Ngành gỗ xuất khẩu vẫn bứt phá
Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho thấy, 10 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt gần 9 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,38 tỷ USD, tăng 11%, lâm sản ngoài gỗ đạt 589 triệu USD, tăng 26% so cùng kỳ 2019. Xuất siêu đạt 6,137 tỷ USD. Về nhập khẩu gỗ và lâm sản, lũy kế những tháng đầu năm 2020 ước đạt 1,76 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, hiện chiếm gần 89,4% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu gỗ và lâm sản chính là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Cameroon, Thái Lan, Chile, chiếm khoảng 54% tổng giá trị.
Ảnh minh họa |
Điều đó cho thấy tinh thần vượt khó ngoạn mục của các doanh nghiệp ngành gỗ trong những tháng đầu năm 2020. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng ngành gỗ Việt Nam đã tăng trưởng 12% so cùng kỳ là thành tựu ngoài mong đợi, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn tin tưởng rằng, từ nay đến cuối năm chỉ còn 2 tháng, thời gian không dài, nhưng với đà tăng trưởng như hiện nay, ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 4 tỷ USD nữa. Như vậy, cả năm 2020, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam sẽ đạt khoảng 12,5 tỷ USD là rất khả thi.
Trong lúc thị trường có nhiều biến động khó lường, toàn ngành gỗ đang chứng kiến những nỗ lực không mệt mỏi của mỗi doanh nghiệp, khiến chuỗi cung ứng chẳng những không bị đứt gãy, thậm chí còn phát triển hơn so với giai đoạn trước đại dịch.
Đơn cử, nếu như trước đây mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu chủ lực là bàn ghế ngoài trời, đến thời điểm này, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ ở Việt Nam đã xác định đồ gỗ nội thất và ván trang trí là sản phẩm chiến lược. Việc xác định rõ sản phẩm và thị trường chiến lược chính là bệ đỡ để doanh nghiệp ngành gỗ bứt phá. Minh chứng cụ thể là từ đầu năm đến nay, riêng 2 mặt hàng tủ bếp và tủ nhà tắm đã đạt giá trị xuất khẩu gần 1 tỷ USD, tăng trên 80% so với cùng kỳ năm 2019, ông Đỗ Xuân Lập cho biết.
Theo Tổ chức ITC, quy mô giá trị thương mại của mặt hàng này trên thế giới đạt khoảng 7 tỷ USD. Trong đó, Mỹ là thị trường chiến lược của Việt Nam, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ. Thêm một cơ hội khác của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới là dư địa rộng lớn của thị trường EU, dù hiện tại giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản sang thị trường này đang còn rất thấp, trong những tháng đầu năm chỉ đạt 588,8 triệu USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2019 trong khi nhu cầu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của EU hàng năm lên đến 85 tỷ USD.
Để rộng đường cho ngành gỗ Việt Nam tiến lên nấc thang cao hơn tại các thị trường chiến lược, ngay trong tháng 11, Viforest sẽ tiến hành thành lập chi hội tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí. Theo đó, việc thành lập chi hội sẽ tạo ra các chuỗi liên kết cả dọc và ngang nhằm tạo ra mạng lưới rộng lớn các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất mặt hàng chiến lược, cung ứng cho thị trường chiến lược để hòa nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.
Ở chiều hướng khác, ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị mất thị trường do gỗ Trung Quốc đội lốt xuất xứ. Rủi ro thương mại đang tiềm ẩn. Chính phủ Mỹ đang thực hiện điều tra mặt hàng gỗ dán của Việt Nam được xuất khẩu vào Mỹ, bên cạnh 2 mặt hàng khác đang có tín hiệu rủi ro là tủ bếp, tủ nhà tắm làm từ gỗ dán và ghế sofa có khung làm từ gỗ dán.
Một cảnh báo khác là trong các tháng đầu năm 2020, dù chịu tác động của dịch Covid-19 vẫn có 12 dự án FDI ngành gỗ từ Trung Quốc và 10 dự án từ Hong Kong vào Việt Nam.
Dẫn ra nhiều tín hiệu của sản phẩm nguy cơ gian lận xuất xứ như: công ty tham gia xuất khẩu mới được thành lập tại Việt Nam với quy mô sản xuất nhỏ. Công ty tập trung vào lắp ráp, đóng gói, sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ công ty mẹ tại Trung Quốc. Các mặt hàng sản xuất, xuất khẩu từ Việt Nam cũng chính là các mặt hàng trước đó từ Trung Quốc bị Mỹ áp các mức thuế mới… ông Trần Lê Huy, đại diện Nhóm nghiên cứu Các hiệp hội gỗ và Forest Trends khẳng định, việc ngăn chặn và giải quyết gian lận thương mại kịp thời và hiệu quả có tính chất sống còn với ngành gỗ Việt. Vì vậy, lúc này các cơ quan chức năng Việt Nam cần phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp trong việc xác định các mặt hàng rủi ro và các công ty có hành vi gian lận. Xây dựng kênh kết nối thông tin giữa các hiệp hội gỗ và cơ quan quản lý nhằm cập nhật thường xuyên thông tin về các dấu hiệu gian lận từ đó xác định các biện pháp can thiệp kịp thời. Cơ quan quản lý cần tăng cường nguồn lực, kiểm tra giám sát chặt chẽ khâu cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm xuất khẩu.
Trong dài hạn, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp gỗ nên đa dạng nguồn cung gỗ nguyên liệu, giảm tỷ trọng nguồn cung nhập khẩu từ khu vực nhiệt đới, tăng tỷ trọng từ các nguồn cung rủi ro thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ và các hiệp hội gỗ cần phối hợp với các cơ quan truyền thông, đưa ra các cơ chế và thông điệp khuyến khích sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, không những giúp ngành giảm rủi ro trong sử dụng nguồn nguyên liệu mà có ý nghĩa trực tiếp đối với hàng triệu nông hộ trồng rừng hiện nay.