Ngành mía đường đề xuất hoãn thực thi ATIGA
Lo ngại nông dân thất nghiệp, nhà máy đóng cửa ở quy mô lớn |
Cạnh tranh không cân sức do gian lận thương mại
Trong Công văn số 106/CV-HHMĐ gửi tới ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, HHMĐ cho biết, hiện nay ngành mía đường Việt Nam đang khẩn trương chuẩn bị vào vụ ép mía 2019-2020. Dự kiến trung tuần tháng 9/2019 một số nhà máy thuộc Đồng bằng sông Cửu Long sẽ vào vụ ép. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị vào vụ ép năm nay đang gặp phải những trở ngại chưa từng có trong lịch sử của ngành, cộng hưởng từ những khó khăn của ngành mía đường trong suốt 3 niên vụ gần đây.
Đặc biệt, việc xoá bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) đồng nghĩa với việc từ sau ngày 1/1/2020 lượng đường không hạn chế với mức giá dự kiến 8.000-9.000 đồng/kg từ Thái Lan sẽ tràn vào chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Mức giá này thấp hơn so với giá bán của các nhà máy đường trong nước khoảng 2.000-3.000 đồng/kg. Hệ quả là các DN đường trong nước, các hộ gia đình trồng mía chắc chắn không có chỗ đứng và phá sản là điều không tránh khỏi.
HHMĐ nêu quan điểm, ATIGA cũng như bất cứ thiết chế quốc tế nào cũng không thể ngăn cản một quốc gia thành viên được bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đặc biệt khi xuất hiện những thay đổi hoặc khó khăn chưa thể lường trước khi cam kết. Khó khăn mà ngành mía đường đề cập đến chính là việc Thái Lan - quốc gia sản xuất mía đường lớn nhất trong khối đã nâng quy mô mía đường lên gấp 2 lần so với thời điểm Việt Nam ký kết gia nhập, thay đổi hoàn toàn điều kiện ban đầu và bản chất gian lận thương mại đường quốc tế của Thái Lan mới chỉ được chính thức lộ diện vào năm 2016 khi bị Brazil kiện ra WTO.
Với hệ thống gian lận này, theo báo cáo gần nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Chính phủ Thái Lan chưa hoàn tất việc sửa đổi Luật Mía và đường theo đòi hỏi của Brazil khi kiện Thái Lan ra WTO; đồng thời nước này vẫn vận dụng mọi cách để bảo đảm chi trả đủ cho nông dân trồng mía, bất chấp giá đường xuất khẩu có thấp đến mức nào đi nữa.
Trong bối cảnh đó, HHMĐ cho rằng 2 quốc gia trồng mía khác trong ASEAN 6 là Philippines và Indonesia mặc dù đã bắt đầu thực hiện cam kết ATIGA từ 2015, nhưng đã liên tục trì hoãn việc giảm thuế và vẫn bảo lưu các biện pháp cần thiết để bảo đảm lợi ích cho người nông dân trồng mía có thu nhập ổn định. Theo báo cáo của Tổ chức Mía đường quốc tế, tỷ lệ giá mía/đường của Indonesia là 66% và của Philippines là 70%; tương ứng giá mía bình quân của 2 quốc gia này lần lượt là 1,05 triệu đồng/tấn và 1,52 triệu đồng/tấn. Tuy mức giá đường trong nước ở 2 quốc gia này cao nhưng đường Thái Lan không thể vào tràn lan do chỉ được nhập khẩu thông qua hệ thống cấp phép từng chuyến.
Bên cạnh đó, nghị định thư về xem xét đặc biệt đối với mặt hàng đường (năm 2010) bảo đảm cho Philippines và Indonesia theo dõi và khống chế đường nhập khẩu từ Thái Lan ngay cả khi 2 nước này đã tham gia ATIGA. “Rất tiếc, nghị định thư này chưa áp dụng cho Việt Nam gây ra sự bất bình đẳng cho ngành mía đường Việt Nam khi tham gia ATIGA”, công văn của HHMĐ nêu rõ.
Hoãn thực thi ATIGA để tìm giải pháp?!
Theo các DN trong HHMĐ, mức giá tối thiểu mà người nông dân có thể chấp nhận được phải nằm trong mức 800.000 - 850.000 đồng/tấn mía tại ruộng vì giá vốn bình quân là 800.000 đồng/tấn mía. Tuy nhiên, để sản xuất và bán đường với giá 8.000-9.000 đồng/kg như Thái Lan, thì nhà máy đường Việt Nam phải mua nguyên liệu với giá khoảng 500.000 - 550.000 đồng/tấn, thấp hơn nhiều so với giá thành của nông dân làm ra. HHMĐ khẳng định, đây cũng là mức giá tương ứng mà các nhà máy đường của Thái Lan đang thu mua, tuy nhiên điểm khác biệt là Chính phủ Thái Lan trợ cấp lớn cho nông dân nước này yên tâm trồng, mở rộng sản xuất và xâm chiếm thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam.
Qua 3 năm liên tục khó khăn, tồn kho cao và thua lỗ, các nhà máy đường Việt Nam không còn khả năng duy trì giá thu mua như hiện nay cho nông dân. Dự kiến giá thu mua mía mà các DN ngành này đưa ra trong niên vụ tới là 480.000 - 540.000 đồng/tấn, tương đương và không thấp hơn giá thu mua quốc tế của các nhà máy đường Thái Lan, dù biết rằng mức giá này sẽ đẩy nông dân trồng mía vào tình cảnh khó khăn chồng chất, thậm chí phải bỏ trồng mía, đồng thời đưa ngành mía đường vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Trên tinh thần đó, tại Công văn số 108/CV-HHMĐ gửi tới ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương, HHMĐ đề xuất vận dụng Điều khoản số 23 của Hiệp định ATIGA cho phép tạm thời sửa đổi hoặc ngừng các cam kết. Điều 23 nêu rõ: “Trong những hoàn cảnh đặc biệt ngoài quy định trong Điều 86 (Tự vệ), Điều 10 (BOP) và Điều 24 (Xử lý Nghị định thư về Gạo và Đường) khi một quốc gia thành viên gặp phải những khó khăn không lường trước khi thực hiện các cam kết thuế, quốc gia thành viên đó có thể yêu cầu tạm thời sửa đổi hoặc ngừng cam kết trong lộ trình cam kết trong Điều 19 (Cắt giảm hoặc Loại bỏ Thuế quan)”.
“Trước hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện nay của ngành đường và nông dân trồng mía, việc vận dụng Điều khoản số 23 để trì hoãn là hợp lẽ và hết sức cần thiết để tránh việc phá sản quy mô lớn của các DN mía đường và đẩy hàng vạn hộ nông dân vào nguy cơ thất nghiệp, nợ nần”, HHMĐ đề xuất.
Bên cạnh đó, HHMĐ đề nghị, trong giai đoạn hoãn thực hiện cam kết ATIGA, HHMĐ Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ với Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT và các cơ quan chức năng đánh giá đầy đủ, toàn diện để xây dựng phương hướng cam kết phù hợp, bảo đảm hài hoà lợi ích của quốc gia, ngành kinh tế và mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoài ra, để mục tiêu hội nhập thành công, kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo quyết liệt điều tra và ngăn chặn hiệu quả mọi hành vi buôn lậu và gian lận thương mại trong lĩnh vực mía đường, đồng thời xem xét hỗ trợ về giá thu mua mía cho người trồng mía trong trường hợp giá đường xuống quá thấp, vượt quá khả năng tự cân đối của các DN mía đường.