Ngăn ngừa rủi ro tội phạm rửa tiền
Quy chế phối hợp phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền Tăng cường nhận thức về rủi ro rửa tiền |
Nguy cơ rủi ro rửa tiền ngày càng tăng
Với sự phát triển của các công nghệ mới, điện toán đám mây, kinh tế số, ứng dụng số… cùng với yếu tố dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen sống và hành vi đầu tư, tiêu dùng. Bên cạnh đó, các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng với tốc độ số hóa nhanh, mạnh mẽ đã góp phần thúc đẩy và thu hút số lượng người dùng chuyển từ ngoại tuyến lên trực tuyến, sử dụng nhiều phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Nhưng cùng với đó các tội phạm nguồn của rửa tiền cũng có sự biến chuyển, trở nên tinh vi và phức tạp hơn.
Theo Ernst&Young, hiện nay, 42% ngân hàng Việt sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số, 28% đã triển khai chiến lược số hóa trong hoạt động kinh doanh. Đánh giá thời gian qua, các NHTM đẩy mạnh chuyển đổi số để đem đến những dịch vụ tốt hơn cho khách hàng, nhưng ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách VNBA, Phó Tổng giám đốc BIDV cũng bày tỏ lo ngại, bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội cả trong nước và quốc tế có nhiều biến động, đang đặt ra nhiều thách thức về rủi ro tuân thủ tài chính. Đồng thời, nhiều loại hình tội phạm tài chính mới xuất hiện dẫn đến nguy cơ các TCTD bị lợi dụng. Vì vậy, tính cấp thiết của công tác phòng chống rửa tiền, tội phạm tài chính luôn cần được đặt lên hàng đầu.
Chia sẻ về vấn đề rủi ro tội phạm rửa tiền mà các TCTD phải đối mặt tại buổi tọa đàm, ông Siva Krishnan, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Quản trị rủi ro Techcombank cho biết, có rất nhiều nguy cơ cho TCTD khi bị các loại tội phạm rửa tiền/tội phạm nguồn của tội phạm rửa tiền lợi dụng. Chẳng hạn, tội phạm có thể lợi dụng tính năng của tài khoản ngân hàng để phục vụ cho hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến nhằm rửa tiền, thu lợi bất chính; lợi dụng tài khoản ngân hàng thực hiện hành vi trốn thuế, sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện giao dịch liên quan đến hoạt động của tổ chức hoặc giao dịch thay cho đối tượng khác; lợi dụng các tiện ích chuyển tiền quốc tế để chuyển tiền ra nước ngoài nhằm mục đích rửa tiền. Vì vậy, nếu thiếu các biện pháp kiểm soát chặt chẽ và quản trị rủi ro hiệu quả, các TCTD có thể đối diện với các rủi ro về pháp lý, tài chính, danh tiếng, tuân thủ.
Phòng chống rửa tiền là nhiệm vụ trọng yếu của ngân hàng
Theo chia sẻ của ông Đỗ Việt Hùng, Uỷ viên HĐQT Vietcombank, phòng chống rửa tiền là mối quan tâm trọng yếu của Vietcombank. Ngân hàng đã thành lập bộ phận chuyên trách phòng chống rửa tiền từ năm 2013. Sự quan tâm của ban lãnh đạo ngân hàng đối với vấn đề này ngày càng lớn, quy mô phát triển của phòng ban chuyên trách ngày càng tăng.
Đại diện TPBank chia sẻ, ngân hàng đang áp dụng giám sát tất cả các giao dịch của khách hàng qua nhiều khâu để hạn chế rủi ro liên quan đến hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố. Ngân hàng còn yêu cầu xác thực bảo mật 2 lớp - 2FA bảo vệ trong trường hợp kẻ gian đăng nhập tài khoản của khách hàng sẽ cần nhập mã xác thực từ thiết bị cũ. Giới hạn thời gian giao dịch giữa 2 giao dịch liên tiếp chỉ 60s tránh kẻ gian chiếm đoạt tài khoản thanh toán và thực hiện nhiều giao dịch cùng lúc nhằm trục lợi tài khoản thanh toán của khách hàng. Nhằm giám sát, xử lý các giao dịch có dấu hiệu rủi ro do nghi ngờ gian lận, lừa đảo, vi phạm quy định pháp luật, ngân hàng thực hiện giám sát theo kết hợp các tiêu chí như sử dụng quá 50% hạn mức cho phép…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động này các ngân hàng cho biết đang đối mặt với rủi ro thách thức như cơ chế phối hợp linh hoạt giữa các ngân hàng để có thể kịp thời ngăn chặn các khoản tiền lừa đảo hoặc giao dịch bất thường; Khó xác minh chính xác 100% và đầy đủ thông tin trên giấy tờ tùy thân của khách hàng cần dựa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Giấy tờ của khách hàng chưa đồng bộ hết sử dụng CCCD gắn chip, giấy tờ tùy thân cũ khó xác minh…
Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống rửa tiền, bà Đỗ Thị Khiên, Giám đốc Ban Quản lý rủi ro Hoạt động BIDV đề nghị, đồng bộ thông tin tài khoản ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai các giải pháp xác thực khách hàng qua căn cước công dân gắn chip trên thiết bị di động hoặc theo phương pháp app-to-app… Đây là những yếu tố quan trọng để bảo mật, phòng chống tội phạm tài chính.
Để công tác phòng chống rửa tiền của ngành Ngân hàng góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm rửa tiền nói riêng và minh bạch hệ thống tài chính, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền cho biết, NHNN sẽ ban hành Thông tư sớm nhất có thể để có khung khổ pháp lý cho các TCTD thực hiện. Bởi Nghị định số 19/2023/NĐ -CP có phạm vi rộng, không chỉ áp dụng cho các TCTD, mà còn các tổ chức ngoài ngành. Vì vậy, quá trình lấy ý kiến, giải trình kéo dài hơn dự kiến.
Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định, phòng chống rửa tiền là vấn đề trọng tâm của các ngân hàng trong giai đoạn tới. Bởi đây là lĩnh vực vừa mới, vừa khó nhưng lại rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Nhất là khi số lượng tài khoản ngân hàng ngày càng tăng trưởng hiện khoảng 150 triệu tài khoản, trong đó 74% của người trưởng thành; hơn 90% giao dịch qua kênh số ngân hàng. Do vậy, các ngân hàng cần phải quan tâm đúng mức đối với hoạt động này để hạn chế rủi ro xảy ra gây tổn thất cho ngân hàng về tài chính, danh tiếng... Theo đó, Phó Thống đốc yêu cầu các ngân hàng phải nghiên cứu giải pháp sớm phát hiện dấu hiệu giao dịch nghi ngờ, gian lận để xử lý; tăng cường bảo mật eKYC, tăng cường kết nối với Bộ Công an…
NHNN yêu cầu các TCTD báo cáo đầy đủ các giao dịch đáng ngờ, giao dịch có giá trị lớn để NHNN nắm bắt. “Trong quá trình triển khai, NHNN luôn lắng nghe và các TCTD cũng cần chia sẻ ý kiến đến NHNN để làm sao giải quyết được câu chuyện phòng chống rửa tiền, cải thiện được thực trạng tội phạm tài chính tại Việt Nam”, Phó Thống đốc lưu ý và đề nghị, các Vụ, Cục thuộc NHNN, các TCTD cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp phòng chống rửa tiền trong bối cảnh phải thích ứng với sự thay đổi liên tục của các điều kiện kinh tế vĩ mô.