Ngành bán dẫn điện tử Việt Nam có cơ hội phát triển
Trong thời gian gần đây, các nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới hiện nay như SMC, Samsung và Intel đều chọn Việt Nam là cứ điểm đầu tư quan trọng. Intel nhiều năm trước đã đầu tư 1 tỷ USD vào sản xuất chip tại Việt Nam và cho đến nay, nhà máy này vẫn là một trong những địa điểm sản xuất quan trọng của tập đoàn.
Hiện nay, với sức ảnh hưởng của cuộc CMCN 4.0, thị trường bán dẫn ở các quốc gia đang phát triển cũng liên tục tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, Việt Nam được biết đến là một điểm sáng ở khu vực châu Á. Sản xuất điện tử, vi mạch những năm gần đây đã phát triển thành ngành công nghiệp quan trọng của quốc gia, chiếm bằng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 9 trên thế giới về xuất khẩu hàng điện tử.
Ảnh minh họa |
Theo thống kê, tại Việt Nam, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn có tốc độ phát triển từ 7-9% mỗi năm. Tuy nhiên, dù là lĩnh vực được đặc biệt ưu đãi, nhưng chiến lược phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn hiện vẫn còn chưa rõ ràng.
Thực tế, cho đến nay, nguồn cung chip bán dẫn tại Việt Nam vẫn đang phụ thuộc hoàn toàn từ các nhà cung cấp nước ngoài như Broadcom, Hitachi, Qualcomm, Samsung, SK Hylix... Các công ty trong nước chỉ có Viettel và FPT tham gia với công đoạn thiết kế chip, lắp ráp, kiểm định.
GS-TS. Đặng Lương Mô cho rằng, dù nền công nghiệp bán dẫn - vi mạch tại Việt Nam đã được xây dựng từ khá lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có một cơ sở chế tạo bán dẫn - vi mạch thuần nội địa nào.
Cũng như vậy, TS. Huỳnh Phú Minh Cường, phó Trưởng khoa Điện - Điện tử (Trường Đại học Bách khoa TP.HCM) một doanh nghiệp khởi nghiệp muốn thiết kế con chip phải mất từ 2-3 năm, với chi phí lên tới vài triệu USD, trong khi thị trường đầu ra chưa có gì đảm bảo. Chính vì vậy, rất khó kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này. Nhà nước phải có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút...
Là địa phương đầu tiên có chương trình phát triển công nghiệp vi mạch, trong tiến trình thúc đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn trên địa bàn, TP.HCM đã thiết lập Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao (SHTP) với nhiều hoạt động nghiên cứu và sản xuất sản phẩm ngành này. Cuối năm 2022, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp với Tập đoàn TTC, Tập đoàn SUN Electronics đã bàn giao thiết bị cho Phòng thiết kế vi mạch (Chip Design Lab) thuộc Trung tâm Thiết kế vi mạch (SCDC), thuộc SHTP với tổng kinh phí 2,6 tỷ đồng. Đây là cơ sở hạ tầng quan trọng đầu tiên của SCDC, được đưa vào hoạt động từ tháng 10/2022, dựa trên nguồn ngân sách xã hội hóa. Trong đó, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hỗ trợ các thiết bị công nghệ thông tin bao gồm 30 máy tính trạm, các thiết bị máy chủ, thiết bị mạng cho phép tổ chức các khóa đào tạo thiết kế vi mạch với quy mô đến 60 học viên.
Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, SCDC sẽ kết nối với các công ty chế tạo chip để triển khai dịch vụ MPW (Multi Project Wafer) hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, các doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp hội viên của Hội. Trung tâm cũng sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ đóng gói và thử nghiệm vi mạch, đồng thời triển khai các chương trình hợp tác để huy động nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý SHTP cho biết, hiện Trung tâm tập trung phát triển năng lực nội sinh, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính đột phá, tác động lan tỏa cao. Điểm nhấn trong chiến lược phát triển của SHTP vẫn là vi mạch, cụ thể là “fablab” (phòng thí nghiệm chế tạo). “Trong ngắn hạn, SHTP tập trung vào thiết kế, là công đoạn có giá trị gia tăng cao nhất của quá trình sản xuất vi mạch bán dẫn. Đây là lĩnh vực chúng ta có tiềm năng, chủ yếu cần vốn con người”, ông Thi khẳng định.
“Với nhu cầu liên tục gia tăng của chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng trở nên sôi động trong thu hút đầu tư. Đây cũng là cơ hội mới, nhiều triển vọng cho Việt Nam”, ông Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM khẳng định.