Ngành điều sẽ tập trung phát triển chế biến sâu
Năm 2021, Việt Nam giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều, chiếm 80% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu của toàn cầu. Tại các thị trường trọng điểm trên thế giới, hạt điều Việt Nam đang giữ thị phần vượt trội (Mỹ và Trung Quốc 90%, Hà Lan 80%, Đức 60%...). Theo đó, ngành điều tiếp tục duy trì tăng trưởng dương về sản xuất, chế biến, xuất khẩu điều, hoàn thành vượt mục tiêu xuất khẩu 3,6 tỷ USD do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra từ đầu năm, tăng 14% so với năm 2020.
Việt Nam là quốc gia có vai trò quan trọng đối với thị trường điều thô toàn cầu |
Tuy nhiên, trên thực tế ngành điều vẫn đối mặt với không ít thách thức như phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu gồm điều thô và điều nhân sơ chế với số lượng lớn từ những quốc gia châu Phi. Một vấn đề nữa là giá cước vận tải biển liên tục tăng cao, tình trạng thiếu container rỗng và khó đặt hoặc bị hủy lịch tàu (booking); tắc nghẽn, trì hoãn tại các cảng trung chuyển diễn ra thường xuyên... Trong khi đó, phần lớn hạt điều Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển tới trên 100 thị trường khắp thế giới.
Tuy nhiên, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho rằng, cơ hội về thị trường xuất khẩu khả quan, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, EU và các khu vực có chung hiệp định thương mại tự do. Đáng chú ý, thị trường EU đang chiếm khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng hạt điều toàn cầu, dự báo sẽ tăng trưởng thêm 5%/năm trong những năm tới và hạt điều Việt Nam chiếm ưu thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Thêm vào đó, dù là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều, song Việt Nam chỉ mới tham gia được 18% trong chuỗi giá trị điều toàn cầu và chưa chiếm ưu thế trong nhóm sản phẩm phân khúc cao, chế biến sâu.
Nhưng “Thách thức cũng không nhỏ, đó là yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, chứng nhận, vệ sinh an toàn thực phẩm. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các "đối thủ" như Ấn Độ, Tanzania, Modambique, Ghana... Thêm vào đó, dù là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều, song Việt Nam chỉ mới tham gia được 18% trong chuỗi giá trị điều toàn cầu và chưa chiếm ưu thế trong nhóm sản phẩm phân khúc cao, chế biến sâu”, ông Phú nói thêm.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị, ngành điều Việt Nam tiếp tục nỗ lực giảm chi phí sản xuất, kinh doanh; nâng cao giá trị gia tăng hạt điều hơn nữa; không được tự bằng lòng với hiện tại mà phải luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo. Trong bối cảnh thế giới luôn biến động khó lường hiện nay, ngành điều cần có tầm nhìn và định hướng phát triển dài hạn, chủ động chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Các chuyên gia cho rằng, đến nay Việt Nam đã khẳng định mình không chỉ là nước cung ứng nhân điều cả về số lượng và chất lượng hàng đầu thế giới, nước có công nghệ, thiết bị chế biến điều tiên tiến nhất thế giới, mà còn là quốc gia có vai trò quan trọng đối với thị trường điều thô toàn cầu.
Từ tình hình thực tế và yêu cầu của sự phát triển, lãnh đạo Hiệp hội Điều cho biết, sẽ xúc tiến xây dựng để kiến nghị với Chính phủ “Chiến lược phát triển ngành điều Việt Nam trong tình hình mới”. Trong đó, hiệp hội đề xuất những cơ chế chính sách của nhà nước nhằm hai mục tiêu lớn phát triển mạnh chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường thế giới, giành vị trí xứng đáng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu và phát triển mạnh vùng nguyên liệu theo hướng chất lượng, hiệu quả; vừa tạo thế chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cho chế biến, vừa góp phần thực hiện thành công chính sách tam nông của nhà nước.
Đặc biệt, Hiệp hội Điều đề nghị có cơ chế chính sách đối với vấn đề nhân điều nhập khẩu, xuất khẩu máy móc thiết bị chế biến điều, chất lượng điều thô nhập khẩu... Cùng với đó, hỗ trợ hội viên, doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cụ thể trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các chương trình, dự án về giống, cải tạo vườn điều, quy trình canh tác mới... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng điều thô; tiếp tục hỗ trợ ngành điều Campuchia để xây dựng vùng nguyên liệu chiến lược cho ngành điều Việt Nam.