽ bộc lộ ngay những bất ổn về nợ xấu, an toàn của hệ thống. Tuy nhiên, trong điều hành chính sách tiền tệ cũng nhận thấy trách nhiệm, thể hiện quyết tâm cao nhất tiếp tục sử dụng linh hoạt hơn nữa các công cụ “trong tay” NHNN có để nhằm điều tiết thị trường, cung ứng thanh khoản cho nền kinh tế; sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để đảm bảo tỷ giá, đảm bảo điều hòa được lượng ngoại tệ cho nền kinh tế theo quan hệ thị trường.
Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất nếu có điều kiện. Trường hợp NHNN chưa có điều kiện giảm lãi suất thì các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất cho vay trên cơ sở giảm chi phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
NHNN cũng sẽ tiếp tục điều hành ổn định tỷ giá, duy trì chính sách tỷ giá, dự trự ngoại hối, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt; đẩy mạnh các chương trình chính sách, tiêu dùng, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội, giải quyết vấn đề tâm lý thị trường… rất hiệu quả trong lúc này.
Đây là những giải pháp khả thi và “trong tầm nay” của NHNN, Phó Thống đốc khẳng định.
Cùng với đó, chính sách tín dụng tiếp tục được điều hành tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây là điều kiện để thay đổi cơ cấu tín dụng một cách hợp lý; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại; ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng, quy định về cho vay trực tuyến qua ứng dụng đã được ban hành cũng tạo điều kiện pháp lý cho các ngân hàng đẩy mạnh và chắc chắn sẽ giúp ngân hàng giảm chi phí, hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp; giảm được nhiều thủ tục hành chính; Thông tư 02, giãn hoãn nợ, cơ cấu nợ đang được yêu cầu làm mạnh; các gói tín dụng hỗ trợ đã được công khai theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và các gói hỗ trợ do chính ngân hàng đề ra cũng chỉ mang tính chất ngắn hạn để giải quyết khó khăn của một số lĩnh vực.
Riêng với doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phó Thống đốc cho biết cần bàn thêm những chính sách hỗ trợ. NHNN cũng mong Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã ban hành đi vào cuộc sống, Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp phát huy hiệu quả; các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội hội cũng là những giải pháp được tập trung trong thời gian tới.
Về một số kiến nghị tại hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, với doanh nghiệp nhỏ và vừa các chính sách về tiêu thụ sản phẩm, môi trường đầu tư, tín dụng xanh sẽ được NHNN tập hợp và báo cáo Chính phủ để giải quyết khó khăn.
Đối với các ngân hàng thương mại, các cơ chế chính sách NHNN đã chỉ đạo phải triển khai tích cực, nên đặt ngân hàng vào doanh nghiệp và doanh nghiệp vào ngân hàng để thấy khó khăn của nhau; mạnh dạn cho vay theo đúng quy định dù là vay tín chấp, thế chấp, vay tiêu dùng… Để có được điều này hai bên phải có sự phối hợp, hợp tác.
Doanh nghiệp gặp khó thì ngân hàng nên tạo điều kiện nhưng báo cáo dòng tiền của doanh nghiệp phải minh bạch. Nếu ngân hàng và doanh nghiệp đều có trách nhiệm, cùng nhau hợp tác thì sẽ tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, giải được bài toán tăng tín dụng.
Cuối cùng, Phó Thống đốc khẳng định, trong điều kiện hiện nay và sự cố gắng của tất cả các bên, tín dụng có thể sẽ ngày một khởi sắc và hỗ trợ cho cả hai phía là ngân hàng và doanh nghiệp.