Ngành mía đối mặt với “sinh tử”
Ảnh minh họa |
Vụ 2019/20 ngành đường Việt Nam chỉ còn 157.000 hecta mía so với 300.000 hecta các vụ trước và chỉ còn 28 nhà máy hoạt động trong tổng số 40 nhà máy, trong đó nhiều nhà máy đã không có mía để hoạt động. Toàn ngành đường Việt Nam ép được khoảng 7,566,558 tấn mía và sản xuất được 763,931 tấn đường các loại… nhưng hầu như không tiêu thụ được, tồn kho lớn do giá đường bị đẩy xuống sát với giá đường nhập khẩu và có khi thấp hơn.
Nguyên nhân được chỉ ra không chỉ do tác động của dịch bệnh Covid và ATIGA, mà hơn thế là từ những tồn tại nhức nhối của ngành đường nhiều năm qua do tác động của các loại đường phá giá bao gồm nhập khẩu chính ngạch, nhập lậu và gian lận thương mại.
“Hầu như chắc chắn sẽ có thêm 4-5 nhà máy nữa không có điều kiện đi vào hoạt động sản xuất trong vụ ép 2020/21 sắp tới, dự kiến bắt đầu vào tháng 11/2020... Ngành mía đường Việt Nam hầu như rất khó có thể tồn tại”, ông Nguyễn Văn Lộc - quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết.
Nhất trí với chủ trương của Chính phủ thực thi cam kết ATIGA, xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường từ ngày 1/1/2020, Hiệp hội Mía đường Việt Nam tự tin khẳng định rằng, năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam không hề thua kém các đồng nghiệp trong cộng đồng ASEAN, do đó không chủ trương yêu cầu Nhà nước phải thực thi các biện pháp bảo hộ trái với các nguyên tắc và thông lệ thương mại quốc tế của ATIGA. Ngành mía đường và nông dân trồng mía Việt Nam chỉ cần nhận được sự đối xử tương đương và điều kiện cạnh tranh ngang bằng với ngành đường và nông dân trồng mía của các nước trồng mía trong khối ASEAN 6 là các quốc gia đã hội nhập trước Việt Nam.
Trong khi hiện, các quốc gia trồng mía lân cận bao gồm Thái Lan, Philippines, Indonesia và Trung Quốc đều có được sự hỗ trợ từ nhà nước trong khuôn khổ bảo vệ giá đường nội địa và chính sách chia sẻ giữa nhà máy và nông dân nên vẫn bảo vệ được diện tích trồng mía và sinh kế cho người trồng mía bất chấp các diễn biến bất lợi do thiên tai dịch bệnh và thị trường.
Theo đó, hiệp hội kiến nghị triển khai khẩn cấp trước Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 14/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, trước khi vụ ép 2020/21 dự kiến bắt đầu tháng 11/2020. Trong đó Bộ Công thương xem xét sớm khởi xướng điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế và có biện pháp áp thuế tạm thời trước khi vào vụ ép.
Hiệp hội và các nhà máy xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc để giúp ngăn chặn hành vi buôn lậu đường. Các nhà máy thiết lập hệ thống minh bạch về chữ đường, giá mía nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân trồng mía, duy trì nguồn nguyên liệu ổn định. Các cơ quan nhà nước triển khai các công tác chống hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi tiếp tay buôn lậu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh đường và chất tạo ngọt…
Cụ thể hơn, Công ty TNHH Công nghiệp KCP đề xuất Chính phủ và Bộ Tài chính có biện pháp kiểm soát việc nhập khẩu nguyên liệu theo dạng sản xuất xuất khẩu bằng cách áp dụng đặt cọc thuế nhập khẩu và giới hạn thời gian xuất khẩu như quy định trước đây. Đồng thời xem xét đàm phán với các nước ASEAN để đưa sản phẩm đường vào Schedule E (highly sensitive) của biểu thuế để được áp dụng Điều khoản 24 của Hiệp định ATIGA và Nghị định thư đối xử đặc biệt đối với gạo và đường trong ASEAN cho Việt Nam giống như Indonesia và Philippines đang áp dụng; có chính sách ấn định tỷ lệ chia sẻ giá giữa ethanol nhiên liệu và xăng.
Chỉ ra môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt cũng là chất xúc tác để các nhà máy đường nhìn nhận lại mình và tự đổi mới để đáp ứng nhu cầu, ông Phạm Hồng Dương - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT CTCT Mía đường Thành Thành Công nhấn mạnh, để ngành mía tồn tại, phát triển mối liên kết giữa ba nhà cần phải chặt chẽ hơn. Các bộ, ngành, địa phương và nhà máy cần tập trung cơ cấu lại ngành mía đường nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập theo cơ chế thị trường.
Ðặc biệt, tập trung cơ cấu lại sản xuất nguyên liệu mía nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu để nông dân có lời. Trong đó, cơ cấu lại khâu nghiên cứu và tổ chức sản xuất giống (hình thành lại hệ thống giống 3 cấp); phấn đấu sau năm 2020 chấm dứt tình trạng dân tự để giống để trồng mới.
Mặt khác, cần cơ cấu lại giá mía nguyên liệu theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa nhà máy với nông dân theo tỷ lệ 70/30; cơ cấu lại công nghiệp chế biến đường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. Phấn đấu giá đường xuống dưới 10.000 đồng/kg. Hệ thống thương mại, tiêu thụ, bán lẻ cần cơ cấu lại theo thị trường, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước nhằm ổn định sản xuất, bình ổn thị trường giá cả trong nước, chia sẻ lợi ích giữa sản xuất và tiêu dùng. Cơ cấu lại DN, từng bước hình thành DN theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ; gắn công nghiệp chế biến đường với công nghiệp chế biến thực phẩm và nước giải khát.