Ngành điện tử đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng
Ngành non trẻ nhưng đóng góp lớn
Ngành điện tử Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đã có những đóng góp rất to lớn cho sự phát triển chung của nền kinh tế, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương chia sẻ như vậy tại Diễn đàn CEO “Đón nhận làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành điện tử”, do tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) tổ chức ngày 4/10/2022.
Trong giai đoạn 2016-2020, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Các doanh nghiệp điện tử tại Việt Nam đã sản xuất được hầu hết các linh kiện, thiết bị điều hòa, máy giặt, điện thoại và những đồ gia dụng để phục vụ cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Ngành điện tử Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu tập trung thu hút các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài, đặc biệt là từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
Việt Nam cần tập trung vào các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) |
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện điện thoại đạt 57,54 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020; mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện ước đạt gần 51 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2020.
Cũng trong năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất điện tử máy tính và sản phẩm quang học vẫn tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước và số lượng điện thoại di động năm 2021 đạt 233 triệu chiếc, tăng 70,6%; sản lượng TV, linh kiện điện thoại cũng tăng.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt hơn 40 tỷ USD và tăng trên 13%; xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt khoảng 4 tỷ USD và tăng hơn 43%.
Tuy nhiên, 90% sản phẩm điện tử xuất khẩu hiện nay đều đến từ khối doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, ngành điện tử Việt Nam hiện mới đang ở công đoạn lắp ráp trong chuỗi giá trị sản phẩm điện tử. Tỷ lệ nội địa hóa của ngành điện tử Việt Nam hiện còn rất thấp, các sản phẩm điện tử trên thị trường đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu.
Thêm nữa, năng lực của doanh nghiệp nội trong ngành công nghiệp điện tử còn hạn chế, chất lượng mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được những yêu cầu của các doanh nghiệp đầu chuỗi. Một số doanh nghiệp điện tử nội trước đây từng có tiếng thì nay phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu và chỉ chiếm thị phần rất nhỏ.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử trong nước đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, tuy nhiên đa số mới là cung cấp những sản phẩm đơn giản, giá trị cũng như hàm lượng công nghệ rất thấp.
Ông Hoàng Minh Trí - Tổng giám đốc Công ty 4P chia sẻ, trong quá trình hoạt động, công ty gặp nhiều khó khăn trong khả năng tiếp cận và vận hành công nghệ mới, đầu ra hạn chế nên không dám đầu tư. Bên cạnh đó, công ty cũng thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao, đặc biệt với công nghệ mới.
Cơ hội lớn sau đại dịch
Theo ông Phạm Tuấn Anh, sau đại dịch Covid-19, ngành điện tử Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội đón đầu những làn sóng đầu tư, tái cơ cấu lại chuỗi giá trị. Bởi lẽ, Việt Nam có lợi thế đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời được đánh giá là một điểm đến an toàn và tiềm năng hấp dẫn của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang có cơ hội đón dòng vốn đầu tư thế hệ mới và dòng vốn tái định vị sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung ứng của các nước đối tác lớn và các tập đoàn đa quốc gia.
Hiện nay, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng đang được nâng cao với các hoạt động kinh tế đối ngoại tích cực. Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và sẽ tiếp tục củng cố lòng tin, làm gia tăng mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, lợi thế về nhân lực và thị trường nội địa 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn.
Doanh nghiệp ở trong nước cũng đang có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi ứng toàn cầu. Việc các tập đoàn lớn có kế hoạch chuyển dịch tái cơ cấu sản xuất đang mở ra những cơ hội cho doanh nghiệp cải thiện đáng kể chất lượng đầu tư, về vốn, công nghệ cũng như kinh nghiệm quản trị để có thể góp phần hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế trong nước.
Thực tế, trong thời gian vừa qua, nhiều tập đoàn lớn ở trong khu vực và trên thế giới đều bày tỏ sự quan tâm và có kế hoạch đầu tư hoặc là mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Trong đó có một số tập đoàn đang đẩy mạnh tìm kiếm và kết nối các doanh nghiệp cung ứng tại Việt Nam để tăng cường liên kết chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Ông Phạm Tuấn Anh cho hay, thời gian vừa qua, một số chính sách hỗ trợ trực tiếp ngành công nghiệp điện tử chưa đủ mạnh và chưa trực tiếp đến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói chung cũng như các doanh nghiệp điện tử nói riêng. Việt Nam cần phải tập trung vào hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Các chính sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển phải có trọng tâm, đẩy mạnh việc nghiên cứu hợp tác chung giữa các tập đoàn lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chia sẻ, vấn đề cốt lõi để biến cơ hội và triển vọng thành hiện thực là cần đề ra giải pháp đồng bộ và thực hiện quyết liệt để khắc phục cơ bản các điểm nghẽn mà nhà đầu tư và doanh nghiệp đã liên tục kiến nghị.
Đồng thời, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế pháp luật, khắc phục tình trạng thiếu tính hệ thống, mâu thuẫn chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; cần ban hành chính sách ưu đãi hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp FDI liên kết theo chuỗi với các doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ về tài chính, tín dụng ưu đãi để đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, đào tạo nhân lực tay nghề cao nhằm đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI về công nghiệp hỗ trợ.