Ngân hàng Việt Nam: Nhiều thách thức trong thực hành ESG
Cam kết ESG định hình tương lai bền vững Sổ tay ESG: Công cụ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính bền vững |
Quyết tâm đã có…
Trong đó, đáng chú ý là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm triển khai nhiệm vụ được giao tại Luật Bảo vệ môi trường (2020). Gần nhất, NHNN ban hành Quyết định số 1663/QĐ-NHNN ngày 6/8/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ban hành năm 2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam cho phù hợp với bối cảnh và xu hướng phát triển xanh trong nước và trên thế giới. Điều này một lần nữa khẳng định quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc thúc đẩy dòng vốn xanh phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời, định hướng hoạt động ngân hàng Việt Nam ngày càng tiệm cận với các quy chuẩn, thông lệ quốc tế về thực hành ESG.
Số liệu thống kê cho thấy, đến nay 100% NHTM đã xây dựng quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường. Mới đây, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chính thức công bố "Khung Tài chính bền vững" như một hệ thống công cụ áp dụng trong hoạt động kinh doanh thực tiễn, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của ngân hàng theo hướng ESG đáp ứng định hướng về tín dụng xanh của NHNN. Ông Ngô Tấn Long - Phó tổng giám đốc ACB cho biết, việc ban hành Khung Tài chính bền vững cho thấy mục tiêu trọng yếu của ACB trong chiến lược kinh doanh, phát triển các cơ hội mới trong lĩnh vực tài chính xanh mới nổi tại Việt Nam như năng lượng tái tạo, vận tải xanh, công trình xanh… Điều này sẽ giúp ACB và các doanh nghiệp, đối tác đóng góp và cân bằng giữa các yếu tố Kinh tế và Môi trường - Xã hội cũng như hạn chế được những rủi ro về môi trường và xã hội, cùng hướng tới tăng trưởng xanh của nền kinh tế. Đầu năm 2024, ACB chủ động cung cấp gói tín dụng 2.000 tỷ đồng từ vốn của ngân hàng cho các doanh nghiệp thuộc danh mục Xanh/Xã hội nhằm mục đích tài trợ nhu cầu vốn kinh doanh đồng hành cùng doanh nghiệp tăng trưởng. Tính đến cuối tháng 8/2024, ACB đã giải ngân 86% vốn của gói tín dụng Xanh/Xã hội. "Chúng tôi sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững. Về lâu dài, chúng tôi sẽ đẩy mạnh nguồn vốn xanh theo chiến lược ESG của ACB", ông Ngô Tấn Long nhấn mạnh.
Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với các dự án xanh |
…nhưng cần đồng bộ về cơ chế, chính sách
Có thể thấy, việc triển khai ESG trong ngành Ngân hàng đang được triển khai bài bản. Mặc dù vậy, các ngân hàng tại Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc triển khai. Nguyên nhân do khung pháp lý chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, sự mới mẻ của khái niệm ESG đối với cả ngân hàng và khách hàng ngăn cản tầm nhìn chiến lược, làm chậm quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững của ngân hàng và doanh nghiệp. Trong giai đoạn đầu, các ngân hàng phải gia tăng chi phí, nguồn lực để xây dựng phòng ban chuyên trách, thiết kế các chương trình đào tạo về các tiêu chuẩn môi trường và xã hội, kỹ năng đánh giá rủi ro ESG trong thẩm định tín dụng…
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ, Phó Trưởng ban chỉ đạo ESG Agribank cho biết, Agribank nhận thức rõ rằng việc cam kết và triển khai ESG là nhiệm vụ chiến lược không thể thiếu. Đây không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là con đường giúp ngân hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng doanh thu và cải thiện vị thế trên thị trường. Chính vì vậy, thời gian qua ngân hàng đã triển khai hàng hoạt các tiêu chí như tập trung ưu tiên nguồn vốn đối với tín dụng xanh. Triển khai quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng... Tuy nhiên theo bà Hà, trong quá trình triển khai ESG, Agribank nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về cơ chế chính sách.
Để việc triển khai ESG trong ngành Ngân hàng nhiều thuận lợi trong thời gian tới, bà Hà kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường đầu mối xây dựng và trình Chính phủ ban hành bộ tiêu chí môi trường và các tiêu chí xác định đối với các dự án được cấp tín dụng xanh làm căn cứ cho các TCTD áp dụng. Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành có các chính sách thúc đẩy phát triển thị trường tín chỉ carbon; hoàn thiện cơ chế, chính sách đưa quản trị rủi ro đối với xã hội và quản trị; có chính sách ưu đãi về thuế, phí...
Chung quan điểm, ông Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng, thời gian tới cần phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD. Trong đó, sớm ban hành Danh mục phân loại xanh. Ngoài ra, ông Tú cũng đề xuất có thêm các công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai ESG và hoạt động bền vững (công cụ thuế, chính sách đất đai...); Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích các TCTD áp dụng ESG, tập trung nguồn lực cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh như: chính sách tái cấp vốn/tái chiết khấu, ưu tiên hỗ trợ các TCTD có tỷ trọng tín dụng xanh cao tiếp cận các nguồn lực quốc tế...